Tìm kiếm giải pháp trong vấn đề hạt nhân

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 07/08/2022 13:13 GMT+7

VTV.vn - Các quốc gia vẫn chi hàng trăm tỷ USD để củng cố kho vũ khí hạt nhân của mình giữa bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp.

Xu thế căng thẳng địa chính trị gia tăng, cạnh tranh và nghi ngại giữa các quốc gia đang thay thế đối thoại và đoàn kết quốc tế, nguy cơ hạt nhân bị đẩy lên mức chưa từng thấy kể từ đỉnh điểm đối đầu trong Chiến tranh lạnh. Đó là nhận định của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc trong phát biểu khai mạc Hội nghị kiểm điểm lần thứ 10 Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Các quốc gia vẫn chi hàng trăm tỷ USD củng cố kho vũ khí hạt nhân của mình giữa bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Theo Liên Hợp Quốc, cùng hành động, thúc đẩy một con đường mới hay tìm kiếm một giải pháp trong vấn đề hạt nhân là điều tối quan trọng hiện nay.

Toàn cảnh thế giới - 07/8/2022

Nguy cơ hạt nhân chưa từng thấy từ Chiến tranh lạnh

Những ngày đầu tháng 8 hàng năm, thế giới luôn nhớ về hai sự kiện đã thay đổi mãi mãi cách con người nhìn nhận về vũ khí tấn công và chiến tranh, đó là việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống 2 thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki vào ngày 6/8 và ngày 9/8, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Các lễ tưởng niệm hàng năm được tổ chức để nhắc con người phải nhớ không được quên rằng, vũ khí hạt nhân đã có thể hủy diệt đến mức nào và để lại những hậu quả gì.

Tại lễ tưởng niệm ở Hiroshima, Nhật Bản ngày 6/8 vừa qua, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã trực tiếp tới Nhật tham dự, sau khi trước đó trong tuần vừa có bài phát biểu đáng chú ý tại New York, trong Hội nghị kiểm điểm 10 năm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT. Tại Nhật Bản, ông Guterres một lần nữa nhấn mạnh, cần nhìn vào thảm họa ở Hiroshima để nhận ra rằng, chỉ có một giải pháp cho mối đe dọa hạt nhân đó là không có vũ khí hạt nhân.

Tìm kiếm giải pháp trong vấn đề hạt nhân - Ảnh 2.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres (Ảnh: AP)

"Cho đến lúc này, chúng ta đã vô cùng may mắn. Nhưng may mắn không phải là chiến lược hay là tấm khiên ngăn chặn trước căng thẳng địa chính trị leo thang và có nguy cơ kéo theo xung đột hạt nhân. Ngày nay, nhân loại chỉ còn cách sự hủy diệt hạt nhân bởi một hiểu lầm, một tính toán sai lầm" - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

Trước thềm Hội nghị, Chiến dịch quốc tế loại bỏ vũ khí hạt nhân đã công bố báo cáo cho thấy, 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân trên thế giới đã chi hơn 82 tỷ USD để nâng cấp kho vũ khí trong năm 2021.

Trong khi đó, bản báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm đi sâu vào từng quốc gia: Năm ngoái, Anh thông báo nâng mức trần của kho dự trữ đầu đạn và sẽ không công khai số liệu về vũ khí hạt nhân đang hoạt động nữa. Pháp khởi động chương trình phát triển tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ thứ ba. Ấn Độ và Pakistan dường như đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình.

Mỹ và Nga đã giảm dần kho vũ khí hạt nhân khổng lồ được xây dựng trong Chiến tranh lạnh nhưng số lượng vũ khí hạt nhân đang hoạt động vẫn "tương đối ổn định".

Trong nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung về thế giới không hạt nhân, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề xuất 5 lĩnh vực hành động gồm: củng cố Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân; loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân; giải quyết căng thẳng tại khu vực Trung Đông và châu Á; thúc đẩy sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, qua đó góp phần triển khai các mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện các cam kết của Hiệp ước chưa được hoàn thành.

Lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc đã nhận được sự hưởng ứng của các bên liên quan.

Tìm kiếm giải pháp trong vấn đề hạt nhân - Ảnh 3.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (Ảnh: AP)

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định: "Mặc dù số lượng đầu đạn hạt nhân đã giảm đáng kể từ đỉnh điểm của chiến tranh lạnh nhưng vẫn còn hơn 10.000 vũ khí hạt nhân trên thế giới. Duy trì xu hướng giảm dần này là vô cùng quan trọng để tiến gần hơn đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Để đạt được điều này, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân tham gia một cách có trách nhiệm".

Ông Igor Vishnevetsky - Phó Giám đốc Cục Kiểm soát và Chống phổ biến vũ khí, Bộ Ngoại giao Nga - nhận định: "Liên bang Nga tin chắc rằng không thể có bên chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân và một cuộc chiến như vậy sẽ không bao giờ được xảy ra".

Tìm kiếm giải pháp trong vấn đề hạt nhân - Ảnh 4.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (Ảnh: AP)

Ông Antony Blinken - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ - cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng làm việc với tất cả các đối tác về các nỗ lực giảm thiểu rủi ro và ổn định chiến lược".

Và trong phát biểu của mình, đại diện đoàn Việt Nam tham dự hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy cân bằng cả ba trụ cột của Hiệp ước, không phổ biến vũ khí hạt nhân, kêu gọi các quốc gia loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh quyền của các quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Trước một loạt các thách thức, chia rẽ mang tính toàn cầu hiện nay, con đường tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân ngày càng gập ghềnh. Nhưng con đường ấy không phải không khả thi khi có quyết tâm mạnh mẽ của quốc tế, với xuất phát điểm chính là Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT.

Cuộc đua trang bị vũ khí hạt nhân

Trong tuyên bố mới đây nhất của Tổng thống Nga Putin, ông khẳng định là sẽ không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và nó không bao giờ được phép xảy ra. Trước đó, vào đầu tháng 6, người đứng đầu nước Nga đã ký sắc lệnh phê chuẩn các nguyên tắc cơ bản của chính sách răn đe hạt nhân quốc gia và lần đầu tiên văn bản này được công khai.

Giới phân tích cho rằng, đây là một sự minh bạch cần thiết hàm chứa nhiều thông điệp đối với các đối thủ tiềm tàng của Nga, đặc biệt trong bối cảnh các cơ chế kiểm soát vũ khí mà Nga tham gia đã bị huỷ bỏ hoặc có nguy cơ hủy bỏ.

Với sắc lệnh này, quân đội Nga sẽ có quyền giáng trả bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào vào nước này cũng như có thể tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân trong trường hợp có nguy cơ đối với sự tồn vong của quốc gia. Moscow cho rằng, học thuyết hạt nhân của họ rất rõ ràng, đồng thời khẳng định, tình trạng tăng cường cảnh giác hiện nay, với các nhân sự bổ sung làm nhiệm vụ tại các sở chỉ huy chiến lược là hoàn toàn khác với "tình trạng thực tế sẵn sàng của các lực lượng hạt nhân chiến lược".

Nguy cơ một cuộc đua vũ trang mới được cho là đã hiện hữu. Tháng 6 năm nay, Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đã công bố Niên giám năm 2022, đánh giá tình trạng hiện tại của vũ khí, giải trừ quân bị và an ninh quốc tế. Một phát hiện quan trọng trong Niên giám SIPRI 2022 là mặc dù số lượng đầu đạn hạt nhân giảm nhẹ vào năm 2021 nhưng các kho vũ khí hạt nhân dự kiến sẽ tăng lên trong thập kỷ tới.

Tìm kiếm giải pháp trong vấn đề hạt nhân - Ảnh 5.

Nhiều quốc gia vẫn âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân (Ảnh: Cedoc)

Kỷ nguyên giải trừ quân bị sắp kết thúc và nguy cơ leo thang hạt nhân đang ở mức cao nhất kể từ thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh. Đây là nhận định trong Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố giữa năm nay.

9 quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân trên thế giới đã chi hơn 82 tỷ USD để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân trong năm ngoái 2021, nhiều hơn 8% so với năm trước đó. Mỹ là nước chi nhiều tiền nhất 44,2 tỷ USD, tiếp sau là Trung Quốc 11,7 tỷ USD rồi đến Nga 8,6 tỷ USD.

Bà Beatrice Fihn - Giám đốc điều hành Chiến dịch quốc tế loại bỏ vũ khí hạt nhân - cho rằng: "Những gì chúng ta đang nói ở đây là các thảm họa đang chờ xảy ra. Với sự gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia có vũ trang hạt nhân, thế giới đang bị đe dọa và nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân đang thực sự gia tăng".

Theo SIPRI, Nga là nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất với tổng số 5.977 đầu đạn hạt nhân, trong đó 1.588 đầu đạn được triển khai cùng tên lửa và máy bay đang trong tình trạng sẵn sàng cao. Trong khi đó, Mỹ có 5.428 đầu đạn hạt nhân nhưng lại có đến 1.750 đầu đạn hạt nhân đang được triển khai.

Ông Matt Korda - Nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - cho biết: "Không còn nhiều cơ chế để giữ giới hạn kho vũ khí. Cơ chế duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga là New START. Nhưng New START chỉ giới hạn số lượng vũ khí có thể được triển khai chứ không giới hạn số lượng vũ khí mà các quốc gia có thể dự trữ. Vì vậy, họ vẫn có thể chế tạo những gì họ muốn".

Thế giới đang đối mặt với mức độ rủi ro hạt nhân cao nhất trong gần 4 thập kỷ qua. Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Allied Market Research có trụ sở tại bang Oregon của Mỹ, trong 10 năm tới, thị trường tên lửa và bom hạt nhân toàn cầu sẽ vượt mức 126 tỷ USD, tức là tăng gần 73% so với năm 2020.

Mong manh các khuôn khổ ràng buộc hạt nhân

Một vấn đề cũng được nhắc nhiều trong tuần qua là việc Nga - Mỹ chưa đi đến thống nhất về việc tái khởi động đàm phán, khuôn khổ kiểm soát vũ khí mới, thay thế cho Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START - còn gọi là START 3), sẽ hết hạn vào năm 2026. Những diễn biến khiến giới phân tích tình hình quốc tế lo ngại khi nhớ về một xu hướng đã diễn ra trong ít năm qua là việc xói mòn nhiều khuôn khổ kiểm soát vũ khí quốc tế và cách nào để ngăn chặn điều này.

Hiện thế giới có hai hiệp ước là Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, có sự cam kết của hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trên thực tế, gần 13.000 vũ khí hạt nhân đang nằm trong các kho vũ khí trên khắp thế giới và giữa hai cường quốc hạt nhân là Nga và Mỹ chỉ còn ràng buộc pháp lý bởi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới New START. Hiệp ước này sẽ có hiệu lực đến tháng 2/2026.

Trong bức thư gửi các bên tham gia Hội nghị đánh giá lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân đang diễn ra từ đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ tin tưởng, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân là một trong những yếu tố quan trọng của hệ thống an ninh quốc tế và ổn định chiến lược.

Tìm kiếm giải pháp trong vấn đề hạt nhân - Ảnh 6.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)

"Là một quốc gia thành viên tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và là một trong những quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân, Nga luôn tuân thủ chính sách và tinh thần của hiệp ước" - Tổng thống Putin khẳng định.

Tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng khẳng định cam kết của Washington về việc tìm kiếm giải pháp giảm thiểu rủi ro toàn diện, bao gồm các kênh liên lạc an toàn giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân.

"Vào tháng 1, Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo của các quốc gia có vũ khí hạt nhân gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Vương quốc Anh đều khẳng định nguyên tắc này và tôi xin trích dẫn, 'một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể chiến thắng và không bao giờ được xảy ra" - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.

Ngoại trưởng Blinken cũng tuyên bố việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 vẫn là kết quả tốt nhất cho Mỹ, Iran và thế giới. Nhưng hiện tiến trình đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đang rơi vào bế tắc do Iran và Mỹ có nhiều quan điểm khác biệt. Tiến trình đàm phán được cho là sẽ càng khó khăn hơn. Ngày 1/8, Iran tuyên bố nước này đã khởi động hàng trăm máy ly tâm để làm giàu Urani, với lý do Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với xuất khẩu dầu mỏ của Tehran.

Đối với tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Gueterres, loại trừ vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để bảo đảm chúng sẽ không bao giờ được sử dụng, theo như những phát biểu của ông. Vẫn biết điều này là rất khó, những người theo chủ nghĩa thực tế sẽ nhìn vào các số liệu thống kê hàng năm về lượng đầu đạn dự trữ, lượng vũ khí được bổ sung, tình trạng các khuôn khổ kiểm soát, cùng với những suy giảm và tổn hại trong lòng tin chiến lược giữa các quốc gia. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, các nỗ lực trong thúc đẩy đồng thuận và hợp tác quốc tế sẽ luôn cần, với hy vọng củng cố các hợp tác hiện có và thiết lập những khuôn khổ mới cho các vấn đề kiểm soát hạt nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước