Tín hiệu tích cực về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 21/05/2023 12:04 GMT+7

VTV.vn - Một chuyến công du đang thu hút sự quan tâm rộng rãi nhưng rất ít thông tin được công bố, đó là sứ mệnh ngoại giao của Đặc phái viên Trung Quốc Lý Huy tới châu Âu.

Chuyến công du châu Âu của Đặc phái viên Trung Quốc Lý Huy diễn ra trong bối cảnh có rất nhiều thông tin dồn dập thời gian gần đây về một kế hoạch phản công lớn của Ukraine tại miền Đông nước này.

Còn trong diễn biến mới nhất, sáng nay, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, các lực lượng Nga đã kiểm soát hoàn toàn thành phố Bakhmut tại miền Đông Ukraine, mà phía Nga gọi là Artyomovsk. Tuy nhiên, phía Ukraine đã bác bỏ thông tin này và khẳng định rằng, chiến sự vẫn tiếp diễn tại đây.

Bakhmut là điểm nóng chiến sự hàng đầu, nơi đã diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa hai bên trong nhiều tháng qua. Việc kiểm soát hoàn toàn Bakhmut đánh dấu chiến thắng lớn đầu tiên của Nga trong 10 tháng qua.

Trong một bầu không khí chiến sự đang bước vào giai đoạn có thể có những diễn biến mới nhanh chóng, các nỗ lực thúc đẩy một giải pháp chính trị càng thu hút sự quan tâm của tất cả các bên.

Trong tuần qua, hai chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của Đặc phái viên Trung Quốc tới châu Âu đã được hoàn thành - thủ đô Kiev của Ukraine và thủ đô Warszawa của Ba Lan.

Chuyến công du châu Âu của Đặc phái viên Trung Quốc

"Không có phương thuốc chữa bách bệnh cho xung đột Nga - Ukraine" - thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau Hội đàm giữa Đặc phái viên về các vấn đề Á - Âu Lý Huy và Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba tại Kiev. Trước đó, ông Lý Huy cũng đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Zelensky và các quan chức Ukraine về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.

Trung Quốc kêu gọi các bên tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình, trong khi phía Ukraine nhấn mạnh việc khôi phục hòa bình phải dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Tín hiệu tích cực về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Ảnh: Reuters)

Ông Uông Văn Bân - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cho biết: "Tất cả các bên cần bắt đầu từ chính họ, tích lũy lòng tin lẫn nhau, tạo điều kiện chấm dứt chiến tranh, đàm phán hòa bình, trên cơ sở văn kiện "Lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraine". Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy cộng đồng quốc tế hình thành mẫu số chung lớn nhất để giải quyết khủng hoảng Ukraine cũng như nỗ lực ngăn chặn chiến tranh, khôi phục hòa bình càng sớm càng tốt".

Mục đích chuyến đi của Đặc phái viên Lý Huy đã được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương công bố trong chuyến thăm, làm việc với Thủ tướng Na Uy hồi tuần trước.

Tín hiệu tích cực về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine - Ảnh 2.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (Ảnh: Reuters)

"Tất cả chúng ta đều lo lắng về tình hình Ukraine và đều kêu gọi hòa bình và một giải pháp chính trị. Đây là điều Trung Quốc ủng hộ và đã kêu gọi kể từ ngày đầu tiên xung đột nổ ra. Vì vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng một vai trò hòa bình và mang tính xây dựng trong việc tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng" - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh.

Ngay sau chuyến thăm Ukraine, ông Lý Huy đã tới Ba Lan và có các cuộc trao đổi với lãnh đạo ngoại giao nước này. Ông Lý Huy cho biết, Trung Quốc coi trọng vai trò của Ba Lan trong các vấn đề khu vực và sẵn sàng tiếp tục liên lạc với Ba Lan về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.

Trong khi đó, phía Ba Lan cho biết, họ ủng hộ kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine Zelensky để giải quyết xung đột, cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng về quan hệ châu Âu - Trung Quốc nếu Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga.

Tín hiệu tích cực về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine - Ảnh 3.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric (Ảnh: Reuters)

Ông Stephane Dujarric - Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc - nhận định: "Tôi cho rằng, đây là một chuyến công du quan trọng. Trung Quốc, các thành viên Liên minh châu Âu và các nước châu Âu khác cần can dự vào một cuộc đối thoại chiến lược. Chúng tôi hoan nghênh bất cứ điều gì có thể thúc đẩy hướng tới việc hạ nhiệt xung đột ở Ukraine".

Sau chuyến thăm Ukraine và Ba Lan, ông Lý Huy sẽ tới Pháp, Đức và cuối cùng là Nga để tiếp tục thực hiện sứ mệnh hòa bình, tìm cách giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine, thể hiện những nỗ lực ngoại giao mới nhất của Trung Quốc trong vai trò trung gian hòa giải đối với các điểm nóng toàn cầu.

Dư luận Trung Quốc nhận định về chuyến công du

Có thể thấy Trung Quốc đã chọn một nhà ngoại giao rất am hiểu về tình hình khu vực cho chuyến đi lần này. Ông Lý Huy đã dành toàn bộ sự nghiệp ngoại giao của mình làm việc với Liên Xô trước đây và sau này là Nga cùng các nước từng thuộc Liên Xô, với việc đảm nhận các vị trí khác nhau kể từ khi vào Vụ Liên Xô và Đông Âu thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ năm 1975. Ông Lý Huy đã có tới 10 năm làm Đại sứ ở Nga. Báo chí Trung Quốc cũng nhắc đến chi tiết ông Lý Huy đã được Tổng thống Nga Putin trao Huân chương hữu nghị, là người Trung Quốc thứ hai được trao một huân chương Nhà nước của Nga, sau Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tín hiệu tích cực về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine - Ảnh 4.

Đặc phái viên Lý Huy (Ảnh: Đại sứ quán Trung Quốc tại Nga)

Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc ít bình luận sâu về chuyến đi này bởi dường như nó là một vấn đề quá khó.

Trong cuộc gặp với lãnh đạo Ukraine, Đặc phái viên Lý Huy truyền đi thông điệp Trung Quốc luôn đóng vai trò xây dựng trong việc giảm bớt tình hình nhân đạo ở Ukraine theo cách riêng của mình và sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho nước này trong khả năng của mình.

Theo truyền thông Trung Quốc, phía Ukraine rất coi trọng vai trò của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế với tư cách là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hoan nghênh Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn trong chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Sau các chuyến đi đến Ba Lan, Pháp, Đức và Nga, báo chí Trung Quốc cũng nhận định về kế hoạch hòa bình 12 điểm của Trung Quốc, Ukraine và phương Tây đã dần dần thay đổi thái độ từ do dự, thờ ơ đến chào đón công khai.

Một số học giả Trung Quốc cho rằng, Đặc phái viên Lý Huy không phải là Đại sứ làm trung gian hòa giải xung đột Ukraine - Nga. Bởi hòa giải thực sự rất khó khăn, nhất là việc tìm kiếm điểm chung giữa hai bên là điều không dễ dàng. Vì vậy, Trung Quốc sẽ làm nhiều hơn và nói ít hơn.

Tờ China Daily trích dẫn ý kiến của chuyên gia kỳ cựu Từ Pha Lĩnh - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc - cho rằng, chuyến đi của đặc phái viên Lý Huy là một ví dụ về chính sách ngoại giao hòa bình của Trung Quốc, thể hiện cam kết nhất quán của Bắc Kinh đối với giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ông nhấn mạnh, không dễ có được hòa bình nhưng luôn có hy vọng.

Chuyến công du của Đặc phái viên Trung Quốc đã được hơn 1/3 chặng đường. Các điểm đến tiếp theo đã được thông báo là Berlin, Paris, Moscow và cũng đã có những thông tin về việc có thể sẽ có một chặng dừng chân được bổ sung là Brussels, trước khi ông Lý Huy tới Nga.

Đề xuất hòa bình 12 điểm cho xung đột Ukraine

Trong bối cảnh xung đột hiện nay, khó kỳ vọng một bước đột phá chóng vánh khi mà bất kỳ tiến triển nào liên quan đến thúc đẩy đàm phán thì đều phụ thuộc diễn biến trên thực địa.

Thông điệp được Đặc phái viên Lý Huy chuyển tới thủ đô các nước châu Âu trong chuyến ngoại giao lần này là Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải cho một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine, dựa trên những lập trường đã được đưa ra trước đây. Và một cơ sở quan trọng chính là Đề xuất hòa bình 12 điểm được Trung Quốc công bố ngày 24/2, thời điểm tròn 1 năm xung đột.

Đề xuất của Trung Quốc gồm các điểm:

(1) Tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia

(2) Từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh

(3) Ngừng các hành động thù địch

(4) Nối lại hòa đàm

(5) Giải quyết khủng hoảng nhân đạo

(6) Bảo vệ dân thường và tù binh chiến tranh

(7) Duy trì an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân

(8) Giảm các rủi ro chiến lược

(9) Tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc

(10) Ngừng các lệnh trừng phạt đơn phương

(11) Giữ ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp

(12) Thúc đẩy tái thiết hậu xung đột

Ngay sau khi lập trường 12 điểm được công bố, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - ông Dmitry Peskov - cho biết, điện Kremlin rất quan tâm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine do Trung Quốc đề xuất.

Tuy nhiên, ông Peskov lưu ý rằng, các chi tiết của bản kế hoạch cần phải được phân tích kỹ lưỡng, có tính đến lợi ích của các bên và đây là một quá trình không hề dễ dàng.

Tín hiệu tích cực về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine - Ảnh 5.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov (Ảnh: Reuters)

Ông tái khẳng định, Nga hiện chưa thấy bất kỳ điều kiện tiên quyết nào để cuộc xung đột có thể được giải quyết theo hướng hòa bình.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken đã lên tiếng hoan nghênh những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy hòa bình tại Ukraine.

Tín hiệu tích cực về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine - Ảnh 6.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (Ảnh: Reuters)

"Chúng tôi hoan nghênh những đề xuất đó và chắc chắn Trung Quốc sẽ đóng một vai trò trong nỗ lực hòa bình. Và điều đó có thể mang lại nhiều lợi ích" - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết

Trong khi đó, Liên minh châu Âu và Ukraine kêu gọi Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để dừng cuộc xung đột.

Bà Zhanna Leshchynska - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ukraine tại Trung Quốc - cho rằng: "Nếu Trung Quốc trung lập, Trung Quốc nên đối thoại với cả hai bên, cả Nga và Ukraine".

Ông Jorge Toledo - Đại sứ Liên minh châu Âu tại Trung Quốc - cho biết: "Trung Quốc có trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì, đảm bảo các nguyên tắc, giá trị và mục tiêu của Liên hợp quốc, đặc biệt là khi nói đến chiến tranh và hòa bình, phải được tôn trọng".

Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương ở thủ đô Bắc Kinh tuần qua, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto bày tỏ hy vọng kế hoạch hòa bình 12 điểm của Trung Quốc có thể là cơ sở cho các cuộc đàm phán tiếp theo để giải quyết xung đột.

Có thể thấy, Đặc phái viên Lý Huy là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc đến thăm Ukraine trong 15 tháng qua, kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Chuyến công du sẽ còn tiếp tục trong những ngày tới, nhằm tìm hiểu lập trường của các bên. Đây là một sứ mệnh không hề dễ dàng nhưng vào thời điểm sau hơn 1 năm chiến sự, với một sự nhùng nhằng trên chiến trường và một sự tê liệt trên bàn đàm phán giữa Nga và Ukraine, rõ ràng cần có những cách tiếp cận mới, những khởi động mới. Những chuyển động ngoại giao dồn dập những tuần gần đây ít nhất cũng là những tín hiệu tích cực cho thấy sự quan tâm lớn hơn của các bên đối với một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước