Lần đầu tiên trong lịch sử thể thao, một sự kiện với sự tham gia của nhiều đội tuyển được tổ chức tại hơn 3 quốc gia. Euro 2020 sẽ đi đến 11 quốc gia, theo chiều dài và chiều rộng của lục địa. Giải đấu sẽ được trải dài từ Bilbao đến St Petersburg, từ Dublin đến Baku, kết nối các nền văn hóa và khí hậu, cũng như ý thức hệ đa dạng. Nhưng tầm nhìn của chủ tịch UEFA Michel Platini về một giải đấu toàn châu Âu cũng có những người ủng hộ và phản đối.
Logic đằng sau giải đấu tổ chức dàn trải là gì?
Khi công bố thể thức của giải đấu, Platini đã phỏng đoán hai lợi ích to lớn của một giải đấu toàn châu lục, đó là người hâm mộ và nền kinh tế. Vào thời điểm kinh tế bất ổn, UEFA không muốn tạo gánh nặng cho một quốc gia không có đủ cơ sở hạ tầng. Thay vào đó, gánh nặng chi phí sẽ được chia sẻ.
Trường hợp kinh điển là giải đấu năm 2012, do Ba Lan và Ukraine, hai quốc gia có nền kinh tế trung bình trong khu vực tổ chức. Một trong những sân vận động được cải tạo cho Euro, Arena Lviv, khi ấy đang trên bờ vực bị phá bỏ do phí bảo trì và khoản nợ khổng lồ. Việc phá dỡ dường như sẽ ít tốn kém hơn so với việc duy trì cơ sở hạ tầng. Đó được xem là lựa chọn thay thế cho việc đăng cai giải đấu ở các cường quốc về thể thao và kinh tế, như Anh hoặc Đức, Tây Ban Nha hoặc Italy, nơi cơ sở hạ tầng còn nguyên vẹn và chi phí sửa sang lại các sân vận động sẽ ở mức tối thiểu. Nhưng một biện pháp như vậy sẽ phá hủy tính toàn diện của giải đấu và động lực bành trướng của UEFA. Bên cạnh đó, nhiều trận đấu trên sân nhà hơn đồng nghĩa với việc các sân vận động có thể duy trì hoạt động hết công suất hơn. Như Platini đã nói ở Kiev vào tối hôm đó, "Euro sẽ đến với người hâm mộ."
Việc tổ chức dàn trải giải đấu được cho là nhằm 2 mục tiêu: người hâm mộ và nền kinh tế. (Ảnh: AP)
Những người phản đối nói gì?
Những người chỉ trích Platini cho rằng ý tưởng này là quá tham vọng, đồng thời đặt ra cả những trở ngại về mặt hậu cần. Việc trang bị cho một hoặc hai quốc gia trong một giải đấu lớn sẽ dễ dàng hơn so với việc chuẩn bị cho gần như toàn bộ châu lục để tổ chức một sự kiện thể thao mang tầm vóc như Euro.
Gánh nặng của đại dịch
Tuy nhiên, khi Platini hình dung ra một dự án toàn châu Âu, thì ông, và có lẽ là cả thế giới, đã không ngờ đến sự tàn phá mà đại dịch COVID-19 gây ra. Các nhà tổ chức đang vật lộn với vô số sự phức tạp. Giờ họ phải tạo ra "bong bóng" trên toàn bộ 11 thành phố. Việc đi lại trở nên rủi ro hơn, và đột nhiên châu Âu trông rộng lớn hơn, hai thành phố ở hai đầu lục địa, Bilbao và Baku, cách nhau 5500 km. Việc vượt qua các biên giới không còn suôn sẻ như trước nữa.
Việc di chuyển nhiều hơn cũng đồng nghĩa với nguy cơ dễ bị nhiễm bệnh hơn và thời gian phục hồi ít hơn. Ví dụ, xứ Wales sẽ đến Baku trong hai trận đầu tiên, sau đó bay đến Rome ở trận cuối cùng. Với các quy định về đi lại, thị thực và quy định về đại dịch (Anh sẽ chỉ cho phép những người có hộ chiếu vaccine), công tác hậu cần sẽ trở nên khó khăn hơn. "Tổ chức giải đấu vốn đã rất phức tạp và bây giờ còn phức tạp hơn," chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin thừa nhận với hãng tin Associated Press.
Ngoài việc đảm bảo an ninh, cũng cần phải đảm bảo các yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và kiểm dịch. Không thể bỏ qua bất cứ kịch bản nào, ví dụ chuyện gì sẽ xảy ra nếu cầu thủ, nhân viên hỗ trợ hoặc quan chức bị nhiễm bệnh? Điều gì sẽ xảy ra nếu một làn sóng virus khác tấn công một thành phố?
Đừng quên sự khác biệt về khí hậu và tiền tệ. Nga sẽ không tiêu đồng euro, giống như Italy sẽ cau có với manat, đơn vị tiền tệ của Azerbaijan. Và bây giờ là mùa hè ở Baku và mùa xuân ở St Petersburg.
Đại dịch COVID-19 chất thêm gánh nặng lên một giải đấu vốn đã phức tạp như Euro 2020. (Ảnh: Reuters)
Tại sao UEFA không hủy bỏ giải đấu?
Việc hủy bỏ giải đấu sẽ dẫn đến tổn thất lớn. Theo AP, ban tổ chức phải chịu khoản lỗ 300 triệu euro, và thêm 2 tỷ euro nữa nếu giải đấu không thành công. Hơn nữa, cơ quan quản lý đã trích ra 235 triệu euro để giúp 55 hiệp hội thành viên đối phó với đại dịch.
Bên cạnh đó, nhiều nhà tài trợ cũng có cổ phần. Đó là lý do Euro 2020 không được đổi thành Euro 2021. Việc đổi thương hiệu có thể phá hủy nền kinh tế của môn thể thao này. Vì vậy việc hủy bỏ giải đấu là điều không tưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!