Toàn cảnh Thượng đỉnh Nga - Mỹ: Thái độ tích cực từ hai Tổng thống hứa hẹn điều gì?

TS. Vũ Thụy Trang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và SNG, Viện Nghiên cứu Châu Âu-Thứ tư, ngày 16/06/2021 17:11 GMT+7

VTV.vn - Hôm nay (16/6 - giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden có cuộc gặp thượng đỉnh tại Villa La Grange ở Geneva, Thụy Sỹ.

Tổng thống Mỹ Biden đã mô tả người đồng cấp Nga là một đối thủ xứng tầm, một chính trị gia thông minh và cứng rắn. Còn Tổng thống Nga cho rằng, ông Biden là một người chuyên nghiệp đã dành gần như toàn bộ cuộc đời mình cho chính trị. Vậy những ấn tượng tích cực về nhau liệu sẽ đem lại kết quả tích cực gì cho Thượng đỉnh Nga - Mỹ lần này?

Dự kiến vào lúc 18h hôm nay (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh tại Villa La Grange ở Geneva, Thụy Sỹ. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp trực tiếp kể từ khi ông Biden nhậm chức.

Toàn cảnh Thượng đỉnh Nga - Mỹ: Thái độ tích cực từ hai Tổng thống hứa hẹn điều gì? - Ảnh 1.

Hai bên Mỹ - Nga đều có đánh giá tích cực về thượng đỉnh lần này (Ảnh: AFP)

Tổng thống Nga Putin đã nói chuyện với ông Biden hai lần qua điện thoại - vào ngày 26/1 và ngày 13/4 năm nay. Trước đó, họ đã có một cuộc gặp mặt trực tiếp vào năm 2011 khi ông Biden là Phó Tổng thống Hoa Kỳ.

Chủ đề nào được trông đợi từ Thượng đỉnh Nga - Mỹ?

Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Thụy Sỹ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông, bắt đầu vào ngày 20/1/2021. Chuyến đi của ông Putin tới Geneva cũng sẽ đánh dấu chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của một tổng thống Nga kể từ tháng 1/2020. Vì cuộc gặp tại Villa La Grange ở Geneva, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tạm dừng các chuyến công du nước ngoài do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Toàn cảnh Thượng đỉnh Nga - Mỹ: Thái độ tích cực từ hai Tổng thống hứa hẹn điều gì? - Ảnh 2.

Bên ngoài nơi diễn ra Thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Geneva, Thụy Sỹ (Ảnh: AFP)

Cả hai Tổng thống đều bày tỏ mong muốn đối thoại và cuộc gặp sẽ bàn đến một số chủ đề. Đó là thực trạng và triển vọng phát triển quan hệ song phương, các vấn đề chính về ổn định chiến lược, các vấn đề về an toàn thông tin, tội phạm mạng. Các vấn đề cụ thể chưa được giải quyết của quan hệ song phương cũng sẽ được thảo luận.

Hai bên cũng có kế hoạch thảo luận về các vấn đề hợp tác kinh tế, biến đổi khí hậu và Bắc Cực, cũng như chống lại sự lây nhiễm của COVID-19. Sau đó, các Tổng thống sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực, bao gồm Trung Đông, Syria, Libya, tình hình xung quanh chương trình hạt nhân Iran, việc giải quyết ở Afghanistan và Bán đảo Triều Tiên, Nagorno-Karabakh, Ukraine và Belarus. Các chủ đề này đã được thống nhất trong các cuộc đàm phán, tuy nhiên, các Tổng thống tùy theo quyết định có thể đề cập đến bất kỳ vấn đề nào không được nêu trong chương trình nghị sự.

Rất khó để nói cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo của Nga và Hoa Kỳ sẽ kéo dài bao lâu. Trợ lý của Tổng thống Nga Yuri Ushakov tin rằng, cuộc gặp chắc chắn sẽ hữu ích và sẽ đạt được một số kết quả nhất định và điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của mối quan hệ Nga - Mỹ vốn đang "đi vào ngõ cụt".

Các bên kỳ vọng gì từ cuộc gặp?

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận thấy mục đích của cuộc gặp sắp tới với người đồng cấp Mỹ Joe Biden là khôi phục liên lạc và thiết lập đối thoại trực tiếp. Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Mỹ lần này không hứa hẹn đột phá nhưng có thể trở thành điểm khởi đầu cho việc nối lại tương tác giữa hai nước trong nhiều vấn đề khác nhau.

Toàn cảnh Thượng đỉnh Nga - Mỹ: Thái độ tích cực từ hai Tổng thống hứa hẹn điều gì? - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Valery Sharifulin / TASS)

Nhà lãnh đạo Nga thừa nhận rằng không mong đợi "bất cứ điều gì đột phá trong quan hệ Nga -Mỹ". Ông Putin nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Russia-1: "Ổn định chiến lược, xung đột khu vực, chủ đề sinh thái và hợp tác trong lĩnh vực kinh tế là những vấn đề mà các bên có thể làm việc hiệu quả. Nếu sau hội nghị thượng đỉnh có thể tạo ra các cơ chế tương tác Nga-Mỹ trong tất cả các lĩnh vực này, thì có thể coi cuộc gặp đã không vô ích".

Tổng thống Mỹ Biden cũng bày tỏ quan điểm rằng có nhiều lĩnh vực mà Nga và Mỹ có thể tương tác một cách xây dựng. Theo các chuyên gia Mỹ được hãng thông tấn TASS phỏng vấn, kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược là một trong những chủ đề chính mà các nhà lãnh đạo có thể đạt được một số thỏa thuận. Trong những ngày gần đây, ông Biden đã mô tả nhà lãnh đạo Nga như một đối thủ xứng tầm, một chính trị gia thông minh và cứng rắn. Còn Tổng thống Nga cho rằng, ông Biden là một người chuyên nghiệp đã dành gần như toàn bộ cuộc đời mình cho chính trị.

Khôi phục mối quan hệ Nga - Mỹ từ đáy

Cả hai Tổng thống đều có cách nhìn nhận giống nhau về thực trạng tồi tệ của quan hệ giữa hai nước. Ông Putin từng nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ NBC: "Mối quan hệ song phương của chúng tôi đã xuống mức thấp trong những năm gần đây". Và Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng không phủ nhận: "Tôi nghĩ ông ấy đúng, đây là điểm thấp nhất" khi được yêu cầu bình luận về những lời nói của ông Putin.

Toàn cảnh Thượng đỉnh Nga - Mỹ: Thái độ tích cực từ hai Tổng thống hứa hẹn điều gì? - Ảnh 4.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức thấp nhất, thậm chí tồi tệ hơn thời Chiến tranh Lạnh (Ảnh: AFP)

Thời gian gần đây, cả Nga và Mỹ đều gây khó khăn cho các cơ quan đại diện ngoại giao của nhau. Đại sứ hai nước đã trở về nước. Nga đưa Mỹ vào danh sách các quốc gia không thân thiện khi cấm đại sứ quán thuê người Nga, dẫn đến việc giảm số lượng nhân viên làm việc tại đại sứ quán và ngừng cấp thị thực Mỹ cho người Nga.

Cả Nga và Mỹ cùng trục xuất các nhà ngoại giao và bổ sung các quan chức vào danh sách trừng phạt (trong số những quan chức Nga được Mỹ đưa vào danh sách có Phó Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Sergei Kiriyenko và Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Alexander Bortnikov còn danh sách trừng phạt của Nga dành cho các quan chức Mỹ bao gồm Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland và Giám đốc FBI Christopher Ray).

Mỹ cũng đã hai lần áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga trong thời gian ông Biden cầm quyền. Nguyên nhân liên quan đến thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny và Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 và một cuộc tấn công mạng vào Solar Winds.

Quan hệ giữa Nga và Mỹ đã xuống cấp trong nhiều năm và hiện đang ở trong tình trạng tồi tệ. Các cuộc tiếp xúc về hầu như toàn bộ các vấn đề của hợp tác song phương đã bị gián đoạn. Năm 2017, Mỹ chính thức tuyên bố coi Nga là kẻ thù và là "mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia", liên tục lên tiếng những cáo buộc chống lại Nga và đưa ra các hạn chế mới. Kể từ năm 2011, các lệnh trừng phạt chống lại Nga đã được áp dụng 96 lần kể cả ba lần dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Nga mong muốn điều gì?

Có ý kiến cho rằng, một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang diễn ra và không có điều kiện tiên quyết để nó kết thúc trong tương lai gần, do vậy chỉ có thể hy vọng sẽ giảm bớt căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ từ hội nghị thượng đỉnh lần này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 9/6 cho biết: "Chúng tôi không kỳ vọng quá mức, không ảo tưởng rằng sẽ có một số "đột phá" nhưng cần trao đổi quan điểm ở cấp cao nhất về những gì mà cả Nga và Mỹ cùng nhìn nhận như mối đe dọa với tư cách là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất trên trường quốc tế".

Thực tế mà nói, bản thân chính cuộc trò chuyện giữa các nhà lãnh đạo của hai cường quốc hạt nhân hàng đầu mới là quan trọng. Chính ông Yuri Ushakov, trợ lý của Tổng thống Nga, đã từng cho biết ba năm trước đó đối với hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ vào năm 2018: "Dù chúng tôi nói gì đi nữa, thì thực tế của cuộc gặp là rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ phù hợp giữa các tổng thống trong tương lai".

Toàn cảnh Thượng đỉnh Nga - Mỹ: Thái độ tích cực từ hai Tổng thống hứa hẹn điều gì? - Ảnh 5.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đang được trông đợi cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc (Ảnh: AFP)

Theo Tổng thống Putin, nếu hội nghị thượng đỉnh đạt được kết quả tốt đẹp thì sẽ là cơ hội để khôi phục các mối quan hệ cá nhân của hai nhà lãnh đạo, thiết lập một cuộc đối thoại trực tiếp, tạo ra một cơ chế tương tác về các chủ đề mà hai bên cùng quan tâm. Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm trên. Việc hai bên có thể tiếp tục đối thoại sau đó sẽ là một thành công của cuộc họp và là điều kiện cần thiết để quan hệ ngoại giao hai nước có cơ hội được trở lại bình thường.

Cái kết được trông đợi và những lá bài sau đó?

Hội nghị thượng đỉnh được trông đợi sẽ tạo cơ sở để ổn định lại quan hệ vốn chạm đáy từ lâu giữa Nga và Mỹ. Sự cạnh tranh giữa hai cường quốc sẽ tiếp tục nhưng rất có thể trong cuộc gặp lần này, cả hai nước cũng sẽ đưa ra "ranh giới đỏ" của mình đối với các vấn đề liên quan đến lợi ích của mỗi bên.

Sẽ là rất thành công nếu sau thời điểm của Hội nghị thượng đỉnh, cả hai Tổng thống đều tuyên bố rằng họ hiểu sự phức tạp của tình hình, thấy rõ trách nhiệm của họ và hướng tới tìm kiếm các cách thức để đảm bảo ổn định chiến lược chung. Tổng thống Mỹ Joe Biden được phía Nga cho rằng sẽ dễ dàng thực hiện các cam kết hơn, vì nhìn chung, có nhiều thông tin về của cuộc gặp này ở Mỹ mang tính xây dựng hơn là chống phá tuyệt đối.

Toàn cảnh Thượng đỉnh Nga - Mỹ: Thái độ tích cực từ hai Tổng thống hứa hẹn điều gì? - Ảnh 6.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga đều hướng tới tìm kiếm các cách thức để đảm bảo ổn định chiến lược chung (Ảnh : AFP)

Dưới góc nhìn tác động về mặt kinh tế từ Thượng đỉnh Nga - Mỹ, Nick Trickett, nhà phân tích rủi ro chính trị độc lập cho biết không kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ mang lại bất kỳ tin tức tích cực nào về kinh doanh, thương mại hoặc chương trình trừng phạt. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang tồi tệ đến mức thậm chí không có tin tức nào cũng sẽ là tin tốt.

Có ý kiến khác cho rằng, nếu hội nghị thượng đỉnh chỉ diễn ra mà không có dấu hiệu đối đầu đáng kể, đồng rúp và các tài sản khác của Nga có thể sẽ nhận được hỗ trợ trong ngắn hạn. Nhưng vì ông Biden có xu hướng sử dụng chính sách củ cà rốt và cây gậy, nên ngay cả khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra tương đối tốt thì không thể loại trừ những "bất ngờ" tiêu cực sau đó.

Toàn cảnh Thượng đỉnh Nga - Mỹ: Thái độ tích cực từ hai Tổng thống hứa hẹn điều gì? - Ảnh 7.

Quan hệ Mỹ - Nga sau thượng đỉnh sẽ tiếp tục chứng kiến những đòn cân não (Ảnh: AFP)

Theo các cơ quan báo chí Nga đưa tin, cuộc họp lần này diễn ra trong bối cảnh khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực từ ngày 14/6 về việc cấm các nhà đầu tư Mỹ mua trái phiếu cho vay liên bang của Nga (OFZ) tại các cuộc đấu giá của Bộ Tài chính, và chính phủ Nga thì quyết định rút hoàn toàn Quỹ phúc lợi quốc gia (NWF) từ tài sản đô la. Việc phi đô la hóa NWF được công bố ngay trước hội nghị thượng đỉnh được các chuyên gia cho rằng, Nga muốn gửi tín hiệu tới các thị trường và Mỹ rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không thay đổi hành động của Nga và Nga sẽ chỉ tăng cường bảo vệ tài chính vĩ mô của mình.

Nhìn lại quan hệ kinh tế giữa Nga và Mỹ từ năm 2014 thì thấy đang dần suy thoái. Theo Cục Hải quan Liên bang Nga, thương mại song phương giảm 18% vào năm 2020 so với năm 2014. Nguồn cung cấp hàng hóa của Nga cho Mỹ chủ yếu bao gồm các sản phẩm có giá trị thấp như dầu và các sản phẩm từ dầu, thép, phân khoáng, trong khi Nga phụ thuộc vào nhập khẩu máy bay dân dụng, ô tô và phụ tùng, thiết bị công nghiệp, thuốc và thiết bị y tế của Mỹ.

Nhiều nhà phân tích vẫn tin rằng chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục tuân thủ chiến lược hiện tại đối với Nga, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt bởi vì ông Biden đang gặp phải khá nhiều áp lực chính trị ở Mỹ. Nhưng cũng có thể ở một kịch bản khác, chính quyền Mỹ có khả năng sẽ tìm kiếm các bước đi ngoại giao nhất định khi khó có thể đảm bảo tài chính cho các bước đi nhằm ngăn chặn sự xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ phải khắc phục những hậu quả kinh tế nặng nề từ đại dịch COVID-19. Ông Joe Biden có khả năng cố gắng cân bằng, tránh đối đầu không cần thiết với Nga.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước