Tổng thống Mỹ Joe Biden không muốn chậm chân trong chiến dịch đưa "Nước Mỹ trở lại"

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 13/06/2021 10:30 GMT+7

VTV.vn - Mới 3 ngày ở châu Âu, Tổng thống Joe Biden đã chứng tỏ rằng Mỹ không chỉ trở lại với châu Âu, mà với nước Mỹ - là trở lại đúng lúc ở nhiều vấn đề toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới châu Âu, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ khi nhậm chức chủ nhà Trắng. Không mấy khi một Tổng thống Mỹ ở lại châu Âu dài đến thế - chuyến thăm 8 ngày. Thậm chí như nhiều ý kiến, 8 ngày này với tham vọng đưa Mỹ trở lại châu Âu, hàn gắn một mối quan hệ từng có 4 năm sóng gió. Tám ngày với một mục đích quan trọng khác, nhất quán tuyên bố và hành động với các quan hệ và vấn đề chiến lược. Tám ngày, liệu có nhiều trạng thái mới trong các vấn đề toàn cầu được cài đặt lại?

"Một bầu không khí trong lành"

Đó là mỹ từ mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đã mô tả trước thềm Hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tín hiệu tích cực mới về cặp quan hệ đồng minh lâu đời. Các đồng minh châu Âu khác cũng bày tỏ sự ủng hộ, lạc quan về mối quan hệ toàn diện xuyên đại Tây Dương dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, cả từ chính trị cho tới kinh tế, quân sự.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: "Tôi rất vui khi Tổng thống Mỹ có mặt ở đây. Lần đầu gặp mặt trực tiếp ông Biden sẽ rất quan trọng vì ông ấy đại diện cho cam kết với chủ nghĩa đa phương - điều mà Mỹ đã bỏ qua trong những năm gần đây".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg: "Tất cả các đồng minh NATO hoan nghênh thông điệp rất rõ ràng của ông Biden về tầm quan trọng của việc tăng cường mối quan hệ giữa châu Âu và Bắc Mỹ trong NATO".

Tổng thống Mỹ Joe Biden không muốn chậm chân trong chiến dịch đưa Nước Mỹ trở lại - Ảnh 1.

Lãnh đạo các nước G7 tụ hội ở Anh để tham dự Thượng đỉnh. Nguồn: Sky News

Thế nhưng, trước những tín hiệu mới mẻ này, ba năm qua, quan hệ Mỹ - châu Âu đã trải qua nhiều thăng trầm, rạn nứt. Từ việc Mỹ đơn phương rút khỏi các cơ chế đa phương toàn cầu, cho tới những bất đồng về chi tiêu quân sự trong NATO.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng phát biểu: "NATO thật tuyệt vời nhưng nó giúp châu Âu nhiều hơn là giúp chúng tôi. Và tại sao chúng tôi phải trả phần lớn chi phí? Thật không công bằng".

Những tranh chấp thương mại khi Mỹ quyết định áp thuế với hàng hóa thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu, tháng 6/2018 và các đòn đáp trả liên tiếp lẫn nhau giữa hai bên cũng khiến quan hệ hai bên xấu đi.

"Tôi nghĩ Liên minh châu Âu là kẻ thù với những gì họ làm đối với chúng ta trong lĩnh vực thương mại", ông Donald Trump nói.

Những chính sách mới từ chính quyền ông Joe Biden vì thế được đánh giá sẽ tạo ra chương mới cho quan hệ hai bên. Tuy vậy, vẫn sẽ còn những trở ngại. Sẽ còn cả một lộ trình để tháo gỡ các tranh chấp thương mại Mỹ - EU. Cho tới sự thiếu thống nhất trong nội bộ EU và mối quan hệ với Nga, Trung Quốc. Hay một châu Âu "tự chủ chiến lược" cũng vẫn sẽ là những thách thức với sự đoàn kết của NATO mà Mỹ vẫn đóng vai trò dẫn đầu.

Chuyến công du châu Âu lần này của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể không tạo ra ngay những đột phá quan hệ Mỹ - châu Âu nhưng nó sẽ góp phần tạo nền móng vững chắc để cải thiện mối quan hệ đồng minh tất yếu, quan trọng bậc nhất thế giới trong thời gian tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden không muốn chậm chân trong chiến dịch đưa Nước Mỹ trở lại - Ảnh 2.

Vợ chồng Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) dẫn vợ chồng Tổng thống Mỹ Joe Biden đi thăm khu nghỉ dưỡng vịnh Carbis ngày 10/6. Ảnh: Reuters

Trọng tâm ưu tiên trong quan hệ Mỹ - EU

Vấn đề nổi cộm, trên bề mặt giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu trong vài năm qua xoay quanh một số chuyện. Như căng thẳng thương mại, trả đũa đánh thuế qua lại với hàng hóa của nhau, hay chuyện châu Âu không hài lòng việc cựu Tổng thống Trump đơn phương rút Mỹ khỏi nhiều khuôn khổ đa phương, hay vấn đề công nghệ. Nhưng sâu xa hơn, vẫn phải là những mối quan tâm chung về chiến lược.

Quan điểm về các mối quan hệ cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và châu Âu thời gian qua có bị đặt dấu hỏi, đặc biệt liên quan đến cách ứng xử với Nga và Trung Quốc. Chuyến thăm lần này của ông Biden với hàng loạt thượng đỉnh đa phương không chỉ giữa Mỹ và EU, mà có cả sự ngồi lại của các đồng minh trong G7 và NATO, thì các vấn đề liên quan đến chiến lược và định hình chiến lược giai đoạn mới là điều nhiều ý kiến dự đoán.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU diễn ra vào ngày 15/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề cao giá trị của chủ nghĩa đa phương trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa khẳng định nỗ lực phục hồi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, làm mới cam kết của Mỹ đối với khối hiệp ước bắc Đại Tây Dương NATO và phòng thủ tập thể. Một thành phần quan trọng của hợp tác xuyên Đại Tây Dương hiệu quả trong những năm tới là sự tin cậy lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu.

Ông Jamie Shea - Cựu quan chức cấp cao của NATO nhận xét: "Ông Joe Biden là một tổng thống rất khác, ông ấy có NATO trong huyết quản của mình, ông ấy đã gọi NATO là "nghĩa vụ thiêng liêng" đối với Mỹ, ông ấy cam kết rằng Mỹ sẽ kiên định với cam kết phòng thủ tập thể của NATO, đồng thời Mỹ cũng sẽ tham vấn ý kiến của NATO nhiều hơn trong các thách thức toàn cầu như vấn đề về Trung Quốc, cách đối phó với Nga, Afghanistan, thách thức công nghệ".

NATO sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ngày 14/6 ở Brussels. Mục đích của hội nghị sẽ là thông qua các cam kết và hành động nhằm tái tái đảm bảo với các nước đồng minh, đặc biệt là những nước gần Nga nhất, đồng thời khẳng định với điện Krelin rằng về cơ bản, liên minh này "sẽ không thể bị chia rẽ".

Tổng thống Mỹ Joe Biden không muốn chậm chân trong chiến dịch đưa Nước Mỹ trở lại - Ảnh 3.

Việc Anh lựa chọn Cornwall làm điểm diễn ra Thượng đỉnh G7 nhằm tạo ấn tượng với thế giới về một điểm du lịch đẹp và hiếu khách của xứ sở sương mù. Nguồn: The Times

Ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký NATO nhấn mạnh: "Một NATO vững mạnh không chỉ tốt cho châu Âu, mà tốt cho cả Mỹ. Không một cường quốc lớn nào khác có nhiều bạn bè và đồng minh như Mỹ có trong NATO".

Tổng thống Biden có lập trường cứng rắn với Nga mặc dù thừa nhận về khả năng hợp tác với Nga trong những vấn đề nhất định như thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân NEW START mà hai bên nhất trí gia hạn thêm 5 năm hồi tháng 2 vừa qua. Nhưng trong liên minh giữa Mỹ và châu Âu vẫn tồn tại không ít những khác biệt, trong đó có dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đường ống dẫn khí từ Nga sang châu Âu qua Biển Baltic. Mặc dù chính quyền Tổng thống Biden đã dừng trừng phạt công ty thi công dự án để làm yên lòng Đức, nhưng những bất đồng về dự án này vẫn chưa hề nguôi ngoai.

"Tôi đã rất thất vọng về sự thay đổi chính sách của chính quyền Mỹ liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2", Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu.

Một vấn đề dài hạn có ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chính là Trung Quốc. Washington hoài nghi rằng châu Âu sẽ không dành cho Mỹ nhiều sự ủng hộ trong việc đối phó với Trung Quốc. Sự ngần ngại của châu Âu trong việc tăng ngân sách quốc phòng đồng nghĩa với việc họ khó có thể trở thành nhân tố địa chính trị quan trọng ở Đông Á. Sự tập trung vào việc tiếp cận thị trường Trung Quốc đồng nghĩa với việc châu Âu không thể trở thành người ủng hộ "toàn tâm toàn ý" của Mỹ trong chiến dịch gây sức ép địa kinh tế lên Bắc Kinh. Dù vậy, những giá trị tương đồng và liên minh lâu dài với Mỹ cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc khó có thể khiến Brussels quay lưng lại với Washington.

G7 ý thức được vai trò và lợi thế kinh tế của mình

Lúc này, chuỗi các sự kiện ngoại giao tại châu Âu vẫn đang tiếp diễn, với 3 ngày đầu tiên là Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế công nghiệp hàng đầu G7. Chuyện họp của các nền kinh tế phát triển, thì kinh tế sẽ vẫn là chuyện chính, nhưng chuyện kinh tế thì cũng không đơn thuần chỉ có ảnh hưởng trong khía cạnh kinh tế. Với bối cảnh dịch COVID-19 chưa qua, bài toán vaccine toàn cầu còn nan giải, và quá trình tái thiết hậu COVID-19 lại càng cần tính sớm, rõ ràng G7 ý thức được vai trò và lợi thế kinh tế của mình, đặc biệt trong việc giúp thế giới vượt qua đại dịch và tái thiết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden không muốn chậm chân trong chiến dịch đưa Nước Mỹ trở lại - Ảnh 4.

Lãnh đạo các nền kinh tế G7 và đại diện của Liên minh châu Âu chuẩn bị chụp 'bức ảnh gia đình' kỷ niệm Thượng đỉnh G7 tại bãi biển Vịnh Carbis, Cornwall, Anh ngày 11/6. Nguồn: AP

Trong ngày họp đầu tiên, các nước nhóm G7 cam kết tặng một tỷ liều vaccine ngừa COVID-1 cho các quốc gia đang cần gấp, thông qua chương trình COVAX của Liên Hợp Quốc. Một tỷ liều vaccine này sẽ được phân phối ngay từ tháng này và kéo dài tới giữa năm sau, mà không cần các nước nhận vaccine phải cam kết gì theo chiều ngược lại.

Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ: "Tôi hy vọng thượng đỉnh sẽ đạt kết quả tốt để chứng tỏ rằng chúng ta không chỉ nghĩ đến bản thân, mà còn quan tâm đến những người chưa có cơ hội được tiêm chủng, ở châu Phi và ở các nước khác".

Ngày họp thứ hai tập trung vào tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Hội nghị đã thảo luận dự án mang tên "Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn". Dự án được thiết kế nhằm trợ giúp các quốc gia nghèo và đang phát triển phục hồi sau đại dịch. Ý tưởng là tạo ra một đối trọng với dự án Con đường Tơ lụa của Trung Quốc, nhưng cố tình tạo tương phản, bằng cách không ràng buộc khoản vay với điều kiện chính trị, không bóp nghẹt con nợ tới mức phải gán hạ tầng cho chủ nợ.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: "Chúng tôi cần đảm bảo rằng trong quá trình phục hồi, chúng ta sẽ xây dựng trở lại tốt hơn. Tôi thực sự nghĩ rằng có cơ hội rất lớn để làm điều đó, bởi vì các nước G7 thống nhất với nhau trong tầm nhìn về một thế giới sạch và xanh hơn, giải pháp cho vấn đề của biến đổi khí hậu, và trong những ý tưởng đó có tiềm năng tạo ra hàng triệu việc làm với mức lương cao, kỹ năng cao".

Thế giới chờ đợi điều gì trong Hội nghị Thượng đỉnh G7?

Bên cạnh các khía cạnh chính trị, ngoại giao, an ninh, kinh tế, việc ứng phó đại dịch COVID-19 rõ ràng là nội dung được dư luận rất chú ý tại cuộc gặp nhà lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu. Thực tế cũng đã diễn ra như vậy, nội dung họp của G7 cũng xoay nhiều quanh vấn đề dịch bệnh, đặc biệt là vaccine. Và trong khi vaccine đang là cơn khát trên toàn thế giới, các thảo luận và những cam kết cụ thể của G7 riêng về khía cạnh vaccine có lẽ cũng là nội dung có thể tham khảo thêm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden không muốn chậm chân trong chiến dịch đưa Nước Mỹ trở lại - Ảnh 5.

các nhà quan sát cho rằng, Nhóm các nước phát triển G7 cũng cần sự hợp tác của hai quốc gia sản xuất vaccine lớn là Nga và Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Cột trong những nội dung được cả thế giới chờ đợi nhất trong Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, đó chính là đạt được một thỏa thuận cung cấp ít nhất 1 tỷ liều vaccine cho thế giới thông qua các cơ chế chia sẻ và tài trợ, nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2022. Nội dung này đã được các nhà lãnh đạo G7 thảo luận ngay từ phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh, theo đó các nước G7 sẽ mở rộng sản xuất và phân phối vaccine.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh: "Tất cả chúng ta đều đang trải qua một đại dịch tồi tệ nhất trong suốt cuộc đời mình, có khi còn lâu hơn. Và tôi thực sự nghĩ rằng đây là một cuộc họp cần phải diễn ra để chỉ ra những bài học từ đại dịch. Chúng ta cần phải chắc chắn rằng, sẽ không lặp lại những sai lầm đã mắc phải trong 18 tháng qua và cả thời gian tới đây".

Theo phát biểu ngay trước thềm hội nghị của các nhà lãnh đạo nhóm G7, Anh - nước đăng cai hội nghị, tuyên bố sẽ tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ nay đến cuối năm sau, ưu tiên những nước nghèo nhất, trong đó 5 triệu liều bắt đầu triển khai ngay trong tuần này, 25 triệu liều vào cuối năm nay. Mỹ tuyên bố sẽ tặng 500 triệu liều cho 92 quốc gia có mức thu nhập từ nghèo đến trung bình thấp. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí tặng ít nhất 100 triệu liều vào cuối năm 2021, trong đó riêng Pháp và Đức mỗi nước tặng 30 triệu liều.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: "Chúng ta cùng với các đối tác toàn cầu sẽ giúp đưa thế giới thoát khỏi đại dịch này. Dưới sự chủ trì của Vương quốc Anh, nhóm G7 cũng có mục tiêu tương tự. Sự đóng góp này của Mỹ có thể nói là nền tảng cho những nỗ lực thúc đẩy tiêm vaccine trên toàn cầu".

Nội dung về từ bỏ bản quyền sáng chế đối với sản xuất vaccine COVID-19 cũng được đưa ra thảo luận trong hội nghị này. Tuy nhiên trong khi Mỹ tỏ thái độ ủng hộ mạnh mẽ, thì Nhật Bản và Liên minh châu Âu vẫn thể hiện thái độ tiếp cận thận trọng.

Theo các nhà quan sát, Nhóm các nước phát triển G7 cũng cần sự hợp tác của hai quốc gia sản xuất vaccine lớn là Nga và Trung Quốc nhằm đảm bảo lượng vaccine được phân phối hợp lý trên toàn cầu. Một trong những nội dung các nhà quan sát quan tâm là Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm tìm cách tháo gỡ những bất đồng song phương dự kiến trong tháng 6 này.

Chống biến đổi khí hậu và vaccine ngừa COVID-19 - chủ đề nóng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 2021 Chống biến đổi khí hậu và vaccine ngừa COVID-19 - chủ đề nóng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 2021

VTV.vn - Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc tại Anh vào chiều 11/6, lãnh đạo các nước G7 thảo luận về cách thức bảo vệ trật tự thế giới khỏi "các mối đe dọa đang gia tăng".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước