Ông Obama bước ra sân khấu trước những tràng pháo tay rộn rã. Ông mỉm cười, vẫy tay chào mọi người và nói: "Xin chào Chicago. Thật tuyệt vời khi được trở về nhà".
Ông nói: "Các đồng bào Mỹ của tôi, bà Michelle và tôi rất cảm động vì những lời chúc tốt đẹp mà chúng tôi được nhận suốt mấy tuần qua. Đêm nay, đến lượt tôi nói lời cảm ơn các bạn". Nhiều người dân đã ngắt lời ông Obama và yêu cầu ông làm Tổng thống thêm 4 năm nữa. Ông đáp lại đám đông: "Tôi không thể làm vậy".
Trong phần mở đầu của bài phát biểu, ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đối thoại với người dân: "Các bạn khiến tôi trung thực, truyền cảm hứng cho tôi, thúc đẩy tôi tiến lên phía trước. Mỗi ngày tôi đều học được nhiều điều từ các bạn. Các bạn giúp tôi trở thành một Tổng thống tốt đẹp hơn".
Ông Obama liệt kê những thành tựu của chính quyền mình sau 8 năm, bao gồm hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, đạt thỏa thuận hạt nhân Iran mang ý nghĩa lịch sử và tiêu diệt Osama bin Laden… Ông chia sẻ: "Sau 8 năm giữ cương vị Tổng thống Mỹ, tôi vẫn tin tưởng vào một tương lai nhiều hy vọng cho nước Mỹ. Đây không chỉ là niềm tin của tôi, nó còn là nhịp đập trái tim của những ý tưởng Mỹ, của thử nghiệm táo bạo vào một chính phủ tự trị".
Trong bài phát biểu của mình, ông Obama còn đề cập đến mong muốn về một tầm nhìn xa cho nước Mỹ, thay vì chỉ nói đến những thành công của ông trong 8 năm cầm quyền. Tổng thống Obama khẳng định, nước Mỹ đã được hưởng rất nhiều lợi ích từ sự đa dạng và công bằng. Đây được xem như một lời nhắc nhở tới người kế nhiệm Donald Trump.
Ông Obama cũng gửi lời cam kết đến ông Donald Trump rằng: "Tôi cam kết với Tổng thống đắc cử Trump nhóm của tôi sẽ bảo đảm chuyển giao quyền lực êm thấm nhất, giống như cựu Tổng thống Bush đã làm với tôi".
Ông khẳng định, nước Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó ông nhấn mạnh đến chủng tộc vẫn là vấn đề chia rẽ: "Sau khi tôi được bầu làm Tổng thống, nhiều cuộc thảo luận bắt đầu xuất hiện nói về nước Mỹ thời kỳ hậu phân biệt chủng tộc. Đó là một tầm nhìn tốt đẹp nhưng chưa thực tế. Chủng tộc vẫn là vấn đề lớn gây chia rẽ ở xã hội chúng ta. Tôi đã sống đủ lâu để nhận ra mối quan hệ giữa các chủng tộc giờ đây tốt đẹp hơn so với 10, 20 hay 30 năm trước. Các bạn có thể thấy điều đó không chỉ qua những số liệu thống kê mà còn ở chính thái độ của những người trẻ tuổi tại Mỹ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa ở đúng vị trí. Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm".
20.000 người dân Chicago đã tới trực tiếp lắng nghe bài phát biểu cuối cùng của Tổng thống Obama
Bên cạnh đó, ông Obama nhấn mạnh đến vai trò của tiếng nói chung và sự thỏa hiệp trong chính trị. Ông cho rằng: "Nếu không có cơ sở chung, không có tinh thần sẵn sàng tiếp nhận những thông tin mới, chấp nhận thực tế là đối thủ đúng, chúng ta sẽ mãi quanh quẩn với quá khứ của nhau. Điều đó khiến việc tìm ra tiếng nói chung và sự thỏa hiệp trở nên bất khả thi".
Trong bài phát biểu của mình, ông Obama còn nói cả về vấn đề biến đổi khí hậu cũng như những biện pháp mà chính quyền của ông đã đưa ra để đối phó với vấn đề này trong suốt 8 năm qua như: giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài, tăng nguồn năng lượng tái tạo, ký kết Hiệp định Paris…
"Nếu không có những hành động táo bạo hơn, con cháu chúng ta sẽ không có thời gian tranh luận về sự tồn tại của biến đổi khí hậu, chúng sẽ bù đầu với việc giải quyết các tác động do biến đổi khí hậu gây ra: thảm họa môi trường, khủng hoảng kinh tế, làn sóng người tị nạn tìm kiếm nơi trú ẩn mới…", ông nói. Ông Obama cho rằng hiện giờ, chính quyền nên tranh luận về biện pháp tốt nhất nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu thay vì phủ nhận sự tồn tại của nó.
Tổng thống Obama còn nhắc đến vấn đề khủng bố và an ninh quốc gia - điều được rất nhiều người dân Mỹ quan tâm. Ông khẳng định: "Không một tổ chức khủng bố quốc tế nào thành công trong việc tấn công quê hương của chúng ta trong suốt 8 năm qua".
Mặc dù vậy, vị Tổng thống thứ 44 của Mỹ không quên đề cập đến những đau thương, mất mát gây ra do chính những phần tử khủng bố trong nước Mỹ, điển hình là vụ ném bom tại cuộc đua marathon ở Boston hay vụ khủng bố đẫm máu ở San Bernandino.
"Gửi tới tất cả các binh lính Mỹ, đây quả là một niềm vinh dự trong đời khi được là Tổng tư lệnh của các bạn", câu nói này của ông Obama đã nhận được tràng pháo tay từ khán giả.
Không chỉ gửi lời tới những người dân Mỹ, ông Obama đã nói lời cảm ơn với vợ. Ông chỉ đơn giản gọi tên vợ: "Michelle - cô gái đến từ miền Nam" và chia sẻ trực tiếp với vợ trước đám đông: "Trong vòng 25 năm qua, em không chỉ là vợ anh, mẹ của các con anh mà còn là người bạn tốt nhất của anh. Em đã tự mình đảm nhận vai trò mà em không đòi hỏi. Em thực hiện vai trò đó bằng sự duyên dáng, tao nhã và nét hài hước thú vị". Vị Tổng thống thứ 44 của Mỹ thậm chí đã rơi nước mắt khi bày tỏ lòng mình với vợ.
Ông không quên chia sẻ với hai con gái của mình - Malia và Sasha: "Các con đã trở thành hai người phụ nữ trẻ tuyệt vời, thông minh và xinh đẹp. Nhưng quan trọng hơn cả, các con còn tốt bụng, biết suy nghĩ và tràn đầy đam mê. Các con đã sống dưới áp lực vì luôn bị để ý nhiều trong những năm qua. Nhưng trên tất cả, cha đã làm được nhiều thứ trong cuộc đời mình, và cha cảm thấy tự hào nhất vì được là cha của các con".
Ngoài gia đình, ông Obama cũng luôn coi đội ngũ nhân viên là những người quan trọng đã hỗ trợ ông trong những năm qua. Ông gửi lời cảm ơn đến đội ngũ của mình và tiếp tục rơi nước mắt: "Các bạn đã thay đổi thế giới… Tôi sẽ rời khỏi sân khấu hôm nay với niềm lạc quan về đất nước. Niềm lạc quan ấy lớn hơn cả thời điểm chúng ta bắt đầu".
Một lần nữa, ông gửi lời tới tất cả người dân Mỹ: "Những đồng bào Mỹ của tôi, thật vinh dự khi tôi được phụng sự các bạn. Tôi sẽ không lại ở đây. Nhưng tôi sẽ luôn ở bên cạnh các bạn với tư cách là một công dân Mỹ trong suốt phần đời còn lại".
Kết thúc bài phát biểu của mình, ông Obama kêu gọi người dân Mỹ đặt niềm tin vào đất nước: "Tôi kêu gọi các bạn hãy tin tưởng không phải vào khả năng mang đến sự thay đổi của tôi, mà là của chính các bạn". Cuối cùng, ông Obama khép lại bài phát biểu bằng lời cảm ơn tới đám đông.