Thế giới chỉ còn rất ít thời gian để đạt mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C, ngoài ra cần giảm lượng khí phát thải CO2 từ 40-70% từ năm 2010 đến 2050, tiến tới xuống mức 0% vào năm 2100. Đây là một phần nội dung trong báo cáo tổng hợp đánh giá về thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu trong 7 năm qua do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu công bố hôm qua (2/11) tại tại Copenhagen, Đan Mạch.
Báo cáo tổng hợp đánh giá về thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu khẳng định, thế giới đang trong tình trạng nóng lên toàn cầu và phần lớn là do lỗi của con người. Lượng khí CO2, methane hiện đang ở mức cao nhất trong ít nhất 800.000 năm qua. Một số tác động hiện đã được ghi nhận rõ như nước biển dâng cao, tăng 19cm từ năm năm 1901 đến 2010, ngoài ra nước các đại dương ấm hơn và có nồng độ axít cao hơn, cũng như tình trạng tản chảy của các sông băng vĩnh cửu và Bắc Băng Dương.
Biện pháp cấp bách để giảm nhẹ tác động của tình trạng biến đổi khí hậu theo báo cáo đó là hạ mức khí thải, tối ưu nếu xuống 0% ngay trong thế kỷ này.
“Nếu chúng ta không hành động gì thì vào cuối thế kỷ này, chúng ta có thể chứng kiến sự sụt giảm sản lượng trong nông nghiệp. Và với dân số ngày càng tăng thì tình trạng khan hiếm lương thực là không thể tránh khỏi. Nạn đói sẽ trở thành mối đe dọa rất lớn với chúng ta”, ông Rajendra Pachauri, Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu cho biết.
Theo đề xuất nêu ra trong báo cáo, trước hết, cần chấm dứt xu hướng sử dụng quá nhiều dầu mỏ, than và khí đốt trong ngành năng lượng toàn cầu, đây là nguồn phát thải khí CO2 trực tiếp vào bầu khí quyển. Theo IPCC, đến năm 2030, cần tập trung đầu tư vào các nguồn năng lượng ít khí thải CO2, cũng như phát triển các phương tiện giao thông, công nghiệp và các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, cho dù định hướng đó sẽ cần đến hàng trăm tỷ USD đầu tư mỗi năm.