Tranh cãi xung quanh ý tưởng thiết lập “vùng cấm bay” tại Ukraine

Việt Linh (Tổng hợp Guardian, Euronews, Vox, Conversation, Al-Jazeera, Axios)-Thứ bảy, ngày 19/03/2022 15:59 GMT+7

VTV.vn - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa một lần nữa kêu gọi thiết lập “vùng cấm bay” tại Ukraine. Vì sao “vùng cấm bay” lại tạo ra nhiều sự quan tâm đến như vậy?

Vì sao Ukraine kêu gọi thiết lập vùng cấm bay?

Ý tưởng NATO thiết lập một vùng cấm bay tại Ukraine đã liên tục được Tổng thống Ukraine Zelensky nhắc đến và vận động giới chức phương Tây kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra từ ngày 24/2.

Ngày 6/3, sau khi cáo buộc Nga dùng tên lửa không kích một sân bay ở thành phố miền Trung Vinnytsia, ông Zelensky tuyên bố: "Chúng tôi đã nhắc lại điều này hàng ngày với các vị: Hãy đóng cửa bầu trời Ukraine, ngăn chặn mọi tên lửa, mọi máy bay chiến đấu của Nga định bay vào đây".

Một vùng cấm bay được thiết lập trên bầu trời Ukraine có nghĩa sẽ cho phép sử dụng vũ lực (hoặc đe dọa sử dụng vũ lực) để ngăn máy bay Nga bay vào một số vùng trong không phận phía trên Ukraine, từ đó ngăn chặn các cuộc không kích của Nga.

Tranh cãi  xung quanh ý tưởng thiết lập “vùng cấm bay” tại Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Zelensky nhiều lần lên tiếng kêu gọi NATO thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine (nguồn: CNBC)

Thông điệp này tiếp tục được nhắc lại trong bài diễn văn trực tuyến của ông Zelensky trước Quốc hội Mỹ hôm 16/3. Vị tổng thống Ukraine kêu gọi: "Liệu có phải là quá nhiều khi chúng tôi kêu gọi thiết lập một vùng cấm bay để cứu người dân? Chúng tôi muốn NATO hãy lập một vùng cấm bay nhân đạo ở đây".

Theo Guardian, phía Ukraine lập luận việc thiết lập vùng cấm bay sẽ ngăn chặn phía Nga thiết lập quyền "làm chủ bầu trời" tại Ukraine, qua đó bảo vệ cho các mục tiêu của nước này, đặc biệt là mục tiêu dân sự, cũng như cho phép dân thường sơ tán an toàn khỏi các vùng có xung đột trước nguy cơ bị không kích.

Tranh cãi  xung quanh ý tưởng thiết lập “vùng cấm bay” tại Ukraine - Ảnh 2.

Ukraine cho rằng lập vùng cấm bay sẽ cho phép người dân sơ tán an toàn khỏi xung đột (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên báo chí quốc tế cũng bình luận, dù tiếp tục kêu gọi, nhưng Ukraine cũng tỏ ra khá thực tế về khả năng Mỹ và phương Tây sẽ không can thiệp để thiết lập vùng cấm bay. Hôm 5/3, ông Zelensky kêu gọi: "Hãy đóng cửa bầu trời, hoặc là cung cấp thêm máy bay cho chúng tôi". Còn trong thông điệp hôm 16/3 trước các nghị sĩ Mỹ, vị tổng thống Ukraine cũng nhắc đến khả năng Mỹ và các nước phương Tây viện trợ cho nước này các loại tên lửa đất đối không để tự phòng thủ.

Vùng cấm bay là gì? Trong lịch sử từng có những vùng cấm bay nào được thực thi?

Theo báo chí quốc tế, "vùng cấm bay" được hiểu như một khu vực phi quân sự hóa trên không, trong đó các lực lượng quân sự sẽ tuyên bố không cho phép một số loại phương tiện bay nhất định từ những quốc gia nhất định, như máy bay chiến đấu hay máy bay vận tải quân sự được di chuyển vào không phận này.

Tuy nhiên, để một "vùng cấm bay" có tác dụng thực tế, thì không chỉ tuyên bố, mà quan trọng là biện pháp này phải được thực thi bằng sức mạnh quân sự. Bên tuyên bố lệnh cấm sẽ có trách nhiệm tuần tra, cũng như trực tiếp ngăn chặn các vụ vi phạm – bao gồm cả việc điều máy bay chiến đấu truy đuổi hay nổ súng vào phương tiện bị cấm đi vào khu vực. Đôi khi việc thực thi cũng bao gồm cả hành động tấn công trước vào các cơ sở hạ tầng quân sự nhằm ngăn ngừa khả năng vi phạm vùng cấm bay.

Tranh cãi  xung quanh ý tưởng thiết lập “vùng cấm bay” tại Ukraine - Ảnh 3.

NATO sẽ phải trực tiếp sử dụng sức mạnh quân sự nếu muốn thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine (nguồn: Reuters)

Trong vòng ba thập kỷ qua, Mỹ và các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã từng tuyên bố thiết lập và thực thi 4 vùng cấm bay khác nhau trên thế giới:

2 trong số đó được thực hiện tại Iraq sau cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (năm 1991). Mỹ cùng với Anh và Pháp đã áp đặt 2 vùng cấm bay này tại các không phận phía Bắc và phía Nam Iraq, được tuyên bố nhằm mục tiêu "bảo vệ cộng đồng người Kurd và cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite".

Tranh cãi  xung quanh ý tưởng thiết lập “vùng cấm bay” tại Ukraine - Ảnh 4.

Đã có hai vùng cấm bay từng được thiết lập tại Iraq trong giai đoạn 1991-2003 (Nguồn: Wikipedia)

Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ và đồng minh đã thực hiện hơn 280 nghìn chuyến bay tuần tra nhằm thực thi các vùng cấm bay này trong hơn 10 năm. Các vùng cấm bay này chấm dứt sau khi NATO đưa quân tấn công vào Iraq, lật đổ chế độ của tổng thống Saddam Hussein năm 2003.

Một vùng cấm bay khác cũng được Mỹ và NATO thiết lập trong giai đoạn từ năm 1993-1995, khi tổ chức này tham gia can thiệp vào cuộc nội chiến tại Bosnia-Herzegovina.

Gần đây nhất, NATO cũng đã tham gia can thiệp quân sự, thiết lập một vùng cấm bay tại Libya trên cơ sở Nghị quyết số 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2011. Hành động này của NATO đã tạo cơ sở quan trọng để các lực lượng nổi dậy tại Libya lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Quan điểm của phương Tây về việc thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine như thế nào?

Thực tế trong dư luận, cũng như chính giới tại Mỹ và phương Tây, không thiếu những quan điểm ủng hộ các kêu gọi lập vùng cấm bay từ phía Ukraine.

Trong một khảo sát được Reuters thực hiện hồi đầu tháng 3, có tới khoảng 74% người Mỹ được khảo sát cho rằng, Mỹ - NATO nên can thiệp thiết lập một vùng cấm bay tại Ukraine. Tỷ lệ ủng hộ việc này chiếm đa số ở cử tri ủng hộ cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. Một số nghị sĩ Mỹ như Thượng nghị sĩ Joe Manchin (đảng Dân chủ) và Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger (đảng Cộng hòa) đều lên tiếng cho rằng chính phủ Mỹ không nên loại bỏ khả năng này.

Tranh cãi  xung quanh ý tưởng thiết lập “vùng cấm bay” tại Ukraine - Ảnh 5.

Giới lãnh đạo NATO nhiều lần bác bỏ khả năng can thiệp thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, giới chức Mỹ và các nước NATO vẫn đang rất cứng rắn nói không với bất kỳ lời kêu gọi nào về vùng cấm bay tại Ukraine. Lý do được đưa ra là rất rõ ràng: "Điều này sẽ đòi hỏi quân đội Mỹ phải bắn hạ máy bay của Nga nếu cần - nghĩa là chúng ta có khả năng sẽ đối đầu quân sự trực tiếp với họ, điều mà chúng tôi không hề mong muốn" - theo Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki.

Tổng thư ký NATO Jen Stoltenberg cũng đưa ra quan điểm tương tự: "Chúng tôi hiểu tình thế hiện nay của Ukraine, nhưng nếu làm như vậy, chúng tôi có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tổng lực tại châu Âu, với rất nhiều quốc gia, rất nhiều tổn thất. Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo xung đột sẽ không leo thang vượt qua phạm vi của Ukraine".

Tranh cãi  xung quanh ý tưởng thiết lập “vùng cấm bay” tại Ukraine - Ảnh 6.

Nga tuyên bố Moscow sẽ coi nước nào lập vùng cấm bay là "tham gia vào xung đột tại Ukraine" (Nguồn: AFP)

Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin cũng khẳng định: "Nếu có bất kỳ bên nào tuyên bố lập vùng cấm bay tại Ukraine, chúng tôi lập tức coi họ là bên là đang tham gia vào cuộc xung đột, không cần biết họ là thành viên tổ chức nào"

Theo các chuyên gia, so với những vùng cấm bay trước đây, nếu thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, NATO sẽ phải trực tiếp đối đầu với Nga- một cường quốc quân sự có vũ khí hạt nhân. Đó là chưa kể tổ chức này sẽ phải thiết lập một phạm vi không phận khổng lồ, bao trùm tới hơn 600km2 phía trên lãnh thổ Ukraine, lớn hơn bất kỳ một vùng cấm bay nào từng được lập.

Ông Howard Stoffer, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học New Haven bình luận: "Đây là một ý tưởng còn khá ngây thơ. Phương Tây không ở vị thế mong muốn một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga, bởi điều đó sẽ leo thang lên thành chiến tranh hạt nhân ở mọi cấp độ - đó sẽ là điểm kết thúc của thế giới".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước