Trẻ em đang sống trong một thế giới ngày càng nhiều thách thức

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 21/11/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, trẻ em hiện đang sống trong một thế giới ngày càng nhiều thách thức, đặc biệt là xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu.

Ước tính của Liên hợp quốc cho thấy, hiện nay có khoảng 400 triệu trẻ em trên toàn cầu, tức là cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ đang sống trong xung đột hoặc phải chạy trốn khỏi các khu vực xung đột. Nhiều em đang bị thương, bị giết hoặc bị xâm hại tình dục. Một số trẻ em đang bị các lực lượng hoặc nhóm vũ trang tuyển dụng. Liên hợp quốc đã xác minh hơn 315 nghìn vụ vi phạm nghiêm trọng về quyền trẻ em ở các khu vực có xung đột từ năm 2005 đến năm 2022.

Đã có hơn 4.500 trẻ em đã thiệt mạng tại Gaza kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10. Ước tính, trung bình mỗi 10 phút có 1 đứa trẻ ở Gaza tử vong.

Cũng theo Liên hợp quốc, quyền trẻ em còn bị đe dọa bởi tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng, các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Ước tính, trên thế giới hơn 1 tỷ trẻ em hiện đang sống ở những quốc gia có "nguy cơ cực kỳ cao" trước tác động của biến đổi khí hậu.

Theo một báo cáo mới của UNICEF, cứ 3 trẻ em thì có 1 trẻ - tương đương 739 triệu trẻ em trên toàn thế giới - đang sống ở những khu vực có tình trạng khan hiếm nước ở mức cao hoặc rất cao, trong đó có khoảng 436 triệu trẻ em đang sống ở những khu vực có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng do thiếu nước.

Trẻ em đang sống trong một thế giới ngày càng nhiều thách thức - Ảnh 1.

Nguy cơ trực tuyến đối với trẻ em đang ngày càng gia tăng. Tổ chức Y tế thế giới cho biết, trẻ em chiếm 15% trong số các nạn nhân của tình trạng bạo lực trên mạng được báo cáo, chưa kể những nguy cơ tiềm tàng khác.

Chung tay bảo vệ quyền trẻ em

Có rất nhiều yếu tố khiến hàng triệu trẻ em trên thế giới không được hưởng các quyền cơ bản, không được hỗ trợ và được bảo vệ như trong quy định của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Trong khi mọi trẻ em, ở bất kỳ đâu đều có quyền được sống trong một thế giới hòa bình. Trẻ em có quyền hưởng một hành tinh an toàn và đáng sống. Trẻ em phải được lắng nghe và tham gia vào mọi quyết định có ảnh hưởng đến chúng... Đây cũng là thông điệp được lan tỏa, thúc giục các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng phải cùng nỗ lực hành động quyết liệt hơn nữa để chấm dứt tình trạng vi phạm quyền trẻ em.

Theo bà Verena Knaus - Trưởng nhóm Toàn cầu về Di cư và Di dời, UNICEF: "Với mức độ nóng lên toàn cầu hiện nay, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu tin rằng, nguy cơ toàn cầu phải di dời do lũ lụt có thể tăng 50%. Chúng ta chưa chuẩn bị cho tương lai thay đổi khí hậu này và vấn đề di dời trẻ em hầu như không được quan tâm có lẽ sẽ chỉ được thảo luận bên lề tại COP28 ở Dubai".

Bà Catherine Russell - Giám đốc điều hành UNICEF: "Trẻ em không gây ra chiến tranh, xung đột, các em hoàn toàn không có khả năng ngăn chặn chiến tranh, xung đột, nhưng các em lại là những người gánh chịu hậu quả nặng nề, cả trực tiếp và gián tiếp...

Trẻ em đang sống trong một thế giới ngày càng nhiều thách thức - Ảnh 2.

Tôi cho rằng, điều mà tất cả các nhà lãnh đạo, tất cả các nhà hoạch định chính sách phải luôn nghĩ đến là đặt trẻ em ở vị trí trung tâm. Bởi vì nếu họ muốn có hy vọng cho tương lai, họ cần nghĩ đến những gì sẽ xảy ra với trẻ em và làm thế nào để chúng ta tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em".

Sáng kiến bữa ăn học đường tại Kenya

Một xe tải chở đồ ăn cho học sinh đói bụng. Học sinh trường tiểu học, trung học cơ sở Thome ở Kiambu, Kenya hào hứng trước một bữa ăn nóng hổi, đây là một phần trong sáng kiến bữa ăn học đường do tổ chức phi lợi nhuận Food4Education thực hiện. Trẻ em được trang bị 1 chiếc đồng hồ hỗ trợ cổng giao tiếp NFC giúp việc tiếp cận các bữa ăn nhanh chóng, tiện lợi, thanh toán nhanh, với giá cả phải chăng.

Eunice Wangari - Học sinh trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thome, Kenya: "Trước đây, chúng cháu phải mang đồ ăn từ nhà đi nên có lúc sẽ bị hỏng hoặc bị nguội, chúng cháu cũng không tập trung trong lớp vì đói. Từ khi có sáng kiến này, chúng cháu được ăn đồ ăn ấm áp và ngon miệng, đồng thời cũng giúp kết quả học tập được cải thiện".

Ông Mburu Peter Njoroge - Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thome, Kenya: "Trước khi có sáng kiến Food4Education, nhiều học sinh của chúng tôi vắng mặt vì đói, nhưng kể từ khi ra đời chương trình, chúng tôi đã thấy sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ đi học của học sinh".

Trẻ em đang sống trong một thế giới ngày càng nhiều thách thức - Ảnh 3.

Được thành lập vào năm 2012, Food4Education nhằm mục đích thúc đẩy việc đi học bằng cách cung cấp những bữa ăn mà các bậc phụ huynh không có khả năng chi trả.

Cô Wairimu Nyandia - Giám đốc điều hành Tổ chức Food4Education: "Hiện tại, Food4Education đang phục vụ và cung cấp bữa ăn cho 165.000 trẻ em hàng ngày và cho đến nay, kể từ khi thành lập, chúng tôi đã cung cấp hơn 29 triệu bữa ăn".

Ông Henry Ng'ethe - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Kenya: "Một chế độ ăn uống cân bằng hay cái mà chúng ta gọi là chế độ ăn uống bổ dưỡng là rất quan trọng bởi vì, thứ nhất, nó tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ, và thứ hai, giúp trẻ có thể tập trung ở trường".

Lạm phát đang khiến các bậc cha mẹ gặp khó khăn hơn trong việc mua thực phẩm cho con cái. Theo báo cáo của Quỹ Rockefeller, 1,6 triệu trẻ em Kenya ở các khu vực khô cằn và bán khô cằn được nhận bữa ăn ở trường, trong khi 8,4 triệu trẻ em không có bữa ăn. Những sáng kiến như Food4Education, vì thế được kì vọng có thể mở rộng hơn nữa để hỗ trợ trẻ em tại Kenya.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

trẻ em

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước