Hơn 200 cuốn sách điện tử trên Amazon đã ghi danh tác giả hoặc đồng tác giả là ChatGPT. Chỉ mất 60 phút để hoàn thành việc soạn một giáo án mà trước đây phải mất 2 ngày, một phóng sự được viết xong chỉ trong 8 phút.
ChatGPT còn có thể trò chuyện và trả lời vô số câu hỏi như một chuyên gia "biết tuốt", biết viết luận văn, làm thơ, kể cả viết code lập trình. Thậm chí, ChatGPT đã vượt qua vòng thử nghiệm làm bài kiểm tra trong kỳ thi cấp phép hành nghề y của Mỹ.
Vậy trí tuệ nhân tạo có thể đi xa đến đâu và con người có thể làm gì để công nghệ không vượt quá khả năng kiểm soát của con người?
Trí tuệ nhân tạo - Tâm điểm của triển lãm di động thế giới MWC 2023
Kể từ khi ra đời vào thập niên 50 của thế kỷ trước, lĩnh vực trí tuệ nhân (AI) tạo đã có những bước tiến dài và những công nghệ mới nhất vừa được trình làng tại triển lãm di động thế giới MWC 2023 được tổ chức tuần qua tại Barcelona, Tây Ban Nha. Trí tuệ nhân tạo thực sự đã trở thành tâm điểm của một trong những triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới.
Triển lãm di động thế giới MWC 2023 được tổ chức tuần qua tại Barcelona, Tây Ban Nha (Ảnh: Xataka)
Các giải pháp công nghệ áp dụng AI có thể thấy ở khắp các gian hàng của triển lãm di động thế giới. Như tại gian hàng của XRAI, công ty này phát triển một phần mềm, phiên âm trực tiếp các cuộc trò chuyện và hiển thị chúng dưới dạng văn bản lên thiết bị đeo thực tế tăng cường.
Thiết bị đeo thực tế tăng cường có khả năng phiên âm trực tiếp các cuộc trò chuyện và hiển thị chúng dưới dạng văn bản (Ảnh: XRAI)
Âm thanh hiện được phân tích trên đám mây nhưng công ty này đang tìm kiếm giải pháp để có thể làm việc ngay khi ngoại tuyến. Công nghệ được coi bước đột phá với người khiếm thính.
Ông Dan Scarfe - Giám đốc điều hành XRAI - cho biết: "Những người khiếm thính nói với tôi rằng họ có thể bị cô lập ngay trong chính gia đình, bạn bè hay trong môi trường làm việc và không thể tham gia đầy đủ vào cuộc trò chuyện vì họ không thể theo dõi mọi thứ đang diễn ra. Với công nghệ như thế này, người dùng có thể xem những gì mọi người đang nói".
Phần mềm của XRAI cũng được tích hợp chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT. Điều đó có nghĩa là thiết bị đeo có thể hiển thị câu trả lời gần như ngay lập tức cho các câu hỏi đơn giản hoặc tạo ra một bản tóm tắt bằng văn bản về các cuộc trò chuyện trước đây.
Trí tuệ nhân tạo đang dần len lỏi vào mọi lĩnh vực
Nhưng sự phát triển của chatbot còn xa hơn thế. Công ty Pháp Talkr.ai đã phát triển một phần mềm trí tuệ nhân tạo có khả năng trò chuyện như người thật thay vì chỉ biết trả lời những câu hỏi cụ thể. Chatbot của họ có thể gọi cho khách hàng, lên kế hoạch giao hàng cho khách, thu tiền qua điện thoại hay sắp xếp các cuộc hẹn với khách hàng.
Bà Katya Laine - Giám đốc điều hành Talkr.ai - chia sẻ: "Bot của chúng tôi thông minh hơn 3 năm trước. Các công nghệ đã rất trưởng thành để tương tác tự nhiên bằng giọng nói. Giọng nói rất quan trọng vì tương tác một cách tự nhiên bằng giọng nói dễ dàng và nhanh hơn gấp 60 lần so với đánh máy".
Chatbot trò chuyện như người thật, thậm chí các bản sao kỹ thuật số cá nhân có thể thay thế người thân vắng mặt. Các dịch vụ trí tuệ nhân tạo thế hệ mới đã có màn trình diễn ấn tượng tại triển lãm di động thế giới MWC 2023, với các ứng dụng vào hàng loạt lĩnh vực từ an ninh, chăm sóc sức khỏe đến điều hành giao thông hay vận hành các thành phố thông minh.
Các ứng dụng nổi bật của trí tuệ nhân tạo
Có thể thấy, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo đang có mặt trong mọi mặt đời sống hàng ngày.
Chẳng hạn như với một vật bất ly thân thời đại ngày nay là những chiếc điện thoại thông minh, từ phần mềm nhận diện khuôn mặt đến các trợ lý ảo... đều ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hay những gợi ý về tin tức, các đoạn video, hay các bản nhạc trên các mạng xã hội, những trải nghiệm mua sắm trực tuyến… đều do trí tuệ nhân tạo chi phối.
AI cũng đã được ứng dụng đối với xe tự lái hay các robot tương tác với con người trong bệnh viện, trung tâm thương mại, trong các trường học… Thậm chí, các phần mềm AI cũng đã cho ra đời các tác phẩm hội họa, giành giải ở các cuộc thi nghệ thuật…Trong lĩnh vực y học, trong khi một bác sĩ X-quang thông thường mất từ 10 tới 30 phút để đánh giá một bản chụp cắt lớp khi sàng lọc các khối u thì trí tuệ nhân tạo chỉ cần vài giây.
Tiềm năng và rủi ro từ ChatGPT
Trí tuệ nhân tạo là thành tựu đột phá về phát triển khoa học và công nghệ nhưng cũng ẩn chứa những rủi ro, hạn chế nhất định và vẫn đang trong quá trình tiếp tục được hoàn thiện. Điển hình như ChatGPT - công cụ được mệnh danh là AI thông minh nhất thế giới hiện nay.
ChatGPT được dự báo là mô hình trí tuệ nhân tạo tiềm năng nhất và rộng rãi nhất trong tương lai. Chính phủ nhiều nước đã bắt đầu nhiên cứu ChatGPT để ứng dụng trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước, dịch vụ công.
Bên cạnh tiềm năng to lớn, ChatGPT cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro (Ảnh: Reuters)
Ngân hàng UBS đánh giá tiềm năng của ChatGPT là rất lớn khi các nhà đầu tư mạo hiểm đã dự báo thị trường dành cho những công cụ trí tuệ nhân tạo như vậy có thể đạt quy mô lên tới 1.000 tỷ USD.
TS. Lisa Su - Giám đốc điều hành Tập đoàn AMD - cho rằng: "AI thực sự là xu hướng lớn quan trọng nhất cho tương lai của công nghệ. Ở mức độ đơn giản nhất, AI có thể tận dụng sức mạnh của điện toán hiệu năng cao để phân tích lượng dữ liệu khổng lồ, khám phá các mẫu và đưa ra dự đoán về kết quả trong tương lai".
Gần đây, thuật ngữ "con người kỹ thuật số" - thế hệ tương lai của chatbot AI - đã bắt đầu được đề cập sau khi ChatGPT ra đời.
GS. Alan Dennis thuộc chuyên ngành Hệ thống thông tin, Đại học Indiana, Mỹ nhận định: "Con người kỹ thuật số với khuôn mặt và giọng nói rất giống con người. Có hai loại có thể đưa ra thị trường hiện nay. Đầu tiên là thay thế chatbot trò chuyện. Bất cứ nơi nào thường có chatbot sẽ sớm có một con người kỹ thuật số thay thế. Loại người kỹ thuật số khác là một trợ lý cá nhân giống như Siri trên IOS".
Tuy nhiên, sức mạnh to lớn của Chat GPT cũng đang gây ra không ít lo ngại, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, sinh viên tại một số nước trên thế giới đã lạm dụng ChatGPT viết bài luận, giải toán, đạo văn…
Bà Myriam Dubois Monkachi - Giám đốc phụ trách Học thuật, Học viện Science Po Paris, Pháp - cho biết: "Tôi nghĩ rằng phải giới hạn sử dụng trí thông minh nhân tạo mới này và mở rộng khuôn khổ về tính trung thực của sinh viên".
Ngoài ra, ChatGPT cũng có nguy cơ cung cấp cho người dùng những thông tin xấu, độc hại, thông tin giả, lừa đảo và tấn công mạng.
GS. Saurabh Bagchi thuộc Khoa Kỹ thuật điện và máy tính, Đại học Purdue, Mỹ cho rằng: "ChatGPT được kiểm soát bằng cách ngăn chặn các yêu cầu tạo mã có hại nhằm sử dụng trong các cuộc tấn công an ninh mạng. Tuy nhiên, một số người dùng đã tìm ra cách vượt qua những hạn chế này và có thể sử dụng chatbot để tạo email lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân".
Các ứng dụng AI phụ thuộc rất lớn vào mức độ chính xác và cập nhật của nguồn dữ liệu được nạp vào để huấn luyện trí tuệ nhân tạo
Công nghệ ChatGPT vẫn đang tiếp tục được cập nhật, đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa để hạn chế những rủi ro liên quan quyền riêng tư, độ tin cậy và độ an toàn.
Một trong những hạn chế lớn nhất của ChatGPT là công cụ có xu hướng tạo ra các nội dung văn bản. Nghe có vẻ hợp lý và có tính thuyết phục nhưng thực ra lại không chính xác hoặc vô nghĩa. Ứng dụng phụ thuộc rất lớn vào mức độ chính xác và cập nhật của nguồn dữ liệu được nạp vào để huấn luyện trí tuệ nhân tạo. Công ty đã phát triển ChatGPT là OpenAI cho biết đã cung cấp cho công cụ này khoảng 300 tỷ từ, được thu thập qua Internet.
Trong nỗ lực hạn chế rủi ro từ ChatGPT và trí tuệ nhân tạo nói chung, một loạt nước đang đưa ra các biện phát kiểm soát ở các mức độ khác nhau. Chẳng hạn như cơ quan quản lý tại Mỹ đã có quyết định không cấp bản quyền cho các tác phẩm do AI sáng tạo. Trung Quốc yêu cầu các công ty công nghệ lớn của nước này không cung cấp dịch vụ ChatGPT. Còn Liên minh châu Âu sẽ áp đặt các quy định mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam thăng hạng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
Tại Việt Nam, ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127 về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Các văn bản pháp luật tiếp tục được nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện bổ sung về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới trí tuệ nhân tạo.
Theo những đánh giá cập nhật về chỉ số sẵn sàng liên quan đến trí tuệ nhân tạo, Việt Nam có mức độ sẵn sàng cao hơn mức trung bình toàn cầu và năm sau ở mức cao hơn năm trước, với nhiều tiềm năng khẳng định vị trí nổi bật hơn trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Báo cáo mới nhất của Oxford Insights về "chỉ số sẵn sàng về trí tuệ nhân tạo của Chính phủ" cho thấy, Việt Nam tiếp tục thăng hạng, xếp thứ 55 toàn cầu, tăng 7 bậc so với năm 2021, thể hiện tiềm năng phát triển AI tại Việt Nam. Theo báo cáo, điểm trung bình của Việt Nam đạt 53,96, vượt ngưỡng trung bình thế giới là 44,61.
"Việt Nam có nền tảng vững chắc để trở thành quốc gia đổi mới mạnh mẽ về trí tuệ nhân tạo" - nhận định từ trang Forbes. Tờ báo cho biết, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào AI và các công nghệ kỹ thuật số, xây dựng chương trình chuyển đổi số quốc gia. Những động thái này sẽ giúp Việt Nam tiến tới là 1 trong 4 quốc gia hàng đầu ở châu Á về phát triển trí tuệ nhân tạo.
Ông Raymond Mallon - Nhà nghiên cứu kinh tế, Australia - cho rằng: "Các lĩnh vực phát triển trong tương lai sẽ là AI, Robot, Fintech, dữ liệu lớn. Đây cũng là những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam".
Trang Lexology cho rằng, Việt Nam đang có vị thế thuận lợi để vươn lên dẫn đầu về phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Chính phủ Việt Nam đang thực hiện các bước hỗ trợ phát triển AI với các sáng kiến thúc đẩy đổi mới kinh doanh. Việt Nam cũng đã thành lập một số trung tâm AI nhằm khuyến khích phát triển công nghệ.
Bà Giulia Ajmone Marsan - Giám đốc Chiến lược & Đối tác, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á - cho rằng: "Các chuyên gia trong lĩnh vực này thường tốt nghiệp các trường lớn trên thế giới như tại Nhật Bản, Mỹ, Australia. Do đó, cần có chính sách thu hút tài năng công nghệ về làm việc, nghiên cứu. Các bạn cũng cần mở rộng chính sách thị thực để đón các chuyên gia quốc tế".
Tờ The Drum cho biết, Việt Nam đa ghi dấu ấn về công nghệ với thế giới và đang trải qua một cuộc cách mạng về AI. Các công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất như AI, NFT, ChatGPT nhanh chóng được phổ biến, thậm chí là tới các vùng nông thôn.
Theo Nikkei Asia, nhiều tập đoàn công nghệ lớn đều tăng cường đầu tư vào mảng trí tuệ nhân tạo. Thậm chí, AI đang tiếp tục được phát triển để giúp phục vụ hoạt động thương mại trực tuyến, ứng dụng AI trong bán lẻ và tiêu dùng.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain, với dân số trẻ và dễ tiếp thu công nghệ, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đến năm 2025 sẽ có tốc độ tăng trưởng tới 31%, mức tăng trưởng mạnh nhất tại Đông Nam Á.
Trong các câu chuyện thành công về công nghệ của Việt Nam, có một sản phẩm đặc biệt được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao, đó là robot Ohmni do TS. Vũ Duy Thức phát triển. Robot Ohmni đã được hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản All Nippon Airways lựa chọn hợp tác và đã được chọn trao giải thưởng "Sản phẩm tốt nhất cho xã hội 5.0" tại hội chợ điện tử và công nghệ lớn nhất Nhật Bản CEATEC 2019. Robot Ohmni tiếp tục ghi dấu ấn tại triển lãm hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới CES 2023, thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới công nghệ toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!