Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ do COVID-19 gây ra , nhiều công nghệ tiên tiến đã được áp dụng để chống lại dịch bệnh. Tuy nhiên, một trong những công nghệ đáng chú ý nhất - Trí tuệ nhân tạo (AI) dường như chưa giữ một vai trò mang tính cách mạng như kỳ vọng.
Sự im lặng đáng chú ý
Theo CNBC, một thực tế kỳ lạ là các Trung tâm thí nghiệm trí tuệ nhân tạo nổi tiếng như DeepMind, OpenAI, Facebook AI Research hay Microsoft đều tương đối "im ắng" ngay cả khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn thế giới.
Chuyên gia Neil Lawrence - Cựu giám đốc phụ trách lĩnh vực học máy tại Amazon Cambridge nhận xét: "Sự im lặng này rất đáng chú ý. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy vai trò của AI trước nay đã phần nào bị thổi phồng. Công nghệ này rất tuyệt và sẽ trở nên hữu ích trong tương lai, nhưng không có gì ngạc nhiên về việc trong một đại dịch như thế này, chúng ta vẫn chủ yếu dựa vào những công nghệ đã được thử nghiệm trước đó."
AI dường như đang im hơi lặng tiếng trong cuộc chiến chống COVID-19? (Nguồn Reuters)
Những công nghệ này bao gồm các kỹ thuật thống kê và mô hình toán học mang tính truyền thống và hiệu quả, trong đó, các mô hình toán học được sử dụng để xây dựng các mô hình dịch tễ học, dự đoán khả năng lây lan của bệnh dịch trên cộng đồng dân cư. Rõ ràng, vào thời điểm hiện tại, các công nghệ này tỏ ra hữu ích hơn nhiều so với các lĩnh vực trong AI như học tăng cường và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Những nỗ lực ứng dụng AI trong điều trị y tế
Tuy nhiên, AI liệu có hoàn toàn là kẻ đứng ngoài?
Trên thực tế, nhiều quốc gia đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI vào trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.
Theo Forbes, tại Israel, công ty khởi nghiệp công nghệ Diagnostic Robotics đã phát triển một nền tảng phân loại dựa trên trí tuệ nhân tạo, cho phép giới chức y tế nước này có thể liên tục theo dõi các mô hình lây lan của dịch bệnh. Nền tảng này cũng cung cấp những công cụ phân tích cho phép dự báo và đánh giá các rủi ro, từ đó triển khai các biện pháp y tế một cách hiệu quả hơn.
Nhiều công ty công nghệ khai thác AI để đối phó với dịch bệnh (Nguồn CNN)
Khoảng 150 công ty khởi nghiệp công nghệ khác tại Israel cũng đang đẩy mạnh khai thác Trí tuệ nhân tạo để ứng phó với dịch bệnh. CLEW Medical đã xây dựng các mô hình học máy cho phép nhân viên của bộ phận chăm sóc y tế đặc biệt có thể chủ động quản lý mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và khối lượng công việc, cũng như phát triển một công cụ phân tích dự đoán, có thể phát hiện tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân trong thời gian thực và đưa ra các cảnh báo phòng ngừa. Các giải pháp này đã được triển khai tại các bệnh viện của Israel và đang được một số bệnh viện tại Mỹ thử nghiệm. Một công ty khác là Vocalis Health, đã thu thập các mẫu giọng nói của bệnh nhân COVID-19 và người khỏe mạnh, rồi sử dụng công nghệ AI để giúp phân loại, sàng lọc và theo dõi bệnh nhân từ xa.
Còn tại Trung Quốc, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, nhiều công ty đã công khai các thuật toán của mình để giúp cải thiện hiệu quả và hỗ trợ việc nghiên cứu, thử nghiệm liên quan đến virus SARC-CoV-2.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Baidu – 1 trong số các công ty hàng đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển AI đã cung cấp miễn phí LinearFold, thuật toán AI thời gian tuyến tính của họ cho các cơ quan kiểm tra di truyền, trung tâm phòng chống dịch bệnh và nhiều viện nghiên cứu khoa học trên thế giới. Baidu cho biết, thuật toán của họ có thể giúp giảm thời gian dự đoán trong quá trình nghiên cứu cấu trúc thứ cấp RNA của virus SARC-CoV-2 từ 55 phút xuống chỉ còn 27 giây. Thuật toán cũng cải thiện tốc độ dự đoán và nghiên cứu cấu trúc thứ cấp RNA của virus SARC-CoV-2 tới 120 lần và tiết kiệm thời gian chờ đợi cho các nghiên cứu.
Những hãng công nghệ như Baidu đẩy mạnh ứng dụng AI vào công tác phòng dịch bệnh (Nguồn Reuters)
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cũng đã ra mắt nền tảng thử nghiệm và phân tích gen tự động. Dựa trên thuật toán AI được phát triển bởi Học viện Alibaba DAMO (được tài trợ bởi tỷ phú Jack Ma), nền tảng này đã rút ngắn quá trình phân tích gen của các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 từ vài giờ xuống chỉ còn 30 phút, và có thể phát hiện chính xác các đột biến virus.
Những bước tiến đáng chú ý cũng được ghi nhận tại nhiều nơi khác. Hồi tháng 3, DeepMind từng tuyên bố đã sử dụng một kỹ thuật học máy với tên gọi "Mô hình hóa miễn phí" để mô tả chi tiết cấu trúc của 6 protein liên quan đến SARS-CoV-2, loại virus gây bệnh COVID-19. Công ty Exscientia tại Oxford (Anh) đang sàng lọc hơn 15.000 loại thuốc để xem xét khả năng điều trị trường hợp nhiễm bệnh.
Những ứng dụng của AI trong công tác phòng dịch
Không chỉ được sử dụng trong các hoạt động điều trị trực tiếp, công nghệ AI cũng đóng góp đáng kể vào các hoạt động ngăn ngừa dịch bệnh.
Bà Verena Rieser – Giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Heriot Watt (Scotland) đã chỉ ra rằng, robot tự hành có thể được sử dụng để giúp khử trùng tại các bệnh viện, và "các gia sư" AI có thể hỗ trợ phụ huynh giảm bớt gánh nặng từ việc cho con cái học tại nhà. Cũng theo bà, những người bạn đồng hành tích hợp Trí tuệ nhân tạo có thể rất hữu ích cho việc tự cách ly, đặc biệt là đối với những người cao tuổi.
Tại Anh, một hệ thống nhận dạng khuôn mặt đã được xây dựng bởi công ty SCC, nhằm phát hiện ra những người nhiễm bệnh, thay vì những kẻ khủng bố như trong quá khứ. Theo chuyên gia Neil Lawrence, các hệ thống như vậy cũng có thể sử dụng để thu thập dữ liệu về tỷ lệ người dân đeo khẩu trang.
Ứng dụng camera trong kiểm soát dịch bệnh (Nguồn Reuters)
Trung Quốc dường như đang là một trong những quốc gia đi đầu về phương diện này khi cố gắng tận dụng Trí tuệ nhân tạo trong các ga tàu điện ngầm, nhà ga và địa điểm công cộng khác, nơi tập trung nhiều người với lưu lượng di chuyển cao. Trong khi việc sử dụng phương pháp đo nhiệt độ truyền thống rất tốn thời gian và làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo do sự tụ tập đông người, những công ty như Wuhan Guide Infrared Co.Ltd đã giới thiệu những công nghệ đo nhiệt độ mới dựa trên thị giác máy tính và công nghệ hồng ngoại. Những công nghệ mới này có thể đo nhiệt độ cơ thể không cần tiếp xúc, cho ra những kết quả đáng tin cậy và hiệu quả mà người được đo nhiệt độ thậm chí không hề hay biết. Với công nghệ này, những người có nhiệt độ cơ thể vượt quá ngưỡng bình thường sẽ được định vị nhanh chóng và chính xác, góp phần tăng hiệu quả kiểm soát dịch bệnh.
Những hạn chế trong việc ứng dụng AI
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vai trò của AI trong đối phó dịch COVID-19 vẫn chưa thực sự mang tính cách mạng, và chưa thể mang lại nhiều khác biệt như một số người đã dự đoán. AI sẽ không sớm đưa thế giới thoát ra khỏi tình trạng hiện tại. "Điều này dường như cho thấy AI đã được thổi phồng như thế nào", chuyên gia Neil Lawrence nói.
Việc ứng dụng AI trong công tác phòng chống dịch vẫn còn nhiều hạn chế (Nguồn CNN)
Theo CNBC, các nhà nghiên cứu AI dựa vào một lượng lớn dữ liệu để huấn luyện cho các thuật toán của họ, nhưng hiện tại chưa có đủ dữ liệu đáng tin cậy về virus SARS-CoV-2 để làm điều đó. Bà Catherine Breslin, chuyên gia tư vấn học máy từng làm việc về Amazon Alexa chia sẻ: "AI học từ một lượng lớn dữ liệu được dán nhãn thủ công, đây là một công việc tốn thời gian và tốn kém. Ngoài ra, để xây dựng, thử nghiệm và triển khai AI trong thế giới thực cũng mất nhiều thời gian. Khi thế giới thay đổi, thách thức đối với AI nằm ở chỗ làm sao có thể thu thập đủ dữ liệu để học, xây dựng và triển khai công nghệ nhanh chóng nhằm tạo ra tác động". Bà Breslin đồng ý rằng các công nghệ AI có vai trò riêng của mình, và có thể khiến cuộc sống của mọi người trở nên dễ dàng và vui vẻ hơn trong quãng thời gian đóng cửa, giãn cách xã hội. Tuy nhiên, chúng không phải là "viên đạn bạc" có thể trực tiếp chấm dứt dịch bệnh.
Hiện cộng đồng AI đang nỗ lực suy nghĩ về cách có thể khiến AI trở nên hữu ích hơn. Mới đây, Facebook AI đã công bố một số mối quan hệ đối tác với các học giả trên khắp nước Mỹ. Trong khi đó, ông Demis Hassabis, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành DeepMind cũng đang giúp đỡ Hội Hoàng gia London, học viện khoa học độc lập lâu đời nhất thế giới, trong một dự án đa ngành mới gọi là DELVE (Đánh giá Dữ liệu và Học về Dịch tễ học siêu vi).
BBC khuyến cáo, sẽ cần tới một nỗ lực toàn cầu từ các nhà hoạch định chính sách để thuyết phục các công ty dược phẩm lớn hợp tác với các nhà nghiên cứu và công ty công nghệ trong việc cung cấp tài nguyên dữ liệu. Chỉ khi đó, công nghệ AI mới có thể đóng một vai trò quan trọng hơn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên toàn cầu.