Những lời kêu gọi được đưa ra sau khi các điều tra cho thấy, có tới 40% học sinh tại Trung Đông - Bắc Phi không thể thụ hưởng các chương trình học trực tuyến, vốn từng được ca ngợi là cứu cánh cho nền giáo dục trong đại dịch. Nhiều chuyên gia lo ngại điều này sẽ để lại những hậu quả lâu dài tới nền kinh tế.
Ít nhất 4 trên 10 học sinh tại Trung Đông - Bắc Phi đã bị đặt ra ngoài lề các chương trình giáo dục trực tuyến trong đại dịch, hoặc hoàn toàn không được tham gia, hoặc có được ghi danh, nhưng chỉ là hình thức, bởi không đủ các điều kiện cơ bản về thiết bị hay Internet...
Những số liệu mới được công bố khiến báo The National (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) cảnh báo về những nguy cơ tiềm tàng đối với nền kinh tế và xã hội nơi đây. Tại Trung Đông - Bắc Phi, 15 triệu trẻ em đã bị thất học bởi đói nghèo và xung đột. Nay tình trạng khó khăn trong tiếp cận học trực tuyến có thể sẽ thúc đẩy hàng chục triệu trẻ em khác rời bỏ trường học, từ đó rơi vào nguy cơ của lao động trẻ em, tảo hôn hay bị những băng nhóm vũ trang lôi kéo, trở thành chiến binh hoặc phần tử cực đoan.
Chuyển sang dạy và học trực tuyến, không kể quốc gia giàu nghèo, lớn nhỏ là một nỗ lực không thể phủ nhận nhằm duy trì nền giáo dục không đứt gãy trong đại dịch, nhưng nếu cứ vẫn tiếp tục đóng cửa trường học thì những hệ quả nó để lại có thể lớn hơn người ta tưởng. Như cảnh báo của đại diện Ngân hàng Thế giới được trang mạng Zawya, chuyên về các vấn đề kinh tế - tài chính Trung Đông trích dẫn.
Một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới tại Jordani cho thấy, ngay cả những học sinh được tiếp cận đầy đủ với các chương trình học trực tuyến tại nước này thời gian qua, thì tổng lượng kiến thức và kỹ năng các em mất đi vẫn tương đương khoảng 0,9 năm học. Và điều này sẽ khiến thu nhập trung bình trong tương lai của thế hệ học sinh đó mất khoảng 8%.
Việc học trực tuyến khó khăn tại quốc gia nghèo là điều dễ hình dung, nhưng ngay ở những nước có mặt bằng công nghệ rất phát triển như Israel, tình trạng khó tiếp cận trong học trực tuyến vẫn là thực tế đang diễn ra.
Israel, quốc gia chỉ khoảng 9 triệu dân, từng đặt mục tiêu mỗi trẻ em một máy vi tính từ năm 1996. Nhưng tới 2020, các số liệu cho thấy mục tiêu này vẫn chưa đạt được. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh để việc dạy và học trực tuyến có hiệu quả, các xã hội đều cần một thời gian để thay đổi tư duy, củng cố triết lý tự học. Những điều này không thể tự nhiên mà có, nó đòi hỏi quá trình tập huấn, củng cố cơ sở hạ tầng cũng như đầu tư tiền bạc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!