Trung Quốc điều tra bê bối vận chuyển dầu ăn thiếu quy trình vệ sinh
Vụ bê bối liên quan đến công ty vận chuyển và lưu trữ ngũ cốc lớn nhất Trung Quốc Sinograin và tập đoàn tư nhân Hopefull Grain and Oil Group đã làm dấy lên mối lo ngại về vấn đề vệ sinh toàn thực phẩm ở quốc gia tỷ dân.
Theo một báo cáo trên trang tin tức nhà nước Beijing News tuần trước, vụ bê bối là một "bí mật mở" trong ngành vận tải, cáo buộc các xe tải chở nhiên liệu hoặc chất lỏng hóa học được sử dụng để vận chuyển thực phẩm gồm dầu ăn, siro và dầu đậu nành... mà không có quy trình vệ sinh thích hợp.
Ngày 9/7, Văn phòng an toàn thực phẩm của Hội đồng hành chính Nhà nước Trung Quốc đã thông báo một nhóm liên ngành sẽ điều tra về vụ việc, kèm theo cam kết những người chịu trách nhiệm về bất kỳ sai sót nào "sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc trước pháp luật".
Hai công ty khác có tên trong báo cáo truyền thông cũng cho biết các cuộc điều tra đang được tiến hành. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu ăn lớn khác không có tên trong báo cáo đã đưa ra tuyên bố rằng họ không sử dụng xe tải chở nhiên liệu để vận chuyển sản phẩm của mình.
Nhức nhối vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm
An ninh và an toàn thực phẩm là một trong những thách thức đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã liên kết các vấn đề này với sự ổn định quốc gia và gọi việc giám sát thành công là "một phép thử về khả năng điều hành của chính phủ".
Đài truyền hình nhà nước CCTV hồi đầu tuần đã đánh giá hành vi bị cáo buộc và khả năng ô nhiễm thực phẩm từ nhiên liệu còn sót lại trong tàu chở dầu là "tương đương với ngộ độc", nhấn mạnh "sự coi thường cực độ đối với tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng".
Dù mức sống của người dân đã tăng lên trong những thập kỷ gần đây, song, an toàn thực phẩm vẫn là một vấn đề "thả nổi" ở Trung Quốc (Ảnh: AFP)
Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tờ Nhân dân Nhật báo, cho rằng: "Khi an toàn thực phẩm bị đe dọa thì ‘không có quyền im lặng’ và kêu gọi các cơ quan quản lý hành động".
CCTV trích dẫn ý kiến của Liu Shaowei, chuyên gia an toàn thực phẩm : "Việc sử dụng tàu chở hóa chất đựng dầu ăn chắc chắn sẽ dẫn đến hóa chất tồn dư, có thể gây ngộ độc với các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy, thậm chí làm tổn thương không thể phục hồi cho các cơ quan bao gồm gan và thận".
Mặc dù mức sống của người dân đã tăng lên trong những thập kỷ gần đây, song, an toàn thực phẩm vẫn là một vấn đề nhức nhối ở Trung Quốc - nơi hàng chục vụ bê bối cấp cao đã được truyền thông địa phương đưa tin kể từ đầu những năm 2000, khiến chính phủ phải thắt chặt quy định giám sát.
Một trong những ví dụ nghiêm trọng nhất là vụ việc 6 trẻ sơ sinh đã thiệt mạng và khoảng 300.000 trẻ khác bị bệnh do sữa bột công thức có chứa hóa chất công nghiệp độc hại melamine. Một số giám đốc điều hành bị phát hiện chịu trách nhiệm về vụ việc năm 2008 cuối cùng đã bị kết án tử hình và thảm kịch đã gây ra sự mất lòng tin sâu sắc đối với các sản phẩm nội địa và an toàn thực phẩm ở Trung Quốc.
Việc bán và sử dụng rộng rãi "dầu máng xối" - hay dầu ăn tái chế từ máng xối, cống thoát nước gia đình và bẫy mỡ - nổi lên như một vấn đề lớn vào đầu những năm 2010.
Một trường hợp khác vào năm 2022, cũng được truyền thông nhà nước vạch trần về việc bắp cải muối "bẩn" được cung cấp cho các thương hiệu mì ăn liền nổi tiếng.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn thực phẩm và an ninh lương thực cũng như nguồn cung lương thực thiết yếu.
Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, cho biết chỉ thị điều tra vụ bê bối hiện tại của Trung Quốc có thể đến từ "cấp cao nhất", đồng thời lưu ý rằng an toàn thực phẩm vừa là vấn đề then chốt liên quan đến tính hợp pháp của chính phủ vừa là vấn đề quan trọng.
Ông Huang cho biết thêm, vụ việc này có khả năng trở thành vụ bê bối an toàn thực phẩm lớn nhất kể từ năm 2008, do khối lượng dầu được vận chuyển thường xuyên và hàm ý rằng đây có thể là một vấn đề lâu dài có thể ảnh hưởng đến nhiều vùng dân cư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!