Sau chưa đầy 280 ngày khoan xuyên 13 địa tầng vào lớp đất đá có niên đại 500 triệu năm, Trung Quốc đã chính thức sở hữu giếng khoan siêu sâu trên 10.000m đầu tiên.
Bồn địa Tarim, nơi đặt giếng khoan, rất giàu trữ lượng dầu khí, chiếm tới hơn một nửa tài nguyên dầu khí siêu sâu của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những khu vực khó thăm dò nhất do môi trường mặt đất khắc nghiệt và điều kiện trong lòng đất phức tạp.
Kể từ khi bắt đầu khoan ngày 30/5/2023, nước này đã sử dụng giàn khoan tự động siêu sâu 12.000m đầu tiên trên thế giới tự phát triển, cùng các công nghệ tiên tiến như dung dịch khoan nhiệt độ cực cao 220 độ C, vít chịu nhiệt độ cao...
Trung Quốc đã sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất để đưa máy khoan xuyên 13 địa tầng (Ảnh: VCG)
Nơi đặt giếng khoan là một trong những khu vực khó thăm dò nhất do môi trường mặt đất khắc nghiệt (Ảnh: Bloomberg)
Theo các chuyên gia, dựa trên phân tích khoa học, nguồn tài nguyên dầu khí được tìm thấy ở độ sâu 10.000m có thể là loại dầu chất lượng cao. Điều này cũng được Viện sĩ Tôn Long Đức - Viện Công trình Trung Quốc xác nhận: "Đó là loại dầu nhẹ - một loại nguyên liệu hóa học rất cao cấp. Nó có thể đổ trực tiếp vào máy kéo để chạy mà không cần lọc và chế biến".
Những năm gần đây, PetroChina đã triển khai mạnh mẽ các công trình khai thác dầu sâu dưới lòng đất ở bồn địa Tarim và đã khoan thành công hơn 140 giếng dầu có độ sâu hơn 8.000m, được mệnh danh như những "Everest dưới lòng đất".
Trung Quốc đặt mục tiêu tiếp theo là hoàn thành giếng khoan sâu 11.100m, đứng thứ hai thế giới và số 1 châu Á.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!