Đến nay, hơn 509,75 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP)
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 82,68 triệu ca mắc và hơn 1,018 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 14.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Số ca mắc COVID-19 mới của Mỹ đã tăng hơn 50% trong 2 tuần gần đây, tuy nhiên số ca nhập viện vẫn xấp xỉ mức thấp nhất trong đại dịch. Trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh ở Mỹ hiện nay, Tiến sĩ Ashish Jha, cố vấn Nhà Trắng về COVID-19, đã khuyến cáo các cơ quan chức năng và người dân nước này hành động "thận trọng nhưng không thái quá".
Theo số liệu tổng hợp của báo The New York Times, có 42 bang của Mỹ đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tăng trong 2 tuần qua tính đến ngày 24/4. Chỉ có 6 bang báo cáo số ca mắc mới giảm và 2 bang không ghi nhận thay đổi đáng kể. Tuần trước, chỉ có 32 bang ghi nhận sự gia tăng số ca mắc mới trong 2 tuần, trong đó bang Michigan có số ca nhiễm mới tăng cao nhất, gần 184%, trong khi bang Mississippi có mức giảm mạnh nhất, giảm hơn 55%.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 25/4, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,06 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 522.200 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện vẫn là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 662.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,34 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Kể từ ngày 25/4, hầu hết các bang ở Đức bắt đầu ngừng thực hiện xét nghiệm COVID-19 bắt buộc tại các trường phổ thông. Đây được xem là một trong những biện pháp chống dịch bệnh COVID-19 quan trọng cuối cùng được bãi bỏ ở Đức trong tháng 4 này. Theo đó, việc xét nghiệm bắt buộc đã được bãi bỏ hoặc kết thúc từ ngày 25/4 ở 6 bang và đến cuối tháng này, thêm 6 bang áp dụng quy định mới là không thực hiện xét nghiệm COVID-19 bắt buộc với học sinh.
Đầu tháng 4, quy định về khẩu trang bắt buộc đã được gỡ bỏ ở hầu hết các trường học, phù hợp với Đạo luật bảo vệ chống lây nhiễm. Thay vào đó, việc xét nghiệm tự nguyện hoặc bắt buộc chỉ được thực hiện trong trường hợp học sinh có các triệu chứng hoặc trở lại trường sau một kỳ nghỉ lễ kéo dài.
Bức tranh miễn dịch COVID-19 tại Canada đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, với những ước tính mới nhất cho thấy, gần 50% dân số của Canada có thể đã mắc bệnh. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, gần 90% dân số nước này đã có được "hàng rào" miễn dịch ngừa virus SARS-CoV-2 thông qua tiêm vaccine hoặc từng mắc COVID-19, hoặc cả hai yếu tố này.
Theo thống kê trên trang web của Chính phủ Canada, nước này đã ghi nhận trên 3,699 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 38.783 người thiệt mạng.
Bộ Y tế Israel ngày 25/4 cho biết, qua xét nghiệm kháng nguyên (PCR) tại sân bay quốc tế Ben Gurion, cơ quan chức năng nước này đã phát hiện 3 trường hợp mắc biến thể mới của chủng Omicron. Cả 3 trường hợp này đều là những người Israel đi du lịch nước ngoài trong dịp nghỉ lễ Passover vừa qua và trở về nước trong ngày 25/4.
Được biết, biến thể phụ của biến chủng Omicron được đặt mã số là BA4, vốn lây lan nhanh chóng tại Nam Phi và có tỷ lệ tử vong cao. Ba trường hợp vừa phát hiện mắc biến thể này là khách du lịch trở về từ Nam Phi, Singapore và Italy.
Thông cáo của Bộ Y tế Israel cho biết hiện chưa có nhiều thông tin liên quan biến thể này, nhưng khẳng định các cơ quan chức năng đang theo dõi chặt chẽ tình hình liên quan các ca bệnh mới.
Philippines bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ tư cho người trưởng thành bị suy giảm miễn dịch. (Ảnh: AP)
Ngày 25/4, Philippines bắt đầu tiêm liều tăng cường COVID-19 thứ hai (mũi vaccine thứ tư) cho người trưởng thành bị suy giảm miễn dịch ở nước này. Trong số 690.000 người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất, từ 7.000 đến 13.000 người đã được ưu tiên tiêm mũi vaccine thứ tư nhằm tăng cường khả năng bảo vệ chống lại COVID-19 và các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Gần 61% dân trong số 110 triệu người của Philippines đã được tiêm vaccine COVID-19, trong khi gần 13 triệu người đã được tiêm mũi nhắc lại đầu tiên. Với 3,68 triệu ca bệnh COVID-19 và hơn 60.000 trường hợp tử vong, Philippines đã phải hứng chịu một trong những cuộc khủng hoảng COVID-19 tồi tệ nhất ở Đông Nam Á.
Philippines yêu cầu hành khách xét nghiệm PCR 48 giờ hoặc xét nghiệm ART 24 giờ trước khi khởi hành. Ngoài ra, Indonesia yêu cầu xét nghiệm PCR 48 giờ trước khi khởi hành. Hơn nữa, nếu nhiệt độ đo được trên 37,5 độ C hoặc có các triệu chứng khác của COVID-19 khác, hành khách buộc phải thực hiện thêm xét nghiệm PCR.
Từ ngày 26/4, du khách đến Singapore sẽ không còn phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành đến nước này. Động thái trên bổ sung vào những thay đổi gần đây có thể giúp Singapore trở thành điểm đến dễ dàng nhất ở Đông Nam Á trong bối cảnh khu vực này dỡ bỏ các hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch COVID-19.
Singapore không còn yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng ngoài trời, đồng thời loại bỏ hạn chế về số người tham gia hoạt động nhóm trong khi quy định bắt buộc cài ứng dụng truy vết của nước này TraceTogether cũng được cắt giảm đáng kể.
Thái Lan cũng dỡ bỏ các yêu cầu xét nghiệm với những du khách đã tiêm vaccine phòng COVID-19 kể từ ngày 1/5 tới, đồng nghĩa không còn quy định buộc du khách phải đặt một phòng khách sạn đặc biệt để chờ đợi kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, khi nhập cảnh vào Thái Lan, khách du lịch buộc phải đăng ký trên hệ thống nhập cảnh trực tuyến “Thailand Pass” để nộp giấy chứng nhận tiêm chủng và chứng nhận bảo hiểm có hạn mức chi trả tối thiểu 10.000 USD, thấp hơn so với mức 20.000 USD trước đó.
Những chính sách mới của Chính phủ Thái Lan đã nhận được sự hoan nghênh của các hãng hàng không. Chi phí cao kèm theo sự bất tiện liên quan đến quy định xét nghiệm COVID-19 là nguyên nhân khiến du khách không thích đi du lịch.
Malaysia được xem là quốc gia có các quy định nghiêm ngặt nhất. Ngoài yêu cầu xét nghiệm trong vòng 2 ngày trước khi khởi hành, du khách cũng buộc phải thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh. Ngoài ra, hành khách đến phải tải ứng dụng theo dõi liên lạc của Malaysia và khai vào đơn nhập cảnh trước khi khởi hành. Du khách đi du lịch ngắn ngày cũng phải mua bảo hiểm du lịch 20.000 USD để thanh toán cho mọi chi phí liên quan đến COVID-19 tại Malaysia.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã kêu gọi người dân đi tiêm phòng vaccine COVID-19 mũi tăng cường. Việc người dân Campuchia đi tiêm mũi tăng cường sẽ giúp củng cố miễn dịch cộng đồng và đảm bảo tiến trình hướng đến mở cửa hoàn toàn đất nước không gặp phải bất kỳ trở ngại nào. Những người đủ điều kiện cần phải đi tiêm mũi tăng cường để củng cố hệ miễn dịch. Ông Hun Sen cũng yêu cầu các cơ quan y tế tập trung tiêm phòng cho công nhân các nhà máy dệt may, công trường xây dựng, người bán hàng rong và sinh viên.
Đến nay, 88% dân số Campuchia đã tiêm 2 mũi cơ bản, trong khi khoảng 51% đã được tiêm mũi 3 và 8,5% được tiêm mũi 4.
Hàn Quốc hạ cấp độ dịch bệnh COVID-19 từ cao nhất trong thang 4 cấp độ xuống cấp 2. (Ảnh: AP)
Chính phủ Hàn Quốc thông báo, kể từ ngày 25/4, nước này chính thức hạ cấp độ dịch bệnh COVID-19 từ cao nhất trong thang 4 cấp độ xuống cấp 2, tương đương các bệnh truyền nhiễm như sởi và thủy đậu. Trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài một tháng, bệnh nhân COVID-19 vẫn phải cách ly 7 ngày.
Với bước đi mới nhất nói trên, cuộc chiến chống COVID-19 đã bước sang giai đoạn mới, sống chung an toàn với COVID-19. Kể từ 25/4, hoạt động ăn uống bên trong rạp chiếu phim, tại nhà thi đấu cũng như phương tiện công cộng (tàu cao tốc KTX, xe bus cao tốc…) sẽ được phép nối lại như trước khi dịch bệnh bùng phát. Người dân cũng có thể ăn uống tại khu vực ăn uống bên trong chuỗi siêu thị lớn và trung tâm thương mại.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ dịch COVID-19 lan rộng sau khi liên tiếp phát hiện nhiều ca mắc mới lây lan trong cộng đồng trong vài ngày qua. Trước tình trạng này, nhà chức trách y tế Bắc Kinh đã nhanh chóng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, quận Triều Dương ở thủ đô Bắc Kinh, nơi có khoảng 3,5 triệu cư dân, sẽ triển khai 3 đợt xét nghiệm axit nucleic hàng loạt, bắt đầu từ ngày hôm nay sau khi quận này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất trong đợt bùng phát dịch gần đây nhất ở thủ đô của Trung Quốc.
Kể từ ngày 22/4, tổng số ca mắc COVID-19 ở Bắc Kinh đã lên tới 42 ca, liên quan đến 6 quận của thành phố. Nhà chức trách thành phố lo ngại, số ca mắc mới có thể sẽ tiếp tục tăng do các ca nhập cảnh, các đợt bùng phát dịch bên ngoài Bắc Kinh cũng như dòng người gia tăng trong kỳ nghỉ lễ 1/5 sắp tới. Bắc Kinh quyết liệt xét nghiệm đại trà toàn bộ 3,5 triệu dân quận Triều Dương 3 lần 1 tuần cùng với các xét nghiệm rộng tại các trường học, viện dưỡng lão, nhóm nguy cơ cao, khuyến cáo người dân không rời khỏi thành phố.
Sau hơn 200 triệu lượt xét nghiệm nghiệm dân, Thượng Hải vẫn duy trì xét nghiệm người dân tại mỗi khu phong tỏa 4 - 5 lần. Chính sách chống dịch nghiêm ngặt dựa vào xét nghiệm đại trà và phong tỏa vẫn được nước này duy trì 2,5 năm nay. Ngày 26/4, thành phố Thượng Hải sẽ tiến hành xét nghiệm COVID-19 đối với cư dân ở tất cả các khu vực kiểm soát, quản lý và phòng ngừa trên toàn thành phố.
Số ca bệnh nặng và tử vong vì COVID-19 ở Thượng Hải vẫn tăng từng ngày. Các nhà chức trách thành phố Thượng Hải đang tìm cách chia các khu vực rộng lớn thành các vùng nhỏ hơn để đạt được hiệu quả phòng ngừa tốt hơn với cách tiếp cận mới.
Đợt bùng phát mới tại Trung Quốc đã khiến gần 140 người, hầu hết là cư dân cao tuổi mắc các bệnh nền, tử vong kể từ ngày 1/3 và ghi nhận thêm hơn 500.000 ca bệnh.Trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục ghi nhận gần 20.200 ca dương tính có triệu chứng và không triệu chứng. Tất cả 51 ca tử vong đều ở Thượng Hải, cao nhất từ đợt dịch cuối tháng 3 đến nay. Số ca tử vong chủ yếu ở nhóm người cao tuổi, nhiều bệnh nền, đúng như những gì cơ quan chức năng lo lắng về nguy cơ tử vong cao rơi vào nhóm người cao tuổi như ở Hong Kong (Trung Quốc) vừa qua. Vẫn còn trên dưới 20% số người cao tuổi chưa được tiêm ngừa đủ 2 mũi.
Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y học Canada, những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 làm gia tăng nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 ở những người đã tiêm phòng. Phát hiện đáng chú ý là dù nguy cơ đối với nhóm đã tiêm giảm, nhưng nguy cơ mà nhóm chưa tiêm gây ra với nhóm đã tiêm vẫn tăng. Khi các nhóm được tách biệt đáng kể, mức độ miễn dịch thấp hơn của nhóm chưa tiêm làm gia tăng số ca mà một người nhiễm có thể lây cho người khác.
Các tác giả nghiên cứu cho biết, nguy cơ ngày càng gia tăng này đã củng cố thêm ý kiến cho rằng, nhà chức trách cần hành động mạnh tay nhằm tăng tỷ lệ tiêm phòng và hạn chế những người chưa tiêm phòng tiếp cận các địa điểm công cộng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!