Hơn 613,31 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 97,02 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,075 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ vừa công bố số liệu cho thấy, tỷ lệ thanh niên tại nước này từ 20 - 24 tuổi phải điều trị sức khỏe tâm thần đã tăng lên trong giai đoạn dịch COVID-19. Theo CDC Mỹ, gần 22% thanh niên trong độ tuổi trên đã được điều trị sức khỏe tâm thần trong năm 2021, tăng từ mức 19% ghi nhận trong năm 2019. Tháng 2 vừa qua, CDC Mỹ cũng thực hiện các nghiên cứu và rút ra cảnh báo, khủng hoảng về sức khỏe tinh thần đối với trẻ em Mỹ đã trở nên tồi tệ hơn. Nghiên cứu cho thấy, số lần các em nhỏ được đưa tới khám về các vấn đề liên quan tới COVID-19 đã tăng lên trong suốt thời gian đại dịch.
Mỹ sẽ tăng cường dự trữ các bộ xét nghiệm COVID-19 ở trong nước, đặt hàng hơn 100 triệu bộ xét nghiệm từ các nhà sản xuất nước này. Thông tin trên được đưa ra 1 tuần sau khi chính quyền Mỹ dừng tiếp nhận việc xin xét nghiệm miễn phí COVID-19 trên trang web COVIDTests.gov kể từ ngày 2/9. Chính quyền Mỹ đã cảnh báo, họ sẽ không thể cung cấp đủ các bộ xét nghiệm, vaccine và thuốc điều trị COVID-19 nếu không có thêm kinh phí. Tại Mỹ, số ca tử vong do dịch COVID-19 ở mức cao, với gần 400 ca/ngày và chưa giảm đáng kể từ mùa xuân đến nay.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 10/9, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,49 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 154.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,7 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Brazil xác nhận trên 684.800 người tử vong do COVID-19, cao thứ hai thế giới sau Mỹ, trong tổng số hơn 34,56 triệu ca nhiễm, sau Mỹ, Ấn Độ và Pháp.
Số thanh niên tại Mỹ phải điều trị sức khỏe tâm thần đã tăng lên trong giai đoạn dịch COVID-19. (Ảnh: AP)
Canada đã phê duyệt sử dụng vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi. Bộ Y tế Canada cho rằng, lợi ích của vaccine lớn hơn những nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ em. Bộ Y tế Canada đã phê duyệt 3 mũi tiêm cho trẻ em dưới 5 tuổi, với khoảng cách 3 tuần giữa mũi đầu tiên và mũi thứ 2, 8 tuần giữa mũi thứ 2 và mũi thứ 3.
Theo Bộ Y tế Canada, các mũi tiêm dùng vaccine được bào chế phòng chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nguy cơ bị bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Đây là loại vaccine thứ 2 được phê duyệt cho nhóm trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi.
Ngày 10/9, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, Trung Quốc đại lục ghi nhận 239 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng trong ngày 9/9, trong đó có 86 người ở Tứ Xuyên và 33 ở khu tự trị Nội Mông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng ghi nhận 994 ca mắc mới không triệu chứng. Con số người nhiễm mới COVID-19 được xác nhận trong cộng đồng vào ngày 10/9 là 290.
Theo NHC, tổng cộng nước này có 246.618 người nhiễm COVID-19. Số ca tử vong do COVID-19 vẫn giữ nguyên ở mức 5.226 trường hợp.
Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo ghi nhận 1.990 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên trên 4,8 triệu trường hợp. Ngoài ra, Malaysia có thêm 2.016 bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, nâng tổng số người được chữa khỏi và xuất hiện lên 4.738.009 người. Hiện Malaysia còn 27.370 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 67 bệnh nhân nặng phải chăm sóc đặc biệt và 46 trường hợp cần được hỗ trợ thở.
Cho đến nay, 86% dân số Malaysia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, 84,2% đã hoàn thành 2 mũi cơ bản, 49,7% đã tiêm mũi 3 và 1,5% đã tiêm mũi 4.
Làn sóng dịch bệnh thứ 5 tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đang bùng phát mạnh trở lại. Vì vậy, nhà chức trách Hong Kong đã quyết định hạ độ tuổi tối thiểu áp dụng "hộ chiếu vaccine" từ 12 xuống 5 tuổi.
Cụ thể, trong giai đoạn 1 tính từ ngày 30/9, trẻ từ 5 đến 11 tuổi phải tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 mới có thể đến các cơ sở được chỉ định như nhà hàng. Nếu trẻ đã tiêm mũi 1 được trên 3 tháng thì phải tiêm mũi thứ 2 mới có thể được sử dụng "hộ chiếu vaccine". Trong giai đoạn 2 tính từ ngày 30/11, trẻ em trong độ tuổi này sẽ phải tiêm 2 mũi vaccine mới được vào các cơ sở chỉ định. Hiện 83% số trẻ em ở Hong Kong được tiêm 1 mũi vaccine và 70% số trẻ được tiêm 2 mũi, còn 68.000 trẻ chưa được tiêm vaccine.
Ngoài ra, chính quyền Hong Kong cũng sẽ điều chỉnh yêu cầu đối với "hộ chiếu vaccine". Trong giai đoạn 1 tính từ ngày 30/9, khoảng cách giữa mũi tiêm thứ 2 và thứ 3 cho những người từ 12 tuổi trở lên sẽ giảm từ 6 tháng xuống 5 tháng. Trong giai đoạn 2 kể từ ngày 30/11, những người từ 12 tuổi trở lên phải tiêm đủ 3 mũi vaccine mới đáp ứng đủ điều kiện của "hộ chiếu vacccine".
Hong Kong đã quyết định hạ độ tuổi tối thiểu áp dụng "hộ chiếu vaccine". (Ảnh: AP)
Phó Cục trưởng Cục Y tế Lý Hạ Nhân cho biết, trong làn sóng dịch bệnh thứ 5 này, có 38 trẻ em trong độ tuổi từ 3 - 11 mắc COVID-19 đã xuất hiện tình trạng nghiêm trọng và nguy kịch. Trong số này có 31 trẻ chưa tiêm vaccine, 4 trẻ chỉ tiêm 1 mũi vaccine, 8 trẻ đã tử vong, đều chưa hoàn thành việc tiêm 2 mũi vaccine. Cũng theo bà Lý Hạ Nhân, hiện có đầy đủ bằng chứng cho thấy, những người mắc COVID-19 đã tiêm 3 mũi vaccine có tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với những người chưa tiêm mũi 3. Theo nghiên cứu của Đại học Hong Kong, vaccine của các hãng Sinovac hay Pfizer đều bảo vệ người bệnh trước nguy cơ tử vong và bệnh nặng lên đến trên 90%.
Lực lượng Đặc nhiệm Xử lý COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia cho biết, quốc gia này sẽ chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh đặc hữu vào đầu năm 2023 dựa vào tình hình dịch bệnh từ nay đến cuối năm.
Trưởng Tiểu ban hỗ trợ y tế thuộc lực lượng trên, ông Alexander K. Ginting cho hay, nếu số ca mắc COVID-19 mới được kiểm soát từ tháng 9 đến cuối năm nay, Indonesia sẽ chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu vào đầu năm 2023. Theo ông Ginting, cho đến nay, số ca mắc COVID-19 mới hàng ngày đã giảm đáng kể. Tính đến ngày 7/9, Indonesia chỉ còn khoảng 38.000 ca dương tính, thấp hơn mức 52.078 ca cách đây 2 tuần, và ghi nhận trung bình khoảng 3.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Ông Ginting nhấn mạnh: "Indonesia vẫn trong tình trạng đại dịch. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chưa bãi bỏ tình trạng đại dịch". Xu hướng lây nhiễm vẫn đang diễn ra. Chuyên gia y tế này cho rằng,Chính phủ Indonesia vẫn cần tiếp tục thúc đẩy chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19, đồng thời nhấn mạnh rằng người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách và rửa tay sát khuẩn (3M).
Bệnh nhân COVID-19 nếu được tiêm từ 2 mũi vaccine trở lên có khả năng giảm đáng kể nguy cơ phải trải qua các triệu chứng hậu COVID-19. Đây là kết quả nghiên cứu từ một Đại học của Israel mới công bố. Nghiên cứu cho thấy, những người được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine đã giảm được 50 - 80% nguy cơ mắc 8 trong 10 triệu chứng phổ biến của bệnh nhân hậu COVID-19.
Bốn triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, đau đầu, chân tay yếu, đau nhức cơ đã được giảm lần lượt ở các mức 62%, 50%, 62% và 66%. Một số triệu chứng khác như hụt hơi giảm tới 80%. Với kết quả này, các chuyên gia y tế nhận định, vaccine không chỉ giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh mà còn giúp ngăn các triệu chứng về lâu dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!