Sông Dương Tử ở tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc. (Ảnh: AP)
Thực trạng khai thác cát quá mức trên sông Dương Tử, nơi cung cấp nước cho 1/3 dân số Trung Quốc, được cho là nguyên nhân khiến lượng nước xuống thấp bất thường, dẫn đến hạn hán vào mùa đông trong những năm gần đây.
Việc khai thác cát trên sông, hồ và sông nhánh nối với sông Dương Tử đã ảnh hưởng đến các tuyến đường thủy, khiến chính quyền sở tại gặp khó khăn trong việc kiểm soát lũ lụt vào mùa hè. Theo tuyên bố của cơ quan chức năng Trung Quốc, việc "chấn chỉnh toàn diện" các hoạt động khai thác cát trên sông Dương Tử sẽ giúp chính quyền cải thiện việc kiểm soát lũ lụt và đảm bảo nguồn cung cấp nước.
Chính quyền địa phương đã được lệnh soạn thảo các kế hoạch thích hợp để điều chỉnh việc khai thác cát sao cho đạt hiệu quả hơn, cấm hoặc hạn chế hoạt động này ở các khu vực nhạy cảm. Đồng thời, chính quyền địa phương phải truy quét mạnh tay việc khai thác cát bất hợp pháp cũng như hành động chống lại các băng nhóm liên quan đến hoạt động kinh doanh này.
Tuy nhiên, thông báo không đưa ra lệnh cấm hoàn toàn đối với hoạt động này. Việc khai thác, kinh doanh cát bất hợp pháp là một nguồn thu béo bở trong một khu vực vốn đã bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm đánh bắt cá trên sông.
Việc khai thác cát được cho là đã hạ thấp lòng hồ Poyang, một cửa xả lũ của sông Dương Tử và là một trong những nguồn cung cấp cát sử dụng trong xây dựng lớn nhất thế giới, ít nhất 20m. Phần lớn diện tích hồ hiện nay bị khô cạn vào mùa đông.
Chính quyền tỉnh Giang Tây, địa phương quản lý, giám sát hồ Poyang, đã công bố kế hoạch xây dựng một con đập trên sông vào tháng 1/2021 để nỗ lực điều tiết dòng chảy tốt hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kế hoạch này có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!