Luật Bảo vệ sông Dương Tử chính thức có hiệu lực

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 02/03/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Ngày 1/3, một luật mới ở Trung Quốc có tên, Luật Bảo vệ sông Dương Tử (con sông dài nhất Trung Quốc và cũng là dài nhất châu Á) chính thức có hiệu lực.

Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc, sau nhiều năm đánh giá các tác động đến mức báo động đỏ của quá trình phát triển công nghiệp tới hệ sinh thái lưu vực sông.

Số liệu thống kê cho thấy, lượng rác đổ xuống Dương Tử chiếm khoảng gần 50% tổng lượng rác thải toàn Trung Quốc. Trên bờ, các vùng đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, ô nhiễm tới mức nguy hiểm. Dưới sông, chất lượng nước xuống cấp, nhiều loài cá biến mất. Tình hình được xem là nguy cấp, đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể để giải quyết gốc rễ các vấn đề của khu vực này.

Khu vực vành đai kinh tế sông Dương Tử, nối liền 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh, chiếm 40% dân số và đóng góp hơn 40% GDP toàn Trung Quốc. Những năm qua, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu mối quan hệ giữa bảo vệ hệ sinh thái sông Dương Tử, kết hợp phát triển kinh tế bền vững vùng lưu vực sông. Trong 9 chương của luật mới, có 1 chương cụ thể về phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy các địa phương trong khu vực vành đai sông thực hiện điều chỉnh cơ cấu công nghiệp, hướng đến phát triển bền vững hơn.

Giáo sư Wang Canfa - Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc cho rằng: "Chính quyền cấp tỉnh nên lập kế hoạch các hành động cụ thể để bảo vệ và kiểm soát môi trường. Chính quyền các cấp cần có trách nhiệm chỉ rõ những hoạt động kinh tế nào có thể hoặc không thể làm ở những vị trí cụ thể. Việc cụ thể hóa như vậy sẽ khiến luật dễ triển khai trong thực tế hơn, công luận cũng dễ giám sát hơn".

Luật Bảo vệ sông Dương Tử chính thức có hiệu lực - Ảnh 1.

Đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang (còn gọi là sông Dương Tử). Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Điều luật mới cũng ngăn cấm các hành động khai thác trên sông, áp dụng hình phạt cứng rắn hơn với các hành vi gây nguy hại cho môi trường lưu vực sông. Lấy ví dụ, khai thác cát và đánh cá đã bị cấm trên tất cả các tuyến đường thủy tự nhiên của Dương Tử.

Trước đó, ngày 1/1/2020, Trung Quốc cũng đã chính thức thực thi lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm tại các khu vực chủ chốt của dòng Dương Tử, nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác kiệt quệ nguồn tài nguyên trên sông.

Khu vực vành đai kinh tế sông Dương Tử, bao gồm cả đập Tam Hiệp - công trình thủy điện lớn nhất thế giới, góp hơn 40% GDP cho Trung Quốc. Số liệu đã cho thấy tầm quan trọng của khu vực với an ninh lương thực và năng lượng nước này. Nhưng những ưu điểm kinh tế cũng là những điểm yếu về môi trường. Hệ sinh thái lưu vực Dương Tử đi xuống trầm trọng những năm qua, dẫn theo nhiều hệ lụy khác.

Ô nhiễm công nghiệp dẫn đến tình trạng căng thẳng về nước

Ô nhiễm công nghiệp được cho là nguyên nhân chính, dẫn đến tình trạng căng thẳng về nước ở các địa phương lưu vực sông Dương Tử, đặc biệt là vùng hạ nguồn. Báo cáo cho thấy 6/11 tỉnh thuộc vành đai kinh tế sông Dương Tử, 1/3 dân số Trung Quốc gặp phải căng thẳng về nước.

Luật Bảo vệ sông Dương Tử chính thức có hiệu lực - Ảnh 2.

Mực nước trên sông Dương Tử giảm khoảng 2cm mỗi 5 năm kể từ năm 1980. Nguồn: South China Morning Post

Nước rất nhiều nhưng một phần đáng kể bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp và chất thải, hoặc xử lý chất ô nhiễm kém. Hậu quả là dù ở gần sông, nhưng nước cần cho nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ thì vẫn khan hiếm. Trong đó bao gồm những khu vực kinh tế lớn như Thượng Hải, Hồ Bắc.

Ước tính, nguồn nước uống của hơn nửa tỷ người sống trong khu vực kinh tế sông Dương Tử đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm. Ô nhiễm nước sông cũng đe dọa chất lượng phù sa, nước ngầm và đất đai trong khu vực, phổ biến là tình trạng đất nhiễm nặng chất thải công nghiệp, dẫn đến lo ngại về an ninh lương thực.

Các con sông vốn được ví như những động mạch của thế giới, nhưng những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt tại nhiều hệ thống sông ngòi đã được các nhà khoa học cảnh báo. Theo các nhà khoa học ở Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF, các công trình trên sông và trong lưu vực sông của con người đang bóp nghẹt 75% các con sông dài nhất thế giới. Chỉ còn khoảng 37% trong số 242 con sông dài nhất thế giới còn duy trì dòng chảy tự do, khoảng 50% các sông bị xuống cấp nghiêm trọng do chịu tác động từ hoạt động của con người. Hậu quả thì cũng sẽ là những tác động trực tiếp đến đời sống con người: như thiếu nước ngọt, nhiễm mặn ở hạ lưu, đất đai khô cằn mất khả năng canh tác. Một đạo luật bảo vệ sông như cách Trung Quốc vừa làm có thể không còn là sớm, nhưng ít ra cũng đã được thực hiện trước khi quá muộn.

Trung Quốc chính thức cấm đánh bắt cá ở sông Dương Tử trong 10 năm Trung Quốc chính thức cấm đánh bắt cá ở sông Dương Tử trong 10 năm

VTV.vn - Bắt đầu từ năm 2020, lệnh cấm đánh bắt cá sẽ có hiệu lực đối với 332 khu bảo tồn tại lưu vực sông Dương Tử.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước