Thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản
Tình hình xấu đi từ tuần trước, khi mưa lớn khiến mực nước dâng cao và Chính phủ Trung Quốc đã phải nâng các mức cảnh báo. Giới chức Bộ Thủy lợi Trung Quốc ngày 13/7 cho biết mực nước của 33 con sông đã dâng cao lên mức kỷ lục, trong khi cảnh báo đã được đưa ra đối với 433 con sông.
Theo truyền thông Trung Quốc, thành phố Vũ Hán nằm trong số những khu vực phải theo dõi tình hình nước dâng, khi mực nước sông Dương Tử (Trường Giang) dâng lên mức cao thứ ba trong lịch sử của thành phố 11 triệu dân này. Dự báo mực nước sông sẽ tiếp tục tăng trong tuần này.
Ảnh trên cao chụp ngày 13/7 cho thấy sông Trường Giang đoạn ở Nam Kinh, phía Đông tỉnh Giang Tô của Trung Quốc. Mực nước tại đây đạt 10,1 m vào 16h30 ngày 14/7, vượt mức báo động 1,4 m.
Giới chức đang dự báo sẽ có đợt mưa mới trên toàn khu vực bắt đầu từ ngày 14/7, theo Tân Hoa xã.
Các video trên truyền thông nhà nước Trung Quốc cho thấy nhiều thành phố và thị trấn đã chìm trong nước. Tại một số nơi, nước đã dâng lên nóc các ngôi nhà một tầng và lực lượng cứu hộ phải sơ tán người dân bằng xuồng. Nhiều ngôi nhà đã bị san phẳng do lở đất. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các tỉnh Giang Tây, Hồ Bắc và Hồ Nam ở miền Trung, An Huy, Chiết Giang và Giang Tô ở miền Đông, thành phố Trùng Khánh ở Tây Nam Trung Quốc.
Trong đó, giới chức tỉnh Giang Tây đã đưa ra phản ứng kiểm soát lũ lên cấp 1 vào Chủ nhật, mức cao nhất của trong bảng phản ứng khẩn cấp bốn cấp. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 12/7 cũng đã kêu gọi chính quyền các khu vực bị ảnh hưởng huy động nguồn lực để hỗ trợ người dân.
Nhiều ngôi nhà sụp đổ trong nước lũ. (Ảnh: China Daily)
Những cơn mưa xối xả vốn thường xảy ra vào tháng Bảy và tháng Tám nhưng năm nay lại bắt đầu vào giữa tháng Sáu. Thiệt hại về tài sản ước tính tại 13 tỉnh thành ở Trung Quốc đã lên tới 25,7 tỷ NDT (3,6 tỷ USD) vào cuối tháng 6.
Lo ngại về tình trạng của đập Tam Hiệp
Bất chấp sự trấn an của chính phủ, cư dân dọc theo các con sông của Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về khả năng đập Tam Hiệp có thể vỡ sau khi mưa lớn trút xuống các vùng của đất nước, dù chính quyền đã xả nước lũ từ đập thượng nguồn vào hôm 29/6.
Anh Zhang Jianping, một nhà hoạt động môi trường ở tỉnh Giang Tô trả lời phỏng vấn trên Radio Free Asia: "Kể từ khi đập Tam Hiệp được xây dựng, nó chưa bao giờ đóng vai trò ngăn chặn lũ lụt hay hạn hán như chúng tôi vẫn kỳ vọng".
Đập Tam Hiệp có khả năng vỡ. (Ảnh: Xinhua)
Bất chấp sự phản đối của người dân và các nhà bảo vệ môi trường, đập Tam Hiệp đã được hoàn thành vào năm 2006 sau 12 năm xây dựng. Hàng triệu người trong bán kính xây dựng 600km đã phải di dời, nhường chỗ cho công trình thủy điện và đập lớn nhất thế giới này.
Trung Quốc huy động 7.000 binh lính ứng phó lũ lụt
Hơn 7.000 binh sĩ đã được triển khai đến miền Đông Trung Quốc để tham gia các chiến dịch cứu hộ khẩn cấp và kiểm soát lũ lụt.
Trung Quốc huy động 7.000 binh lính ứng phó lũ lụt. (Ảnh: Reuters)
Theo Tân Hoa Xã ngày 13/7, trong số này, hơn 3.800 binh sĩ được cử đến thành phố Cửu Giang và Bà Dương của tỉnh Giang Tây, nơi họ sẽ đảm nhận việc tuần tra, gia cố đê, sơ tán người dân vùng thiên tai tới nơi an toàn...
Tại thành phố Đồng Lăng, tỉnh An Huy, hơn 1.000 binh sĩ đang cùng lực lượng cứu hộ tại chỗ chạy đua với thời gian để gia cố đê và sơ tán dân thường.
Những trận lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây ở Trung Quốc xảy ra vào năm 1998, cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người, chủ yếu ở các khu vực xung quanh sông Dương Tử.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!