Hình thiết kế trạm nghiên cứu Nam Cực thứ 5 của Trung Quốc. (Ảnh: CCTV)
Đây là đội thám hiểm thứ 40 của Trung Quốc đến Nam Cực. Theo Tân Hoa Xã, đội thám hiểm lần này gồm 460 nhà nghiên cứu thuộc hơn 80 cơ quan của Trung Quốc.
Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai 3 tàu phục vụ sứ mệnh nghiên cứu khoa học Nam Cực. Các tàu này gồm tàu phá băng "Tuyết Long" và "Tuyết Long 2", khởi hành từ Thượng Hải, và tàu chở hàng "Thiên Huệ" khởi hành từ Trương Gia Cảng ở tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc.
Lễ khởi hành chuyến thám hiểm Nam Cực lần thứ 40 của Trung Quốc được Bộ Tài nguyên thiên nhiên nước này tổ chức tại căn cứ thám hiểm địa cực Trung Quốc tại Thượng Hải.
Tàu chở hàng Thiên Huệ khởi hành từ Trương Gia Cảng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 1/11/2023, để tham gia sứ mệnh thám hiểm Nam Cực. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một trong những nhiệm vụ chính trong chuyến thám hiểm lần này là xây dựng một trạm nghiên cứu mới ở Nam Cực gần Biển Ross, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 2/2024. Đây là trạm nghiên cứu Nam Cực thứ năm của Trung Quốc, cũng là trạm nghiên cứu quanh năm thứ ba sau các trạm Trường Thành và Trung Sơn, đồng thời là trạm nghiên cứu đầu tiên hướng với khu vực Thái Bình Dương.
Trạm này sẽ thực hiện việc quan trắc, giám sát và nghiên cứu khoa học đa tầng, đa ngành về môi trường khí quyển, môi trường biển cơ bản, sinh thái sinh học... Sau khi hoàn thành, trạm này dự kiến có thể chứa 80 người vào mùa hè và 30 người vào mùa đông.
Hai nhiệm vụ còn lại là tiến hành điều tra tác động và phản hồi của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái Nam Cực, đồng thời triển khai hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và hỗ trợ hậu cầu với một số quốc gia.
Được biết, Trung Quốc gửi đội thám hiểm đầu tiên đến Nam Cực vào năm 1984 và thiết lập trạm nghiên cứu đầu tiên một năm sau đó. 4 trạm nghiên cứu còn lại của nước này tại Nam Cực gồm Trường Thành, Trung Sơn, Côn Lôn và Thái Sơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!