Đây là nhấn mạnh của chuyên gia cao cấp - Viện sĩ Cao Phúc, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, tại một cuộc họp báo mới đây.
Trên thực tế, Trung Quốc đang tập trung nguồn lực để cải thiện hơn nữa khả năng điều trị tại cơ sở cũng như nâng cao tính chủ động phòng trị của người dân.
Tại thành phố Quảng Châu, tâm dịch lớn nhất Trung Quốc, chính quyền nhiều quận đã khuyến cáo, người dân khi bị sốt nên ở nhà dùng thuốc hạ sốt; khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 nên gọi điện thoại cho đường dây nóng của bệnh viện gần nhà để được tư vấn.
Các bệnh viện ở nhiều tỉnh thành đã khôi phục điều trị cảm sốt như những bệnh thông thường khác. Nhiều nơi bắt đầu dẹp bệnh viện dã chiến. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân tự trang bị thuốc cảm sốt thông thường, mua kit để tự xét nghiệm khi thấy cần cũng như tăng cường sử dụng các dịch vụ bệnh viện trực tuyến để giảm tải cho ngành y tế, đồng thời hạn chế lây nhiễm.
Các địa phương ở Trung Quốc đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch. (Ảnh: Reuters)
Anh Trương Bình, người dân thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc, nói: "Khi phong tỏa, xét nghiệm bị dỡ bỏ, số ca bệnh còn khá cao, tốt hơn là đi nhà thuốc mua một số loại thuốc cảm sốt dự trữ để tự điều trị".
Qua phân lập, biến thể Omicron tại Trung Quốc dù khả năng lây truyền cao nhưng độc lực thấp, tỷ lệ gây bệnh nguy hiểm và tử vong rất thấp. Tại thành phố Quảng Châu, 90% số ca mắc COVID-19 là không triệu chứng nhẹ. Đối với hầu hết ca có triệu chứng, bệnh sẽ cải thiện trong vòng 24 đến 36 giờ.
Với đặc điểm biến chủng độc lực ngày càng nhẹ, cơ quan chức năng Trung Quốc đang từng bước tạo điều kiện cho người dân thích nghi với việc nới lỏng các biện pháp chống dịch và dần tiến tới sống chung với COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!