Nhà máy điện than Giang Du tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
Theo báo cáo của tổ chức môi trường Greenpeace, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã phê duyệt hơn 50 gigawatts (GW) điện than mới. Sau các đợt nắng nóng kỷ lục trên toàn cầu, Trung Quốc đã đẩy nhanh xây dựng thêm các nhà máy điện than mới để giảm thiểu tình trạng thiếu điện. Trung Quốc cam kết, tới năm 2030, điện than sẽ phát triển ở mức độ hợp lý tại nước này. Dự báo, sản lượng điện than của Trung Quốc trong năm nay vẫn tăng mạnh để bù đắp cho các nhà máy thủy điện giảm đến gần 1/4 công suất hoạt động.
Cơ quan Năng lượng quốc tế cho rằng mức độ tiêu thụ than toàn cầu đạt kỷ lục trong năm 2022 phần lớn là tăng mạnh từ châu Á. Bên cạnh tăng nhập khẩu, trong hai năm qua, Trung Quốc cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp khai thác than tăng sản lượng để đảm bảo đủ sản lượng cho các nhà máy điện than.
Được biết, Trung Quốc là quốc gia hàng đầu thế giới về năng lượng tái tạo. Trong nửa đầu năm nay, công suất lắp đặt năng lượng tái tạo của Trung Quốc đạt khoảng 1,32 tỷ kilowatt, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2022. Lần đầu tiên trong lịch sử tổng công suất phát điện từ năng lượng tái tạo đạt 48.8%, vượt công suất của điện than. Tổng vốn đầu tư cho năng lượng mặt trời vào nửa đầu năm 2023 tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, với số vốn gần 19 tỷ USD.
Điện sạch vẫn là xu thế trong dài hạn, nhưng trong chiến lược an ninh năng lượng, Trung Quốc đa dạng nguồn cung cấp. Điện than vẫn được đầu tư phát triển để dự phòng khi cao điểm tiêu thụ mạnh cũng như điều kiện thời tiết cực đoan mà năng lượng tái tạo không phát huy tốt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!