Truy tìm nguồn gốc cơn lốc trà sữa trân châu

Nguyễn Mai (Theo CNN)-Thứ bảy, ngày 30/05/2020 06:28 GMT+7

Hanlin - thương hiệu trà sữa trân châu đầu tiên ở Đài Loan (Trung Quốc)

VTV.vn - Hồng trà sữa hai lần trân châu, thêm thạch pudding, 70% đường, 50% đá, size lớn. Bạn thấy có quen không?

Một thức uống gần như không thể không xuất hiện trong danh sách yêu thích của giới trẻ hiện nay, đó là trà sữa trân châu. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao có hàng chục thương hiệu trà sữa trên đời nhưng chúng vẫn không hết "hot" hay không? Chẳng qua là bạn chỉ đổi từ hãng trà sữa này sang hãng trà sữa khác mà thôi. 

Được phát minh vào những năm 1980, trà sữa trân châu, hay còn được gọi là "trà ngọc trai đen" hay "trà boba", là một tuyệt phẩm của xứ Đài, giờ đã trở thành "chất gây nghiện" gần như trên khắp thế giới. Mặc dù có hàng tá biến thể khác nhau nhưng cốt lõi của thức uống này là sự kết hợp giữa trà, sữa và trân châu - về cơ bản là những hạt nhỏ như viên bi làm từ bột năng hoặc bột sắn, bột gạo, đường, và nguyên liệu không thể thiếu là cacao để tạo màu đen.

Không chỉ dừng lại là những cốc trà sữa đơn thuần, kể từ năm 2018, điển hình là cuối năm ngoái đến nay, trân châu đường đen đã trở thành biểu tượng mới trong danh sách ăn vặt của giới trẻ. Người ta thậm chí đã nghĩ cách kết hợp trân châu đường đen với bánh pudding, bánh bông lan, su kem, bánh tart trứng, bánh bao, bánh kẹp... và cả pizza phủ trân châu đường đen.

Truy tìm nguồn gốc cơn lốc trà sữa trân châu - Ảnh 1.

Trân châu đươc kết hợp trà sữa nhiều vị và các thức uống khác - Ảnh: CNN

Cơn nghiện toàn cầu

Đài truyền hình CNN trích dẫn một thống kê gần đây cho hay, ngành công nghiệp trà sữa trân châu dự kiến sẽ tăng từ gần 2 tỷ USD lên con số khổng lồ 4,3 tỷ USD vào năm 2027.

Đơn đặt hàng trà sữa trân châu ở Đông Nam Á đã ghi nhận mức tăng 3.000% trong năm 2018, cùng lúc đó, đồ uống này đã xuất hiện trong các thực đơn tại các quốc gia bên ngoài châu Á trong một thời gian khá lâu trước đó. Ví dụ, Đức đã thêm trà sữa trân châu vào thực đơn của hãng đồ ăn nhanh McDonald vào năm 2012.

Người hâm mộ của thức uống này tận tâm như thế nào? Gần đây tại Singapore, khi các cửa hàng trà sữa được lệnh đóng cửa tạm thời để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, người ta ghi nhận lượt gọi đơn trà sữa tăng chóng mặt. Bởi ai cũng cố uống một cốc trà sữa trân châu cuối cùng trước khi quán phải tạm thời ngừng kinh doanh.

Truy tìm nguồn gốc cơn lốc trà sữa trân châu - Ảnh 2.

Bánh bông lan trân châu đường đen - món ăn "hot trend" của giới trẻ

Vậy khởi nguồn của trà sữa là từ đâu?

Ngược thời gian quay trở lại những năm 1940.

Sau khi làm việc như một nhà pha chế trong một izakaya ở Đài Loan (Trung Quốc), dưới sự cai trị của Nhật Bản trong Thế chiến II, năm 1949, Chang Fan Shu đã mở một cửa hàng trà bán trà shou yao - là loại trà lắc tay độc đáo được làm bằng máy lắc cocktail.

Kết quả là một loại trà đá phong phú và mượt mà với lớp bọt mịn trên miệng cốc - được gọi là trà bọt ở Đài Loan (Trung Quốc).

Ngày nay, shou yao là một thương hiệu trà sữa "có địa vị" đối với người dân xứ Đài. Đây thực sự là một phát minh mang tính cách mạng vào thời điểm đó bởi nó không chỉ là đồ uống lạnh mới mẻ mà ý tưởng kết hợp "đồ ăn vặt" và đồ uống đã mang đến niềm vui cho mọi người.

Tseng Pin Tsang, nhà nghiên cứu ẩm thực, nói rằng: "Ngoài các sản phẩm trà đóng sẵn, còn có nhiều cửa hàng bán trà sữa trên đường phố và các tiệm trà sữa ở vùng ngoại ô".

Năm 1986, doanh nhân Tu Tsong He quyết định khởi động một dự án kinh doanh mới bằng cách đi theo xu hướng cửa hàng trà sữa. Sau sai lầm kinh doanh trước đây - một nhà hàng lẩu đã phá sản, ông Tu mắc kẹt với khoản nợ 4 triệu Đài tệ, tức khoảng 133.000 USD và rất cần một ý tưởng để thu hút thực khách đến với cửa hàng trà của ông.

"Tôi đang đi chợ Yamuliao ở Đài Nam thì tôi thấy fenyuan - một loại hạt làm từ khoai mì, món ăn nhẹ truyền thống mà tôi yêu thích từ thời thơ ấu", ông Tu nhớ lại. "Tôi tự nghĩ tại sao tôi không thêm một ít hạt fenyuan vào ly trà xanh của mình nhỉ? Những viên bột khoai mỳ trắng trong, dẻo dẻo, hòa vào cốt trà xanh vàng, thật giống như vòng cổ ngọc trai của mẹ tôi".

"Vì vậy, tôi đã đặt tên cho nó là 'zhen zhu lu cha' - tức là trà xanh ngọc trai".

Truy tìm nguồn gốc cơn lốc trà sữa trân châu - Ảnh 3.

Trà sữa trân châu đường đen luôn trong danh sách "must try" của các cửa hàng - Ảnh: CNN

Sau đó, ông Tu đã thử nghiệm tạo nên những viên khoai mì đen và to hơn vào trà sữa để có hương vị đậm đà hơn và cảm giác dai hơn - sau này được gọi là trân châu. Thức uống này nhanh chóng trở thành loại trà sữa trân châu cổ điển mà hầu như bất kỳ người nghiện trà sữa nào cũng từng thử qua.

Những viên trân châu dường như lớn hơn ống hút phổ biến trên thị trường lúc đó, và các khách hàng của ông Tu đã phải dùng thìa để múc chúng. Cuối cùng, ông phải làm việc với một nhà máy nhựa để tùy chỉnh kích cỡ ống hút chỉ chuyên dùng cho trà của cửa hàng. Không chỉ đi đầu, mà còn gần như độc chiếm thị trường trà sữa Đài Loan (Trung Quốc) vào thời điểm đó.

Cửa hàng trà sữa trân châu đầu tiên của ông, được đặt tên Hanlin, khai trương tháng 10 năm 1986.

Ông Tu cho biết, trà sữa trân châu vào thời điểm đó nhanh chóng gây sức hút đến mọi lứa tuổi và giúp ông có doanh thu ổn định. Ông thậm chí còn trả được hết nợ từ quán lẩu bị phá sản trước đây.

Hanlin hiện có 80 chi nhanh trên khắp Đài Loan (Trung Quốc) và có nhiều cửa hàng nhượng quyền thương mại trên khắp thế giới, từ Mỹ, Canada cho đến Trung Quốc lục địa.

Nhưng không phải một mình ông Tu sáng chế ra thức uống thú vị này.

Trong những năm qua, cuộc chiến giành quyền thương hiệu trà sữa trân châu ngày càng nóng lên. Một vụ kiện tụng kéo dài suốt một thập kỷ kể từ năm 2009. Cuộc chiến cuối cùng đã được giải quyết vào năm 2019 với một kết luận khá thất vọng nhưng dĩ hòa cho cả hai bên.

Tòa án quyết định rằng trà sữa trân châu là một thức uống mà bất cứ ai hoặc bất cứ cửa hàng nào cũng đều có thể làm. Do đó, không cần thiết phải tranh luận ai đã tạo ra nó.

Truy tìm nguồn gốc cơn lốc trà sữa trân châu - Ảnh 4.

Trà sữa trân châu được pha chế theo nhiều kiểu mới - Ảnh: CNN

Kỷ nguyên trà sữa trân châu

Các cửa hàng trà trân châu truyền thống cũng đã vào cuộc đua với những thức uống sáng tạo, tiếp tục đa dạng hóa thực đơn của họ. Chẳng hạn, họ thường sử dụng từ "latte" để chỉ loại trà sữa có sữa tươi và "trà sữa" để chỉ đồ uống có chứa kem và trà.

Giờ thì người ta pha trà sữa với siro đủ vị, tùy chỉnh mức đá, đường theo sở thích, hoặc là thêm một lớp kem mặn hay trứng nướng lên trên. Tuy vậy, bỏ qua những "phụ kiện" rườm rà, chỉ trà - sữa và trân châu đã đủ tạo nên một thức uống mang đậm văn hóa Đài Loan (Trung Quốc).

Nếu người Pháp tự hào vì rượu vang, người Đức tự hào vì bia, người Cuba "nở mũi" vì rượu rum, thì người dân xứ Đài cũng tự tin khẳng định "không có trà sữa chân trâu ở đâu ngon bằng uống trên chính mảnh đất nó được khai sinh".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước