Từng là hình mẫu phòng, chống COVID-19, Đức trở thành điểm bùng phát dịch "nóng" nhất châu Âu

Huệ Anh (Theo The New York Times)-Thứ bảy, ngày 13/11/2021 16:15 GMT+7

VTV.vn - Những người dân nói "không" với tiêm vaccine được coi là nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư tại Đức.

Bệnh viện Đại học Giessen, một trong những cơ sở khám và điều trị bệnh phổi hàng đầu nước Đức, đang phải hoạt động hết công suất sau khi ghi nhận số bệnh nhân mắc COVID-19 mới tăng cao gấp ba trong những tuần gần đây. Hầu hết những bệnh nhân này phải cần đến sự hỗ trợ của máy thở và dĩ nhiên, đều chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.

"Tôi tự hỏi tại sao họ lại không tiêm phòng?", bác sĩ Susanne Herold, lãnh đạo khoa truyền nhiễm cho biết. "Đây đều là những người không tin vào vaccine, không tin chính phủ cũng như các chiến dịch vận động tiêm chủng trên toàn quốc".

Từng là hình mẫu phòng, chống COVID-19, Đức trở thành điểm bùng phát dịch nóng nhất châu Âu - Ảnh 1.

Những người dân nói "không" với tiêm vaccine đang được coi là nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư tại Đức (Nguồn: The New York Times)

Những người dân Đức nói "không" với tiêm vaccine này đang được coi là nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư tại quốc gia vốn được coi là hình mẫu trong phòng, chống dịch bệnh. Theo số liệu do Viện Robert Koch (RKI) công bố ngày 11/11, trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận hơn 50.000 ca mắc mới và 235 ca tử vong. Đức theo đó vượt Nga và trở thành điểm lây nhiễm COVID-19 "nóng" nhất châu Âu.

"Đại dịch của những người chưa được tiêm chủng"

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Đức được nhiều chuyên gia đánh giá là hình mẫu trong nỗ lực đối phó với đại dịch nhờ khả năng kiểm soát tốt số ca tử vong, đẩy nhanh quá trình xét nghiệm diện rộng và tăng số phòng điều trị tích cực (ICU) cho các bệnh nhân thể nặng. Tuy nhiên, việc chậm triển khai tiêm vaccine tăng cường, nhất là trong những tháng mùa đông, kết hợp với xu hướng gia tăng số ca bệnh mới ở các quốc gia Đông Âu như Cộng hoà Séc, đã khiến Đức đánh mất hoàn toàn thành quả chống dịch trước đó.

Từng là hình mẫu phòng, chống COVID-19, Đức trở thành điểm bùng phát dịch nóng nhất châu Âu - Ảnh 2.

Nếu so sánh với Tây Âu và một số khu vực khác, tỷ lệ tiêm chủng của Đức đang thuộc nhóm thấp nhất (Nguồn: Hindustantimes)

"Đó là do tỷ lệ tiêm chủng của chúng tôi còn thấp. Nước Đức đã không làm những gì mà nó nên làm" - bác sĩ Herold chia sẻ. Trước đó, bà cùng nhóm nghiên cứu của mình cũng đã đưa cảnh báo về khả năng siêu lây nhiễm của biến thể Delta, đồng thời cho rằng ít nhất 85% dân số cần được tiêm chủng để hệ thống y tế có thể giảm bớt áp lực.

"Hiện chưa đến 70% dân số được tiêm chủng. Không biết làm thế nào để Đức có thể chiến thắng làn sóng lây nhiễm thứ tư này. Tôi e rằng chúng ta đã thua cuộc rồi".

Dữ liệu cho thấy tỷ lệ tiêm chủng của Đức cao hơn nhiều so với một số quốc gia Trung và Đông Âu - khu vực đang ghi nhận số ca tử vong tăng vọt do COVID-19. Tuy nhiên, khi so sánh với Tây Âu và một số khu vực khác, tỷ lệ tiêm chủng của Đức lại thuộc nhóm thấp nhất do 1/3 dân số chưa được chủng ngừa đầy đủ. Trong khi đó, tại Bỉ, Đan Mạch hay Italy, ¾ dân số đã được tiêm hai liều vaccine COVID-19. Tại Tây Ban Nha và Iceland, số người chưa được tiêm mũi thứ hai chỉ chiếm 20% dân số. Tỷ lệ tiêm chủng của Bồ Đào Nha cũng rất cao, đạt gần 90%.

Từng là hình mẫu phòng, chống COVID-19, Đức trở thành điểm bùng phát dịch nóng nhất châu Âu - Ảnh 3.

Nước Đức đang trải qua một "Đại dịch của những người chưa được tiêm chủng" (Nguồn: Sky News)

Theo Bộ trưởng Y tế Đức, nước này đang trải qua một "đại dịch của những người chưa được tiêm chủng". Số ca nhiễm đang gia tăng đột biến tại Bavaria và Baden-Wurttemberg - hai bang miền Nam nổi lên với phong trào Querdenker chống vaccine cũng như phản đối các biện pháp phòng dịch của giới chức Đức.

Ông Markus Soder, Thống đốc bang Bavaria cho rằng, nước Đức đang tồn tại "hai loại virus" - đó là SARS-CoV-2 và "thông tin độc hại" từ chính những người bài xích vaccine.

Ví dụ điển hình phải kể đến thị trấn Pirna tại bang Sachsen. Thị trấn chưa đầy 40.000 người này từng chứng kiến làn sóng phản đối vaccine dữ dội vào những ngày cuối cùng của đợt phong tỏa. Sachsen sau đó trở thành bang có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất. Số ca mắc COVID-19 mới tính trên đầu người hiện cũng đang ở ngưỡng cao nhất cả nước. Thị trưởng của Pirna, ông Klaus-Peter Hanke cho biết: "Mức độ người dân sẵn sàng đi tiêm chủng ở đây rất thấp. Chúng tôi đã cố gắng giải quyết bằng đối thoại nhưng không có tiến triển".

Từng là hình mẫu phòng, chống COVID-19, Đức trở thành điểm bùng phát dịch nóng nhất châu Âu - Ảnh 4.

Người dân Đức biểu tình phản đối các biện pháp phòng, chống dịch của chính phủ (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, một số nhà hàng tại thị trấn vẫn trưng biển sẵn sàng đón "tất cả thực khách", kể cả những người chưa được tiêm chủng. Giới chức địa phương đã buộc phải huy động 10 đội kiểm soát tại các nhà hàng, quán bar và tiệm làm tóc để phạt chế tài những trường hợp không tuân thủ quy định phòng dịch. Nếu bị phát hiện vi phạm, chủ cơ sở kinh doanh sẽ bị phạt khoảng 570 USD. Khách hàng sẽ mất từ 171-194 USD.

"Biện pháp này khá quyết liệt, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác để khiến mọi người thay đổi", ông Hanke nhấn mạnh.

Một số bang khác của Đức cũng thực hiện biện pháp tương tự, yêu cầu người dân đeo khẩu trang và bắt buộc xuất trình chứng nhận tiêm chủng khi đến nhiều địa điểm, thay vì chỉ cần giấy xét nghiệm âm tính như trước. Song theo Sandra Ciesek, giám đốc Viện Virus Y học tại Bệnh viện Đại học Frankfurt, điều này là chưa đủ trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Ông cho rằng Đức nên áp dụng thêm các biện pháp cứng rắn hơn, ví dụ như phong tỏa một phần các khu vực chưa tiêm chủng, hoặc thậm chí là phong tỏa cả nước trong thời gian ngắn.

Chính phủ không muốn có đợt phong tỏa mới

Tuy nhiên, theo ông Volker Wieland, chuyên gia thuộc Viện Ổn định tiền tệ và tài chính Đức, đa số các nghị sỹ đều không muốn áp đặt lệnh phong toả mới. "Xem xét tỷ lệ tiêm chủng và những quy định hiện hành, chúng tôi nghĩ nền kinh tế sẽ không chịu quá nhiều thiệt hại trong mùa đông này. Cho tới thời điểm hiện tại, chính phủ vẫn không muốn bất kỳ đợt phong toả mới nào".

Từng là hình mẫu phòng, chống COVID-19, Đức trở thành điểm bùng phát dịch nóng nhất châu Âu - Ảnh 5.

Cho đến thời điểm hiện tại, Đức không muốn có đợt phong toả mới (Nguồn: Reuters)

Thay vào đó, Quốc hội Đức đề xuất một dự luật mới, cho phép thực thi và siết chặt các biện pháp phòng dịch hiện hành, như bắt buộc đeo khẩu ở các không gian công cộng trong nhà. Đức cũng muốn mở lại các trung tâm tiêm chủng và khôi phục việc xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2. Ông Olaf Scholz, người dự kiến sẽ được bầu làm Thủ tướng Đức vào đầu tháng 12 tới, cho biết chính phủ liên bang và thủ hiến của 16 bang của Đức sẽ gặp nhau vào tuần tới để thảo luận về các vấn đề này.

Hiện tại, Đức vẫn đang trong quá trình hoàn thiện bộ máy chính quyền chuyển tiếp. Nhiều thách thức còn ở phía trước khi chính quyền mới này chưa thể sớm ổn định để tập trung toàn lực vào cuộc chiến chống COVID-19. Thủ tướng Merkel giờ đây chỉ là người đứng đầu chính phủ tạm thời, trong khi người lãnh đạo kế nhiệm tiềm năng là ông Olaf Scholz lại đang bị cuốn vào các cuộc đàm phán thành lập liên minh với hai đảng khác.

Từng là hình mẫu phòng, chống COVID-19, Đức trở thành điểm bùng phát dịch nóng nhất châu Âu - Ảnh 6.

Nhiều thách thức đang được đặt ra trong bối cảnh chính quyền mới của nước Đức chưa thể sớm ổn định (Nguồn: Reuters)

"Bà Angela Merkel ở đâu?", "Ông Olaf Scholz ở đâu?" – câu hỏi xuất hiện trên tờ Der Spiegel mới đây cũng chính là thắc mắc của nhiều chuyên gia y tế Đức trong bối cảnh chính trường nước này đang ở trạng thái "lấp lửng".

Trước đó, chuyên gia dịch tễ học cấp cao nhất của Đức, ông Christian Drosten cũng lên tiếng kêu gọi một hành động khẩn cấp từ phía chính phủ. Số ca mắc mới mỗi ngày sẽ không chỉ dừng lại ở ngưỡng 50.000, mà có thể chạm mốc 100.000 nếu Đức không sớm có những biện pháp ngăn chặn tốc độ lây lăn của virus SARS-CoV-2. "Chúng ta đang ở trong một tình thế khẩn cấp thực sự khi hàng triệu người Đức vẫn chưa tiêm chủng" – ông Drosten nhấn mạnh.

Đức ghi nhận kỷ lục 50.196 ca mắc mới COVID-19/ngày Đức ghi nhận kỷ lục 50.196 ca mắc mới COVID-19/ngày

VTV.vn - Đức đã báo cáo kỷ lục 50.196 ca mắc COVID-19 mới vào ngày 11/11, số người nhiễm mới cao trong bốn ngày liên tiếp khi đợt dịch thứ tư diễn ra tại nước này.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước