Tương lai nào cho Wagner sau vụ nổi loạn?

Quang Duy-Chủ nhật, ngày 02/07/2023 12:23 GMT+7

Tương lai nào cho Wagner sau vụ nổi loạn

VTV.vn - Sau các diễn biến ồn ào từ cuộc nổi dậy và màn "quay xe" bất ngờ của Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner. Câu hỏi lớn bây giờ là số phận lực lượng này sẽ ra sao?


Câu trả lời đầu tiên đã được đưa ra bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong bài phát biểu trên truyền hình tối 26/6, người đứng đầu Điện Kremlin cho biết, mặc dù những phần tử tổ chức cuộc binh biến đã phản bội đất nước, nhưng "đa số chiến binh và chỉ huy trong tập đoàn Wagner là những người Nga yêu nước". Ông Putin cũng nêu rõ những lựa chọn, các thành viên của Wagner có cơ hội tiếp tục phục vụ nước Nga bằng cách ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng hay các cơ quan thực thi pháp luật khác, hoặc trở về với gia đình và bạn bè của mình. Ai muốn có thể đến Belarus.

Thông tin tiếp theo được xác nhận là Wagner sẽ không còn tham chiến tại Ukraine. Nhà lập pháp Andrei Kartapolov, chủ tịch Ủy ban quốc phòng của Hạ viện Nga, cho biết Wagner sẽ không còn chiến đấu ở Ukraine vì ông trùm Prigozhin đã từ chối ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Kartapolov giải thích: "Vài ngày trước khi xảy ra cuộc nổi loạn, Bộ Quốc phòng nói rằng tất cả các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chiến đấu phải ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng. Mọi người tuân thủ quyết định này ngoại trừ ông Prigozhin".

Bộ Quốc phòng Nga hiện đã yêu cầu Wagner bàn giao lại cho quân đội các khí tài hạng nặng đã được cấp, dù chưa nêu rõ thông tin chi tiết về quá trình chuyển giao. Một số lượng chưa xác định trong số 25 nghìn binh sĩ của Wagner được cho là sẽ ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga, và tiếp tục đóng vai trò là một nhóm chiến đấu hiệu quả, giàu kinh nghiệm trong quân đội nước này.

Giới chức Duma Quốc gia Nga đang xem xét một dự thảo luật điều chỉnh hoạt động của Wagner. Tuy nhiên, chính phủ Nga được cho là sẽ không dễ dàng giải tán Wagner để tránh gây ra xáo trộn lớn, đặc biệt là khi tổ chức này đang hiện diện ở nhiều điểm nóng tại Trung Đông và châu Phi, góp phần tăng cường tầm ảnh hưởng của Nga

Ngày 26/6, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố tập đoàn này vẫn tiếp tục hoạt động ở Mali và Trung Phi. Maxime Audinet, làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Học viện Quân sự Pháp, cho rằng trong những năm gần đây, Wagner đã trở thành nhân tố chính trong sự hiện diện của Nga ở châu Phi. Nhóm này có vai trò tác động đáng kể đến chính phủ, truyền thông và giới kinh doanh. Tầm ảnh hưởng này là kết quả của nhiều năm chiến lược và chưa thể bị gạt bỏ chỉ trong vài tuần lễ.

Theo tờ Les Echos của Pháp, sử dụng lực lượng lính đánh thuê là cách giúp Nga tránh lặp lại chiến dịch "động viên từng phần" hồi tháng 9/2022 gây xôn xao trong xã hội. Bằng cách cho phép Prigozhin tuyển mộ hàng nghìn lính từ tù nhân, giới chức Nga tìm được giải pháp cho vấn đề bổ sung quân số và tránh kích động dư luận. Xét tới bối cảnh này, không một đội quân tư nhân nào có thể so sánh với Wagner.

Prigozhin sẽ ở lại hay ra đi sau đó? Nhiều nhà phân tích cho rằng nhân vật này chỉ tạm thời lưu lại Belarus rồi sẽ sang châu Phi, nơi Wagner hoạt động. Phân tích của AFP cho thấy chi tiết hơn vai trò của Wagner ở các điểm nóng châu Phi bao gồm Cộng hòa Trung Phi, Lybia và Sudan.

Cộng hòa Trung Phi phụ thuộc rất lớn vào lực lượng bán vũ trang Nga. Các binh lính của lực lượng này còn đảm nhiệm bảo vệ cá nhân cho Tổng thống Faustin-Archange Touadéra. Wagner có mặt tại Mali từ năm 2021 với khoảng 1.500 quân, đã tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền quân sự, tham gia huấn luyện binh lính cũng như các hoạt động chống lại các nhóm khủng bố ở nước này.

Ở châu Phi, quân của Prigozhin cũng đã được xác định có mặt tại Libya, Sudan hoặc Mozambique. Kể từ khi Wagner đến châu Phi, nhóm bán quân sự này thường xuyên bị Liên hợp quốc (LHQ), các tổ chức phi chính phủ quốc tế và Paris cáo buộc là có hành vi lạm dụng và phạm tội ác đối với dân thường.

Để tăng cường sự hiện diện, lực lượng bán vũ trang này đã triển khai cùng một chiến lược: Mở các chiến dịch thông tin sai lệch về các các cường quốc thực dân cũ và đề nghị bảo đảm an ninh để đổi lấy việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực nuôi cỗ máy chiến tranh của Prigozhin đồng thời cũng phục vụ lợi ích của Điện Kremlin.

Tại Sudan, quan hệ đối tác giữa Wagner và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) do nhân vật số hai của chính quyền, Tướng Mohammed Hamdan Daglo lãnh đạo, đã cho phép lực lượng bán vũ trang này thu được nguồn lợi lớn từ buôn lậu vàng.

Bên cạnh đó, lực lượng Wagner vấp phải nhiều chỉ trích từ các hoạt động tại Mali. Ngày 30/6, Mỹ cho biết họ lo ngại về các hoạt động gây bất ổn của Tập đoàn Wagner của Nga ở châu Phi và cáo buộc lãnh đạo của lực lượng lính đánh thuê này đã giúp dàn dựng việc buộc các nhân viên gìn giữ hòa bình của LHQ rút khỏi Mali. Người phát ngôn an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby nói rằng Mỹ có thông tin cho thấy chính phủ chuyển tiếp của Mali đã trả hơn 200 triệu USD cho Wagner kể từ cuối năm 2021. Ông cho biết lãnh đạo Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin, đã tác động đến việc buộc của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Mali (MINUSMA) phải rời khỏi nước này, "để tăng cường lợi ích của Wagner".

Hội đồng Bảo an LHQ hôm 30/6 đã bỏ phiếu để kết thúc phái bộ. Đầu tháng này, Mali đã yêu cầu MINUSMA rời đi "không chậm trễ", với lý do "khủng hoảng niềm tin" giữa chính quyền Mali và phái bộ của LHQ.

Những diễn biến này đã dẫn tới sự lo ngại của các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt là Ba Lan và Litva, những quốc gia có chung biên giới với Belarus. Các nước này hy vọng, mối đe dọa từ Wagner sẽ là một trọng tâm trong chương trình nghị sự thượng đỉnh của NATO vào tháng 7. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về hệ quả lâu dài của những động thái mới đây xung quanh Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner. Ông Stoltenberg cũng khẳng định khối này sẽ giám sát hoạt động của Wagner ở Belarus, đảm bảo rằng liên minh sẽ sẵn sàng hậu thuẫn và bảo vệ các quốc gia thành viên.

Theo Sputniknews, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 28/6 cũng thận trọng khi bình luận về những tác động an ninh của việc Wagner chuyển tới Belarus có thể gây ra với NATO. Phát biểu họp báo với người đồng cấp Bắc Macedonia, Dimitar Kovachevski ở Berlin, ông Scholz nói: "Đó là một tình huống mà chúng tôi đang hết sức quan tâm theo dõi, nhưng đồng thời, chúng tôi tự tin rằng mình có thể bảo vệ lãnh thổ của chính mình. Lời hứa bảo vệ từng centimet lãnh thổ NATO trong trường hợp bị tấn công liên quan đến tất cả các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, tôi không dự đoán có những thay đổi đối với tình hình vào lúc này".

Tuy vậy, các hoạt động tại nước ngoài của Wagner giờ đây cũng sẽ không còn thuận lợi như trước. Chính phủ Mỹ vừa ban bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào các thực thể được mô tả là có liên quan trực tiếp đến hoạt động tài chính của Wagner ở châu Phi. Các chuyên gia dự báo, tận dụng sự rạn nứt trong quan hệ giữa Wagner và chính phủ Nga, các nước phương Tây sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên lực lượng này, nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Nga ở nước ngoài, mà không cần phải trực tiếp đối đầu với Mátxcơva.

Nguồn tham khảo: Sputnik News, Reuters, AP, AFP

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước