TS. Hà Anh Tuấn - ThS. Nguyễn Thuỳ Anh-Thứ ba, ngày 21/07/2020 15:03 GMT+7
Giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung tăng nhiệt trên nhiều mặt trận, ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra tuyên bố "làm rõ quan điểm của Mỹ về yêu sách các vùng biển ở Biển Đông", khẳng định các hoạt động của Trung Quốc đe doạ, cản trở các nước yêu sách ở khu vực nhằm kiểm soát nguồn tài nguyên biển là hoàn toàn phi pháp. Sự kiện này có thể đánh dấu một bước chuyển trong ý chí chính trị của Mỹ ở Biển Đông, là bản dạo đầu cho những hoạt động tiếp theo trong thời gian tới.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 14/7 cho rằng, tuyên bố của ông Pompeo "đi ngược lại cam kết của chính phủ Mỹ về giữ lập trường trung lập đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông".
Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung vì thế có thể gay gắt hơn ở Biển Đông.
Củng cố lập trường nhất quán
Nhiều chuyên gia Trung Quốc và quốc tế nhận định, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ thể hiện sự thay đổi quan trọng trong chính sách Biển Đông của Mỹ, đảo ngược lập trường trung lập với các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, nhìn lại lập trường của Mỹ, ít nhất từ năm 1995 đến nay, có thể thấy, tuyên bố ngày 13/7 về bản chất vẫn là sự tiếp nối chính sách của nước này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (Ảnh: Business Insider)
Tháng 5/1995, trong bối cảnh sự kiện bãi Vành Khăn khiến tình hình Biển Đông nóng lên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố khẳng định 5 điểm trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông, bao gồm: (i) giải quyết hòa bình các tranh chấp, (ii) duy trì môi trường hòa bình và ổn định, (iii) đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, (iv) trung lập trong yêu sách chủ quyền và (v) tôn trọng luật pháp quốc tế. Từ đó đến nay, các nguyên tắc này vẫn được coi là nền tảng trong các văn bản và tuyên bố chính sách của Mỹ liên quan đến Biển Đông.
Tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Pompeo không có luận điểm nào rời xa các nguyên tắc nêu trên. Như Trợ lý Ngoại trưởng David Stilwell phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) ngày 14/7, Mỹ chỉ đang đơn thuần "củng cố cách tiếp cận của mình đối với Biển Đông".
Tiến sĩ Gregory Poling (CSIS) cũng nhận định, về cơ bản, tuyên bố của ông Pompeo vẫn tiếp tục nguyên tắc trung lập về vấn đề chủ quyền với các thực thể ở Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ không còn giữ im lặng về yêu sách phi pháp của Trung Quốc với các vùng biển.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell phát biểu tại Hội thảo của CSIS ngày 14/7/2020 (Nguồn: CSIS)
Quan điểm "nhất trí với quyết định của Tòa Trọng tài về yêu sách vùng biển của Trung Quốc ở Biển Đông" trong tuyên bố ngày 13/7 cũng chỉ kế thừa tinh thần ủng hộ phán quyết nói riêng và luật pháp quốc tế nói chung ở Biển Đông trong các tuyên bố trước đây của Mỹ.
Từ năm 2016, ngay sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, Mỹ ra tuyên bố, phán quyết là "cuối cùng và có ràng buộc pháp lý" đối với cả hai bên Trung Quốc và Philippines. Tháng 7/2019, nhân kỷ niệm 3 năm sau phán quyết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, phán quyết là thắng lợi của luật pháp ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, thể hiện lợi ích của Mỹ và các nước khác trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ. Gần đây nhất, Công thư ngày 1/6/2020 của Trưởng Phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc gửi lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thể hiện rõ sự ủng hộ và khẳng định tầm quan trọng của phán quyết.
Toà Trọng tài ra Phán quyết ngày 12/7/2016 trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông (Nguồn: The Diplomat)
Cuối cùng, xu hướng nhấn mạnh đến việc tôn trọng quyền chủ quyền của các nước yêu sách ở khu vực với các nguồn tài nguyên biển đã bắt đầu xuất hiện từ trước khi Mỹ công bố tuyên bố ngày 13/7.
Tháng 3/2019, Ngoại trưởng Mike Pompeo có tuyên bố chỉ trích Trung Quốc ngăn chặn phát triển năng lượng trên Biển Đông. Trong các sự việc HD08 giữa Trung Quốc với Việt Nam tháng 7/2019, với Malaysia tháng 5/2020, chính giới Mỹ đều có tuyên bố nhanh và mạnh phê phán hành động của Trung Quốc cản trở hoạt động khai thác dầu khí của các nước và cần chấm dứt hành vi bắt nạt, khiêu khích và gây bất ổn như vậy.
Tuy trung thành với các nguyên tắc đã có, tuyên bố của ông Pompeo đã làm rõ và tăng thực chất cho lập trường của Mỹ.
Mỹ cũng bổ sung hàm lượng pháp lý cho việc chỉ trích Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông bằng việc nêu rõ cơ sở cho cáo buộc yêu sách vùng biển của Trung Quốc và các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp thay vì đơn thuần phê phán các hành động này là mang tính nguy hiểm, gây hấn, gia tăng căng thẳng hay ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực.
So với Công thư gửi lên Liên Hợp Quốc ngày 1/6, Mỹ cũng tiến thêm một bước trong việc làm rõ hơn phản đối của Mỹ với các yêu sách vùng biển của Trung Quốc. Không chỉ dừng lại ở việc phản đối bất kỳ yêu sách nào với các vùng biển được xác định từ việc gộp chung các đảo ở Biển Đông thành quần đảo và phản đối yêu sách vùng biển dựa trên các thực thể không phải là đảo theo điều 121(1) của UNCLOS, Mỹ đã "điểm mặt gọi tên" chi tiết, bác bỏ yêu sách vùng biển của Trung Quốc tại các khu vực cụ thể như bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam, bãi Luconia ngoài khai Malaysia, bãi Scarborough ngoài khơi Philippines.
Mỹ khẳng định, Trung Quốc không có quyền can thiệp vào việc sử dụng hợp pháp tài nguyên của các nước trong vùng EEZ của các nước này và không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với các bãi Vành Khăn, Cỏ Mây và Tăng Mẫu.
Bản dạo đầu mới?
Tuy nhất quán về lập trường, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo có thể tạo ra bước ngoặt lớn về chính trị, mở đường cho các tuyên bố và hành động quyết liệt hơn của Mỹ ở Biển Đông trong thời gian tới.
Theo Peter Dutton (Học viện Hải chiến Mỹ), tuyên bố ngày 13/7 là bước ngoặt về chính trị hơn là chính sách bởi với Tuyên bố này, Mỹ đã trực tiếp đối đầu với Trung Quốc về tính phi pháp của yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bonnie Glasser (CSIS) nhận định, lập trường này của Mỹ tạo cơ sở pháp lý để nước này phản ứng một cách mạnh mẽ hơn với các hành vi quấy rối của Trung Quốc với các nước yêu sách khác.
Zack Cooper (Viện Doanh nghiệp Mỹ) cũng cho rằng: "Việc Mỹ làm rõ chính sách mở đường cho các động thái sắp tới của Mỹ về trừng phạt các hành động của Trung Quốc, đặc biệt là các hành động can thiệp vào việc khai thác dầu khí và nguồn cá của các nước yêu sách trong khu vực".
Bản thân Trợ lý Ngoại trưởng David Stilwell trong phát biểu tại CSIS cũng ngầm hé lộ một số khả năng triển khai chính sách của Mỹ trong thời gian tới, bao gồm việc trừng phạt các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, can dự vào tiến trình COC, yêu cầu tiến trình này minh bạch hơn và vận động các nước thực hiện các hoạt động kinh tế trong vùng biển hợp pháp của mình.
Từ vài năm trước, nhiều học giả và chính trị gia Mỹ đã từng nêu vấn đề trừng phạt các công ty và cá nhân cụ thể của Trung Quốc do tham gia các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Học giả Patrick Cronin và Thượng Nghị sỹ Marco Rubio từng đề xuất cấm vận một số công ty của Trung Quốc như Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc và các công ty con, phong toả tài sản các công ty này tại Mỹ và không cho phép quan chức các công ty này làm ăn tại Mỹ.
Với việc một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ như David Stiwell đưa ra các ẩn ý trong phát biểu của mình, khả năng Mỹ tiến hành các biện pháp cứng rắn cụ thể đối với Trung Quốc ở Biển Đông là không thể loại trừ.
Không chỉ tạo cơ sở cho các phản ứng mạnh mẽ tiếp theo của Mỹ đối với Trung Quốc ở Biển Đông, tuyên bố ngày 13/7 của Mỹ còn là động lực thúc đẩy các nước trong và ngoài khu vực bày tỏ và cụ thể hoá lập trường đối với vấn đề Biển Đông và gia tăng niềm tin vào luật pháp quốc tế.
Tuyên bố của ông Pompeo liên tiếp nhận được sự đồng tình từ nhiều nước. Ngày 14/7, Ngoại trưởng Nhật Bản hoan nghênh tuyên bố của Mỹ, chỉ ra các nước liên quan cần tuân thủ phán quyết. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng ra tuyên bố ủng hộ lập trường của Mỹ về các yêu sách biển ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (Nguồn: Philstar)
Tuy không đề cập đến phán quyết nhưng Australia và Ấn Độ ngày 16/7 cũng nhấn mạnh đến việc ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải ở Biển Đông. Trong cùng ngày 16/7, Indonesia và Malaysia cũng có tuyên bố khẳng định luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 là khía cạnh then chốt cần phải được tuân thủ bởi tất cả các bên.
UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển
Ngày 15/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu "hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế" và khẳng định "UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương".
Bằng tuyên bố này, Việt Nam thêm một lần nữa chia sẻ quan điểm với nhiều nước rằng luật pháp quốc tế là kim chỉ nam cho hành động của các bên ở Biển Đông.
Cần khẳng định lại rõ, Mỹ không đứng về phía Việt Nam hay bất kỳ quốc gia yêu sách nào ở Biển Đông. Tuyên bố ngày 13/7 của Mỹ là tuyên bố đứng về phía luật pháp quốc tế, về UNCLOS 1982 để chống lại các yêu sách vùng biển phi pháp. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, các tuyên bố hướng đến tinh thần thượng tôn pháp luật mang đến nhiều ý nghĩa tích cực cho khu vực, tái khẳng định vai trò của UNCLOS và củng cố niềm tin của các nước vào việc sử dụng luật pháp quốc tế để thúc đẩy hợp tác và giải quyết hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông.
TS. Hà Anh Tuấn - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông
ThS. Nguyễn Thuỳ Anh - Nghiên cứu viên Viện Biển Đông
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!