Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: AP)
Nếu được Quốc hội Ukraine thông qua, dự luật sẽ ngăn hàng hóa của Iran quá cảnh tại Ukraine và ngăn Iran sử dụng không phận nước này, đồng thời áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt thương mại, tài chính và công nghệ khác đối với Iran cũng như công dân Iran, theo ông Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Ngoài ra, luật cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran trong lĩnh vực thương mại, tài chính và công nghệ đối với các thực thể và công dân nước này.
Từ năm 2022, Kiev và các đồng minh phương Tây liên tục cáo buộc Iran cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng trong cuộc xung đột tại Ukraine, trong đó có hàng trăm máy bay không người lái (UAV). Tuy nhiên, Tehran phủ nhận, khẳng định chỉ chuyển UAV cho Moscow trước khi chiến sự nổ ra. Nga cũng tuyên bố chỉ sử dụng UAV nội địa tập kích Ukraine.
Ukraine cho biết, Nga vào ngày 28/5 tiến hành một cuộc tập kích bằng UAV lớn nhất từ trước tới nay vào thủ đô Kiev, sử dụng 54 UAV do Iran cung cấp, nhưng 52 chiếc trong số này đã bị bắn hạ.
Mảnh vỡ của một UAV mà chính quyền Ukraine coi là máy bay không người lái tự sát Shahed-136 do Iran sản xuất, ở Kharkiv, Ukraine, ngày 6/10/2022. (Ảnh: Reuters)
Phản ứng sau tuyên bố của Tổng thống Ukraine, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho rằng đây là "hình thức đổ lỗi" nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận và là một "chiêu trò chính trị" kết hợp với những cáo buộc vô căn cứ nhằm "thu hút thêm viên trợ quân sự, tài chính từ phương Tây".
"Iran luôn phản đối cuộc chiến ở Ukraine và lấy làm tiếc về những đau khổ của người dân Ukraine", ông Kanaani nói. "Chúng tôi nhấn mạnh cần tìm giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc chiến càng sớm càng tốt và Iran sẵn sàng hỗ trợ để hiện thực hóa điều đó".
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, các cáo buộc của Ukraine là "vô giá trị", đồng thời chỉ trích Kiev "né tránh các cuộc đàm phán chuyên nghiệp với Tehran để điều tra những tuyên bố vô căn cứ".
Nga và Iran bắt đầu hợp tác quân sự từ năm 2001, nhưng dừng lại vào tháng 3/2016 sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết cấm xuất khẩu vũ khí thông thường và công nghệ liên quan đến hệ thống triển khai vũ khí hạt nhân đến Iran, cũng như cấm quốc gia Trung Đông xuất khẩu vũ khí.
Hội đồng Bảo an tháng 8/2020 bác đề xuất gia hạn lệnh cấm bán vũ khí cho Iran do Mỹ đưa ra. Sau khi lệnh cấm hết hiệu lực, Nga cung cấp cho Iran nhiều loại vũ khí hiện đại. Iran vào ngày 10/3 thông báo, nước này đã hoàn tất thỏa thuận mua tiêm kích Su-35S của Nga.
Nga từ tháng 10/2022 tăng cường dùng UAV Geran-2 tập kích Ukraine. Geran-2 được đánh giá có kích thước và hình dáng giống mẫu Shahed-136, khiến phương Tây nhiều lần cáo buộc Nga sử dụng UAV tự sát của Iran trên chiến trường Ukraine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!