Ứng dụng truy vết tiếp xúc: Hướng đi mới nhiều tiềm năng trong cuộc chiến chống COVID-19

Việt Linh - Quang Duy (Tổng hợp Nikkei, CNBC, MIT Review, Guardian & BBC)-Thứ sáu, ngày 14/08/2020 09:41 GMT+7

Phát triển ứng dụng truy vết tiếp xúc đang trở thành xu hướng được nhiều quốc gia quan tâm. (Nguồn: CNBC)

VTV.vn - Tương tự ứng dụng Bluezone tại Việt Nam, nhiều ứng dụng truy vết tiếp xúc đang được nhiều quốc gia triển khai nhằm kiểm soát tốt hơn nguy cơ lây lan dịch COVID-19.

Ứng dụng truy vết - Phương thức ngăn ngừa dịch bệnh bằng công nghệ

Theo thống kê từ đại học MIT (Mỹ), hiện đã có khoảng hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ triển khai các ứng dụng truy vết thông tin chính thức, như một biện pháp nhằm phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 trong cộng đồng.

Dù có nhiều nhà phát triển và khung cơ chế khác nhau, về cơ bản, các ứng dụng này hoạt động trên một nguyên lý chung: sử dụng kết hợp công nghệ bluetooth và định vị GPS trên điện thoại thông minh của người dùng.

Sau khi được cấp quyền, ứng dụng sẽ bật định vị GPS và kết nối Bluetooth, quét và ghi nhận lại việc tiếp xúc với những người dùng khác bằng cách gửi tín hiệu mã code vào điện thoại của nhau, cũng như xác định địa điểm và thời gian của các tiếp xúc được ghi nhận.

Ứng dụng truy vết tiếp xúc: Hướng đi mới nhiều tiềm năng trong cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 1.

Yêu cầu cấp quyền sử dụng bluetooth trên ứng dụng truy vết tiếp xúc của Anh. (nguồn: BBC)

Trong trường hợp một người đã cài ứng dụng được xác định mắc COVID-19 (trở thành F0), thông tin của họ sẽ được cập nhật lên hệ thống. Khi đó, những người mà F0 từng tiếp xúc gần (xác định qua tín hiệu bluetooth) cũng sẽ được hệ thống cảnh báo để tự cách ly và khai báo y tế, tránh lây lan trong cộng đồng. Cơ quan chức năng cũng có thể nắm được lịch sử đi lại của F0 này, thông qua truy vấn dữ liệu GPS.

Trong bối cảnh nhiều nước đang nỗ lực khởi động lại nền kinh tế sau thời gian đóng cửa vì COVID-19, truy vết tiếp xúc là một vấn đề cực kỳ quan trọng nhằm kiểm soát nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Bởi vậy mà các hướng đi mới như sử dụng ứng dụng cũng đã được đặc biệt quan tâm.

Một số chuyên gia của CNBC còn đưa ra dự báo, hướng đi này có thể phát triển tới cấp độ doanh nghiệp, cho ra đời các ứng dụng truy vết phòng ngừa dịch bệnh cho từng công ty, và trở thành một thị trường hấp dẫn trị giá hàng tỷ USD.

Những thành công bước đầu

Hầu hết các chuyên gia cho rằng, vẫn còn là quá sớm để đánh giá hiệu quả phòng chống dịch của các ứng dụng truy vết tiếp xúc. Tuy nhiên, một số quốc gia đã có thể cảm thấy hài lòng, khi các ứng dụng này được nhiều người dân quan tâm và ủng hộ.

Đức và Cộng hòa Ireland hiện được đánh giá là 2 trong số những nước thành công nhất trong việc triển khai ứng dụng truy vết của mình.

Mới được tung ra hồi tháng 7, ứng dụng COVID Tracker của Ireland đã thu hút 1,3 triệu lượt tải chỉ trong hơn 1 tuần (tức chiếm gần 1/3 dân số) – tần suất tải về nhanh nhất tính trên đầu người tại châu Âu. Ông Seán L’Estrange, một chuyên gia về truy vết tại Đại học University College Dublin đánh giá: "Con số này cho thấy độ tin cậy của ứng dụng, thái độ ủng hộ với nỗ lực của chính phủ và sự nhiệt tình tham gia các dự án chung của người dân".

Ứng dụng truy vết tiếp xúc: Hướng đi mới nhiều tiềm năng trong cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 2.

COVID Tracker của Ireland hiện được đánh giá là một trong những ứng dụng truy vết được triển khai tốt nhất. (Nguồn: Guardian)

Chi phí phát triển ứng dụng của Ireland cũng chỉ tiêu tốn khoảng 850 nghìn Euro – một con số không đáng kể so với những khoản chi chống dịch khác. Vùng Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh và lãnh thổ Gibraltar cũng lựa chọn nhà phát triển ứng dụng của Cộng hòa Ireland để làm ứng dụng tương tự cho mình sau thành công này.

Trong khi đó, ứng dụng Corona-Warn-App của Đức cũng đã thu về 13 triệu lượt tải sau 3 tuần ra mắt. Thủ tướng Angela Merkel đã gọi đây là một "công cụ quan trọng" nhằm "chặn đứng chuỗi lây nhiễm" COVID-19 tại Đức.

Ứng dụng truy vết tiếp xúc: Hướng đi mới nhiều tiềm năng trong cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 3.

Ứng dụng truy vết của Ấn Độ có hơn 130 triệu lượt tải sau hơn 2 tháng triển khai (Nguồn: CNBC)

Ấn Độ cũng đã ghi nhận thành công bước đầu từ việc phát triển ứng dụng truy vết. Mang tên Aarogya Setu, đây là ứng dụng về y tế được tải về nhiều nhất thế giới hiện nay, với hơn 131 triệu lượt tải sau hơn 2 tháng triển khai. Chính phủ nước này cho biết ứng dụng đã cảnh báo hơn 900 nghìn người dân tự cách ly – một con số đáng kể khi nước này hiện đã là tâm dịch lớn thứ 3 thế giới với hơn 2 triệu ca mắc bệnh.

Đa phần giới chuyên gia vẫn giữ thái độ thận trọng, tuy nhiên những thành công bước đầu này vẫn được xem là tích cực, bởi chìa khóa thành công của các ứng dụng truy vết chính là lượng người dùng. Theo ước tính, các nước sẽ cần từ 50-60% người dân cài đặt để những ứng dụng này phát huy tác dụng tối đa trong truy vết và cảnh báo.

Vấn đề bảo mật dữ liệu ngày càng được nâng cao

Ngay từ khi bắt đầu phát triển, các ứng dụng truy vết đã phải đối mặt với nhiều câu hỏi về độ bảo mật, khi ứng dụng này sẽ thu thập và lưu trữ các thông tin về đi lại, tiếp xúc, và cả thông tin y tế của người dùng. Nắm bắt những mối quan tâm này, ngày càng nhiều quốc gia và nhà phát triển ứng dụng đưa ra các cam kết về phương thức bảo đảm an toàn dữ liệu người dùng và tránh thu thập trái phép.

Ứng dụng truy vết tiếp xúc: Hướng đi mới nhiều tiềm năng trong cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 4.

Singapore cam kết ứng dụng truy vết chỉ lưu dữ liệu người dùng trên điện thoại trong 21 ngày. (Nguồn: Nikkei)

Theo thống kê của Wikipedia, đa số các ứng dụng truy vết hiện nay đều phát triển dưới hình thức mã nguồn mở để đảm bảo tính minh bạch. Một số quốc gia như Singapore đưa ra cam kết dữ liệu người dùng sẽ chỉ được lưu trữ ngay trên điện thoại của họ và xóa sau 21 ngày. Ứng dụng của Đức cũng đã được thay đổi từ phương thức lưu trữ dữ liệu trung tâm sang lưu trữ phi tập trung trên máy người dùng, nhằm tăng cường an toàn dữ liệu.

Một nỗ lực đáng chú ý giúp các ứng dụng truy vết tiếp xúc hoạt động hiệu quả và an toàn hơn, đã được 2 ông lớn công nghệ Google và Apple công bố hồi tháng 5. Công nghệ này cho phép các máy điện thoại thuộc 2 nền tảng Android (do Google phát triển) và iOS (của Apple) có thể giao tiếp dễ dàng và ổn định hơn thông qua kết nối bluetooth. Đồng thời công nghệ này cũng đặt ra các tiêu chuẩn, để những ứng dụng vận hành trên nền tảng của nó chỉ hoạt động được khi đảm bảo an toàn dữ liệu của người dùng.

Ứng dụng truy vết tiếp xúc: Hướng đi mới nhiều tiềm năng trong cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 5.

2 tập đoàn Google và Apple "bắt tay" đưa ra công nghệ hỗ trợ truy vết tiếp xúc. (Nguồn: TechCrunch)

Ngay sau khi công nghệ của Apple và Google được giới thiệu hoàn toàn miễn phí, nhiều nước đã quyết định sử dụng tính năng mới vào các ứng dụng mình đang phát triển. Thụy Sỹ là nước đầu tiên tung ra ứng dụng dựa trên công nghệ này vào tháng 5. Ngay cả Anh, vốn đã thử nghiệm diện rộng ứng dụng truy vết riêng của mình trên đảo Wight với hơn 50 nghìn lượt tải về, cũng đã quyết định chuyển sang công nghệ này khi đánh giá các lợi thế của nó.

Lẽ dĩ nhiên, như các chuyên gia đã khuyến cáo, không thể phóng đại sức mạnh và tầm quan trọng của ứng dụng truy vết so với các biện pháp phòng dịch khác. Nhưng khi được ứng dụng hợp lý, bảo mật tốt và được số đông người dân quan tâm, đây có thể là một công cụ hữu ích không chỉ trong cuộc chiến chống COVID-19, mà còn chống các dịch bệnh tiềm tàng trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước