Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) hôm 15/3 cảnh báo rằng sẽ "mất nhiều năm" trước khi Dải Gaza được đưa trở lại an toàn.
Tổ chức này cho biết các cuộc tấn công của Israel đã để lại gần 23 triệu tấn gạch vụn và vũ khí chưa nổ, điều này sẽ tiếp tục gây ra mối đe dọa trong tương lai.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), các đối tác hành động về bom mìn hiện đang "tiến hành đánh giá những mối đe dọa bom mìn nổ" và tuyên truyền cho người dân Gaza về những mối nguy hiểm.
Tuy nhiên, "những nỗ lực ứng phó đã bị cản trở bởi các hạn chế trong việc nhập khẩu vật tư hỗ trợ hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo và yêu cầu cấp phép để triển khai nhân sự chuyên môn".
Liên hợp quốc nhận định hoạt động quân sự hiện tại của Israel ở Dải Gaza không chỉ dẫn đến số người chết chưa từng có, khiến hơn 1,5 triệu người phải sơ tán mà còn ghi nhận tình trạng phá hủy cơ sở hạ tầng trên diện rộng.
Khi Israel tiếp tục ném bom không ngừng vào vùng đất của người Palestine, ước tính từ hình ảnh vệ tinh cho thấy hơn 150.000 tòa nhà và nhà cửa đã bị hư hại và phá hủy. Con số này được cho là chiếm tới hơn một nửa tổng số công trình trong khu vực rộng 365 km2 - nơi sinh sống của 2,3 triệu người ở Gaza.
Trên khắp Gaza, các khu dân cư bị bỏ hoang, trường học và trường đại học bị phá hủy, đường sá không thể đi lại được, dịch vụ cấp nước và những dịch vụ thiết yếu khác không còn hoạt động.
Liên hợp quốc cho biết trong tất cả các lĩnh vực, hoạt động kinh tế ở khu vực này đã bị đình trệ hoàn toàn, ngoại trừ các dịch vụ y tế và thực phẩm tối thiểu, tác động đến phúc lợi hộ gia đình vô cùng lớn.
Phần lớn thiệt hại do các hoạt động quân sự trước đây của Israel ở Dải Gaza vẫn chưa được khắc phục, làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Không chỉ những tòa nhà, bệnh viện, trường học, đường sá và cơ sở hạ tầng khác bị ảnh hưởng, cuộc chiến Israel - Hamas đã hủy hoại các gia đình và sinh kế của họ, khiến hàng nghìn người bị thương, cuộc sống bất ổn, lều trại ở tạm mọc lên, đặc biệt là xung quanh thành phố Rafah ở phía Nam Gaza, nơi nhiều người đã sơ tán tới đây.
Các cơ quan viện trợ cũng cảnh báo về tác động nghiêm trọng mà cuộc chiến đang gây ra đối với cả sức khỏe thể chất và tinh thần của người Palestine.
Khi Israel phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để cho phép nhiều viện trợ hơn vào vùng đất này, Liên hợp quốc ước tính rằng hơn 0,5 triệu người dân Gaza đang phải đối mặt với nạn đói, đồng thời có khoảng 17.000 trẻ em Palestine hiện không có người lớn đi kèm hoặc bị tách khỏi cha mẹ.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhận định tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em tại Gaza đang lan rộng và nhanh chóng đạt đến mức độ tàn khốc chưa từng có.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhiều lần lên tiếng về sự cần thiết phải có "lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức" ở Gaza và gần đây nhắc lại lời kêu gọi các bên tham chiến hãy đình chiến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!