Vaccine COVID-19 cho các nước nghèo: Cần hơn 30 tỷ USD, mới chỉ nhận được 1/10

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 27/06/2020 09:12 GMT+7

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp (Ảnh minh họa: AP)

VTV.vn - Liên minh chống COVID-19 do WHO đứng đầu cần hơn 31 tỷ USD trong vòng 12 tháng tới để phát triển và tiến hành các thử nghiệm, điều trị cũng như vaccine.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đến nay mới nhận 1/10 khoản tiền này. Như vậy, hiện còn thiếu gần 28 tỷ USD, trong đó một nửa là khoản tiền cần gấp.

Số tiền này cần để giúp WHO tăng quy mô xét nghiệm lên 500 triệu ca và 245 triệu khóa điều trị cho các nước có thu nhập trung bình và thấp vào giữa năm 2021.

Sáng kiến của WHO nhằm nâng số liều vaccine lên 2 tỷ liều, trong đó 1 tỷ liều được dành cho các nước có thu nhập trung bình và thấp vào cuối năm 2021.

Hiện WHO đang hợp tác với một liên minh lớn gồm các tổ chức phát triển và phân phối thuốc trong khuôn khổ sáng kiến ACT-Accelarator được khởi xướng hồi tháng 4 vừa qua nhằm đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị chống COVID-19.

Vaccine COVID-19 cho các nước nghèo: Cần hơn 30 tỷ USD, mới chỉ nhận được 1/10 - Ảnh 1.

(Ảnh: AP)

Tuy nhiên, chỉ các nước giàu có như Mỹ và châu Âu đang đầu tư tài chính theo các mức độ khác nhau vào những dự án tìm kiếm vaccine COVID-19 có tiềm năng nhất. Nếu có hiệu quả, những quốc gia đầu tư này sẽ được hưởng ưu tiên số liều đầu tiên cho người dân của mình.

Theo WHO và các tổ chức y tế toàn cầu, dịch bệnh COVID-19 vẫn là mối đe dọa cướp đi mạng sống của hàng triệu người và tác động mạnh đến nền kinh tế.

Theo thống kê của Worldometers, tính đến thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 496.000 người trong tổng số trên 9,8 triệu ca mắc bệnh trên toàn cầu.

Nhiều "ứng viên" vaccine bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng

Ứng viên tiềm năng, vaccine do hãng dược Moderna đồng phát triển với Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) phát triển sẽ được đưa ra thử nghiệm trên quy mô lớn, với sự tham gia của 30.000 tình nguyện viên. Vaccine của Moderna dựa trên RNA thông tin, sử dụng tế bào người, "hướng dẫn" cơ thể tạo ra các ‘protein gai’ tương tự virus SARS-CoV-2. Từ đó, nó kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể chống lại virus, nồng độ bằng với người đã khỏi bệnh.

Công ty công nghệ sinh học Sinovac Biotech cũng tuyên bố nghiên cứu giai đoạn cuối được tiến hành tại Brazil trong tháng tới. Chính quyền Sao Paulo cho biết đơn vị này đã vận chuyển đủ lượng vaccine để thử nghiệm trên 9.000 người. Sinovac sử dụng công nghệ truyền thống, nuôi cấy và bất hoạt virus trong phòng thí nghiệm. Đây là hình thức điều chế tồn tại qua nhiều thập kỷ, dùng cho vaccine bại liệt, cúm và một số mầm bệnh khác.

Cả hai hãng dược chưa công bố kết quả chi tiết nghiên cứu trước đó, ở quy mô nhỏ hơn, vốn để đánh giá tác dụng phụ và nồng độ kháng thể sản sinh sau khi dùng vaccine.

Hai "ứng viên" khác sẽ tiến đến thử nghiệm giai đoạn cuối vào tháng 8. Một vaccine được phát triển bởi hãng dược Johnson & Johnson. Loại còn lại do Đại học Oxford hợp tác với công ty sinh học AstraZeneca điều chế.

Các chuyên gia nhận định, cuộc đua tìm ra phương thức ngăn ngừa COVID-19 đang diễn ra cực kỳ nhanh chóng.



Trung Quốc và Nga đạt tiến triển trong điều chế vaccine ngừa COVID-19 Trung Quốc và Nga đạt tiến triển trong điều chế vaccine ngừa COVID-19 Sanofi đầu tư 425 triệu USD, tăng tốc trong cuộc đua  phát triển vaccine COVID-19 Sanofi đầu tư 425 triệu USD, tăng tốc trong cuộc đua phát triển vaccine COVID-19 Trung Quốc thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine ngừa COVID-19 trên người Trung Quốc thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine ngừa COVID-19 trên người


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước