Xét chung lại về mặt y tế, về nỗ lực chống dịch toàn cầu, điều này có thể gây khó khăn cho mục đích chung. Tạm thời, ý tưởng của WHO về một cơ chế mang tên COVAX, giúp phân phối vaccine ngừa COVID-19 một cách công bằng hơn, đang được đánh giá như giải pháp hy vọng có thể khắc phục phần nào tình trạng này.
Hy vọng để chấm dứt đại dịch COVID-19 là vaccine, nhưng có vaccine và có đủ vaccine cho tất cả mọi người lại là câu chuyện rất khác.
Theo thống kê mới nhất của WHO, thế giới có hơn 150 ứng cử viên vaccine COVID-19 đang được phát triển, trong số này 30 là ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Và tới khi được chứng nhận an toàn và có thể phân bổ đại chúng thì chắc chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Vaccine có thể không đến được với những người cần được bảo vệ nhất, mà sẽ tới với những người trả giá cao nhất.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO: "Vaccine chỉ có hiệu quả khi nó mang tới lợi ích cho toàn bộ cộng đồng, phải được chia sẻ. Thế giới muốn hồi phục, phải hồi phục cùng nhau. Toàn cầu hóa không có nghĩa là 1 góc nọ, hay 1 vài quốc gia kia hết bệnh là được".
Hãng dược phẩm Sanofi đặt tổng hành dinh tại Paris và được Pháp tài trợ qua hình thức trợ thuế. Ảnh: Reuters.
Chúng ta sẽ không bao giờ an toàn, cho tới khi tất cả được an toàn. Đó là lý do COVAX ra đời. Đây là 1 cơ chế hợp tác quốc tế của WHO, để nghiên cứu và sản xuất vaccine. Hiện COVAX có hơn 165 quốc gia tham gia, trong đó có 75 quốc gia phát triển. Những nước này sẽ được yêu cầu đầu tư 1 khoản ngay khi gia nhập COVAX. 90 thành viên còn lại của COVAX là những quốc gia có thu nhập thấp, sẽ không cần tiền đầu tư, mà vẫn được đảm bảo suất mua vaccine. Những quốc gia tham gia sẽ được phân phối vaccine đủ cho 20% dân số ngay trong năm 2021.
Theo COVAX, nếu chính phủ đơn lẻ quyết định tự tập trung nguồn lực vào phát triển vaccine sẽ có nguy cơ thất bại lớn hơn. Thay vào đó là nên hùn chung vào một nỗ lực toàn cầu, để có 1 danh sách vaccine thử nghiệm đa dạng hơn. COVAX như 1 dạng mua chung, tập trung được càng nhiều người mua thì cơ hội có vaccine giá hợp lý, quy mô sản xuất lớn càng được đảm bảo. Trong khi rủi ro lại được hạn chế.
COVAX ước tính giá cho 1 liều vaccine COVID-19 sẽ là không quá 40 USD. Mỹ, Trung Quốc và Nga không tham gia vì cho rằng có thể tự có thỏa thuận mua vaccine rẻ hơn. Còn Liên minh châu Âu EU thì sẵn sàng hỗ trợ tiền cho COVAX, nhưng cũng sẽ không mua vaccine do COVAX sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!