Vấn đề tài chính đe dọa quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn?

Thanh Hiệp (VTV24)-Thứ hai, ngày 25/11/2019 15:32 GMT+7

VTV.vn - Quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc, Nhật Bản đang có dấu hiệu xấu đi sau khi Washington đưa ra những yêu cầu cứng rắn về mức đóng góp quân sự.

"Chiếc xe liên minh" trật bánh?

Các cuộc đàm phán về việc chia sẻ chi phí quốc phòng giữa Mỹ và các nước đồng minh chưa bao giờ diễn ra êm đẹp. Với Hàn Quốc, cuộc thương lượng hồi năm 2018 đã buộc Seoul phải chấp nhận tăng 8% hỗ trợ tài chính cho sự hiện diện của 28 nghìn lính Mỹ tại nước này. Một kết quả khiến chính giới Hàn Quốc bất bình, còn dư luận Mỹ cũng không khỏi lo ngại về việc Tổng thống Donald Trump đang hủy hoại một liên minh đã kéo dài suốt gần 70 năm qua.

Vấn đề tài chính đe dọa quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn? - Ảnh 1.

Thế nhưng, đó cũng chỉ là một "ổ gà" nho nhỏ, nếu so sánh với những gì vừa diễn ra. "Chiếc xe" liên minh Mỹ - Hàn Quốc đang có những dấu hiệu trật bánh thực sự sau khi Tổng thống Trump yêu cầu Seoul tăng mức đóng góp quân sự từ 890 triệu USD hiện nay lên 4,7 tỷ USD – một mức tăng gần 500%. Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris gọi con số này là "một yêu cầu hoàn toàn hợp lý" nếu xét đến quy mô nền kinh tế 1,6 nghìn tỷ USD của nước này. Chính quyền Tổng thống Moon Jae In dĩ nhiên từ chối yêu cầu này, khiến phía Mỹ bỏ về trước, kéo theo sự sụp đổ của cuộc đàm phán hôm 19/11.

Không chỉ Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản cũng đứng trước sức ép tương tự. Chỉ ít ngày trước đó, Washington đã kêu gọi Tokyo tăng gấp bốn lần chi phí hàng năm cho lực lượng Mỹ đóng tại nước này, từ 2 tỷ USD lên 8 tỷ USD. Một yêu cầu mà giới chức Nhật Bản cho rằng "không thực tế". Điều này cũng làm dấy lên những đồn đoán về việc Tổng thống Donald Trump sẽ áp dụng cách tiếp cận tương tự với các đồng minh châu Âu, đặc biệt là Đức, khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào đầu tháng 12 tới.

Những hành khách không vé?

Với Tổng thống Trump, các đồng minh như Hàn Quốc hay Nhật Bản giống như những "hành khách đi không vé" trên chuyến xe an ninh của Mỹ. Và theo các chuyên gia, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump yêu cầu đồng minh của mình phải gia tăng đóng góp chi phí quốc phòng là điều hợp lý và cần thiết trong dài hạn.

Về mặt lịch sử, các siêu cường thường không trợ cấp cho các quốc gia phụ thuộc vào mình về mặt an ninh, và chính sách mà Washington đã triển khai kể từ cuối thập niên 1940 có thể coi là một ngoại lệ. Bản thân các nhà lãnh đạo Mỹ từ lâu đã phàn nàn về việc các đồng minh hưởng lợi quá nhiều từ sự bảo vệ của nước này. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng lại ở lời nói, chứ chưa đi vào các hành động mang tính thực chất.

Vấn đề tài chính đe dọa quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn? - Ảnh 2.

Ngay cả Tổng thống Donald Trump sau khi lên nắm quyền, cũng đã không vội vã thực hiện các cam kết mà ông đã đưa ra khi tranh cử: buộc các nước phải trả tiền để nhận được sự bảo vệ của Mỹ. Thay vào đó, một trong những hành động đầu tiên của ông sau khi lên nắm quyền là phái Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tới trấn an các đồng minh NATO và Đông Á về cam kết của Washington. Cũng như các chính quyền tiền nhiệm, Tổng thống Donald Trump phải loay hoay với bài toán: giảm gánh nặng đóng góp của Mỹ đối với các liên minh quân sự, nhưng đồng thời cũng củng cố quan hệ với các quốc gia đồng minh.

Vấn đề tài chính đe dọa quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn? - Ảnh 3.

Tại Đông Bắc Á, vấn đề đóng góp chi phí quân sự của Hàn Quốc ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ giới chính Mỹ. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu có hợp lý khi nước Mỹ tiếp tục bảo vệ Hàn Quốc – một quốc gia có dân số đông gấp đôi và nền kinh tế lớn hơn từ 40 – 50 lần so với Triều Tiên? Hàn Quốc rõ ràng có cả tiềm lực tài chính và khả năng công nghệ để xây dựng bất kỳ lực lượng quân sự nào mà nước này cần, để bảo vệ nền an ninh của mình.

Còn với Nhật Bản, việc duy trì liên minh vững chắc vẫn là rất cần thiết trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ cả về kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mối quan hệ hợp tác an ninh Mỹ - Nhật Bản cần có những sự thay đổi lớn. Tokyo cần phải loại bỏ việc tự giới hạn tỷ lệ chi tiêu quốc phòng không quá 1% GDP hàng năm. Là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và có vai trò quan trọng tại khu vực Đông Bắc Á, đã đến lúc Nhật Bản trở thành một quốc gia có nền quân sự tương xứng với vị thế chính trị và kinh tế. Liên minh Mỹ - Nhật Bản phải trở thành một liên minh mang tính thực chất hơn, thay vì mối quan hệ giữa nước bảo trợ và nước phụ thuộc về mặt an ninh.

Gánh nặng hay lợi ích tài chính?

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump cần nhìn nhận chính xác hơn những nỗ lực về mặt tài chính cho hoạt động quốc phòng của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các số liệu thống kê cho thấy, Hàn Quốc hiện đang chi 2,6% GDP của mình cho quốc phòng, cao hơn bất kỳ đồng minh châu Âu nào của Mỹ, và con số này vẫn đang có xu hướng tăng lên. Theo ước tính, vào năm 2022, Hàn Quốc sẽ là quốc gia đứng thứ 5 hoặc thứ 6 thế giới về chi tiêu cho hoạt động quốc phòng. Chuyên gia Eric Gomez của Viện nghiên cứu Cato nhận xét "Tôi nghĩ Hàn Quốc không đáng bị chỉ trích. Điều này sẽ khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên và người Hàn Quốc cảm thấy tức giận. Thực tế là Hàn Quốc là một trong những đồng minh tốt nhất của Mỹ, xét trên khía cạnh tự tăng cường khả năng quốc phòng."

Trong khi đó, Nhật Bản hiện vẫn phải giới hạn chi tiêu cho quốc phòng ở mức không quá 1% GDP hàng năm do các quy định của hiến pháp nước này. Tuy nhiên, với việc có quy mô nền kinh tế lớn hơn, Nhật Bản thậm chí còn chi tiêu cho quân sự nhiều hơn Hàn Quốc trong năm 2018.

Bên cạnh việc chi trả phần lớn chi phí liên quan tới sự hiện diện của lính Mỹ, cả Seoul và Tokyo cũng đóng góp phần lớn ngân sách cho các dự án quân sự của Mỹ trong khu vực. Nhật Bản đóng góp phần lớn chi phí cho các cơ sở của quân đội Mỹ tại Futenma và Iwakuni, cùng 1/3 chi phí cho căn cứ thủy quân lục chiến mới ở Guam. Trong khi đó, Hàn Quốc đóng góp 10 tỷ USD, tương đương 93% chi phí xây dựng căn cứ Humphreys – căn cứ lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài.

Chi tiêu của Nhật Bản, Hàn Quốc cho hoạt động quốc phòng trong năm 2018:

Nhật Bản 47,3 tỷ USD (1% GDP)

Hàn Quốc 39,2 tỷ USD (2,6% GDP)

Đóng góp tài chính của Nhật Bản, Hàn Quốc cho việc xây dựng các căn cứ Mỹ:

Nhật Bản:

Căn cứ Futenma, Okinawa (12,1 tỷ USD – 100% chi phí)

Căn cứ Iwakuni (4,8 tỷ USD – 94% chi phí)

Căn cứ Thủy quân lục chiến tại Guam (3,1 tỷ USD – 36% chi phí)

Hàn Quốc:

Căn cứ Humphreys (10 tỷ USD – 93% chi phí)

(Nguồn National Interest)

Cả hai đồng thời cũng là bạn hàng lớn của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Trong suốt 4 năm qua, Hàn Quốc đã chi 13 tỷ USD để mua vũ khí, trang bị từ Mỹ. Các thiết bị quân sự của Mỹ, bao gồm cả các máy bay chiến đấu F-35 và V-22 Osprey, cũng chiếm tới 90% danh mục mua sắm của Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Theo CNN, trong khi Tổng thống Trump có vẻ như luôn tin rằng, việc rút quân khỏi Hàn Quốc hay Nhật Bản có thể giúp tiết kiệm các chi phí cho nước Mỹ, nhiều quan chức Mỹ không đồng tình với quan điểm này. Bởi trên thực tế, lực lượng này luôn cần được chi trả chi phí bất kể họ được triển khai ở đâu, kể cả trong lãnh thổ Mỹ. Trong phiên điều trần năm 2016 trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Tướng Vincent Brooks, khi đó đang được đề cử vị trí tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, khẳng định đưa binh sĩ về Mỹ "chắc chắn" tốn kém hơn so với việc để họ đồn trú tại Hàn Quốc.

Vấn đề tài chính đe dọa quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn? - Ảnh 4.

Còn theo ông James Zumwalt – một cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ, "việc Mỹ rút lực lượng quân đội đóng tại Nhật Bản về nước, sẽ khiến ngân sách chính phủ lãng phí nhiều hơn. Nước Mỹ khi đó sẽ phải chi trả các khoản chi phí như tiền lương cho 24 nghìn nhân viên dân sự và chi phí tiện ích cho gia đình các quân nhân".

Không đơn giản là vấn đề tiền

Tuy vậy, đóng góp tài chính của các đồng minh liệu có phải là điều duy nhất mà nước Mỹ cần bận tâm?

Theo National Interest, việc bảo vệ các lợi ích quốc gia của Mỹ tại châu Á đòi hỏi quân đội Mỹ phải duy trì được các căn cứ và quyền tiếp cận đầy đủ ở khu vực, nhằm sẵn sàng triển khai lực lượng bất cứ khi nào cần. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần duy trì các liên minh và mối quan hệ hợp tác an ninh chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác trong khu vực. Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á cũng là tín hiệu rõ ràng nhất về cam kết của Washington, nhằm bảo vệ các đồng minh, và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng nhấn mạnh những lợi thế vô giá mà các liên minh mạnh mẽ mang lại. Chiến lược Quốc phòng của Mỹ lưu ý rằng, "mạng lưới liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ vẫn là xương sống của an ninh toàn cầu" thông qua việc "cung cấp quyền tiếp cận vào các khu vực quan trọng, hỗ trợ một hệ thống căn cứ và hậu cần rộng khắp". Việc sở hữu các căn cứ và mối quan hệ đồng minh chặt chẽ với Nhật Bản, Hàn Quốc là vô cùng quan trọng đối với Mỹ trong việc kiềm chế các đối thủ như Trung Quốc, Nga hay xử lý vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc gây căng thẳng trong quan hệ với Seoul hay Tokyo về vấn đề đóng góp chi phí quốc phòng, có thể coi là "lợi bất cập hại" đối với Washington.

Mặc dù các bên liên quan đều ra sức phủ nhận, những thông tin về việc Mỹ cân nhắc rút bớt quân khỏi Hàn Quốc, hay trước đó là xem xét rút khỏi Hiệp ước quốc phòng với Nhật Bản, có thể coi là những dấu hiệu rõ ràng về sự rạn nứt trong khối liên minh giữa Mỹ và các quốc gia Đông Bắc Á.

Vấn đề tài chính đe dọa quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn? - Ảnh 5.

Tại Hàn Quốc, các khảo sát gần đây cho thấy, 80% người dân vẫn có cái nhìn tích cực về nước Mỹ, và 91% ủng hộ sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, có tới 96% phản đối yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Hàn Quốc phải tăng phần đóng góp chi phí cho quân đội Mỹ tại nước này. Giới truyền thông Hàn Quốc cũng ngày càng có xu hướng chỉ trích mạnh mẽ cách tiếp cận này của chính phủ Mỹ. Với Nhật Bản, phản ứng có vẻ thận trọng hơn, bởi nước này hiện vẫn còn nhiều thời gian để đàm phán với Mỹ và có thể tùy thuộc vào những tiến triển giữa Mỹ và Hàn Quốc để đưa ra những bước đi của mình.

Mỹ đẩy đồng minh lại gần Trung Quốc

Những khúc mắc giữa Mỹ và các đồng minh, có thể trở thành cơ hội tốt cho Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Mỹ. Theo Telegraph, hôm 17/11, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Bangkok (Thái Lan), Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã đồng ý theo đuổi một sự hợp tác quân sự chặt chẽ hơn - bao gồm các đường dây nóng quân sự và liên lạc quốc phòng. Trong khi khả năng xuất hiện một liên minh Trung - Hàn vẫn là khá thấp, việc Seoul xích lại gần Bắc Kinh hơn để tìm kiếm sự hỗ trợ về an ninh là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra, nếu mối quan hệ với Washington tiếp tục xấu đi như hiện nay.

Vấn đề tài chính đe dọa quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn? - Ảnh 6.

Ông Soo Kim, cựu chuyên viên phân tích tình báo Mỹ hiện làm việc tại RAND Corporation, cho biết nếu Hàn Quốc trở thành đối tác quốc phòng của Trung Quốc, cán cân quyền lực của khu vực sẽ thay đổi: "Thậm chí ngay cả khi hai bên không ký một thỏa thuận, việc chính phủ Hàn Quốc sẵn sàng công khai về động thái tiềm năng này cho thấy, họ muốn gửi tín hiệu cảnh báo đến Mỹ rằng, mình vẫn còn những lựa chọn khác".

Còn theo nhà phân tích Derek Grossman, việc mất mối quan hệ đối tác quốc phòng với Hàn Quốc vào tay Trung Quốc đơn giản là điều không thể chấp nhận được đối với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Washington, vốn được xây dựng để cạnh tranh quyết liệt với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.

Và trong hoàn cảnh đó, việc tranh cãi với các đồng minh về vấn đề chi phí quân sự, dường như là một hành động tiềm ẩn nhiều rủi ro. Như Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill đã từng nói: "Chỉ có một điều tồi tệ hơn việc "chiến đấu" với các đồng minh, đó là chiến đấu mà không có họ bên cạnh!".

(Nguồn: National Interest, CNN, South China Morning Post, Foreign Policy, The Telegraph)

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước