Vấn nạn buôn người vượt Địa Trung Hải ngày càng nhức nhối

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 20/06/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Một con tàu nhồi nhét hàng trăm người, gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã bị lật ở ngoài khơi bờ biển Hy Lạp tuần trước trong hành trình trên đường tới Italy.

Đây là vụ đắm tàu mới nhất và những số liệu mới nhất cho thấy nó có thể là vụ việc gây chết người nhiều nhất trong nhiều năm qua, liên quan tới vấn nạn buôn người vượt biển Địa Trung Hải đang ngày càng nhức nhối.

Ngày 19/6, Chủ tịch Thượng viện Pakistan cho biết, hơn 300 công dân Pakistan là nạn nhân đã thiệt mạng trong thảm kịch lật tàu tại bờ biển Hy Lạp. Lực lượng bảo vệ bờ biển, hải quân, tàu buôn và máy bay của Hy Lạp đã phát động một chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn quy mô lớn nhưng không có kết quả khả quan nào. Mới có 79 thi thể được tìm thấy.

Những người sống sót nói, có tới 750 người, cả đàn ông, phụ nữ, trẻ em ở trên con tàu. Cũng có nghĩa, số người thiệt mạng sẽ còn nhiều hơn. Ủy viên châu Âu phụ trách Nội vụ đánh giá, đây có thể là một trong những thảm kịch tồi tệ nhất trên Địa Trung Hải.

Ngay cả trước vụ tai nạn này, những số liệu gần đây cho thấy, con đường di cư Địa Trung Hải đang ngày càng nguy hiểm hơn. 4 tháng đầu năm 2023, gần 1.000 người tị nạn đã chết đuối ở Địa Trung Hải, khiến nơi đây trở thành quãng thời gian chết chóc nhất trong 6 năm qua. Còn nếu tính từ năm 2014, khoảng 27.000 người di cư đã chết hoặc mất tích trên biển Địa Trung Hải, theo báo cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế.

Vấn nạn buôn người vượt Địa Trung Hải ngày càng nhức nhối - Ảnh 1.

Liên tiếp nhiều tuần, nhiều tháng qua, các quốc gia châu Âu như Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha đã ghi nhận các vụ chìm tàu chở người di cư bất hợp pháp. Hoạt động của tội phạm buôn người đang gia tăng mạnh và nỗi ám ảnh khủng hoảng di cư dường như đang trở lại.

Nỗi ám ảnh khủng hoảng di cư trở lại

Hy Lạp là tâm điểm của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu vào những năm 2015-2016. Và vài tháng trở lại đây, vấn đề này lại đang nóng lên.

Ngay trước khi xảy ra thảm kịch di cư vài ngày, Bộ trưởng các nước châu Âu đã đạt được thỏa thuận cải cách Quy chế tị nạn và di cư, trong đó có các biện pháp chuyển tiếp người xin tị nạn bị từ chối đến các nước thứ ba một cách an toàn. Trước đó, Ủy ban châu Âu đã đề xuất các nước thành viên chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người xin tị nạn và củng cố biên giới, đồng thời đưa ra các kế hoạch hành động cho ba tuyến đường di cư chính gồm 2 tuyến đi qua phía Tây và trung tâm Địa Trung Hải, tuyến đường thứ ba đi qua vùng Balkan.

Vấn nạn buôn người vượt Địa Trung Hải ngày càng nhức nhối - Ảnh 2.

Quy trách nhiệm cho các tổ chức, băng nhóm buôn người gây ra thảm họa chìm tàu di cư, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu khẳng định, Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu diễn ra cuối tháng 6 này sẽ ưu tiên thảo luận về giải pháp chấm dứt hoạt động của các băng nhóm buôn người, đồng thời đầu tư thêm các con đường hợp pháp giúp người tị nạn muốn tìm sự bảo vệ ở châu Âu.

Việc nới lỏng các quy định phòng dịch lại đúng thời điểm nhiều nước châu Âu đối mặt kinh tế suy yếu do đại dịch và tác động của xung đột ở Ukraine. Là điểm đến được người di cư ưu tiên lựa chọn, châu Âu luôn phải lo giải bài toán người tị nạn, cũng là vấn đề gây chia rẽ trong EU. Các nước châu Âu chưa thống nhất được là quốc gia nào sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận những người di cư bất hợp pháp, cũng như nghĩa vụ hỗ trợ người di cư của các nước láng giềng và đối tác.

Một số nước ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn trong chính sách tị nạn, nhưng một số nước, trong đó có Ðức, vốn phụ thuộc vào nguồn lao động di cư, lại quan tâm tới lợi ích từ người di cư và từ chối xây dựng các hàng rào cứng, cũng như không muốn gây sức ép bằng cách rút viện trợ phát triển hoặc thị thực đối với các nước là xuất phát điểm của người di cư. Bất đồng nảy sinh liên quan kiểm soát dòng người tị nạn đổ vào châu Âu khiến EU vẫn loay hoay với bài toán không dễ tìm lời giải này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước