"Ra khơi" hay "về nhà"?
Trong lĩnh vực sản xuất, khái niệm "Offshoring" không còn gì xa lạ. Đó là khi một doanh nghiệp "khai sinh" ở một quốc gia nhưng lại đặt dây chuyền sản xuất, hay sử dụng các nguồn lực từ một quốc gia khác để phục vụ cho việc sản xuất và kinh doanh của mình. Ví dụ, thương hiệu xe ô tô Ford của Mỹ đặt dây chuyền sản xuất tại Mexico. Rất nhiều ô tô Ford được sản xuất tại Mexico sau đó lại được nhập khẩu vào Mỹ để bán ra thị trường. Hay tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc đã đặt một nhà máy chíp bán dẫn khổng lồ trị giá 500 triệu USD tại Austin, Texas, Mỹ vào năm 2005. Nhưng bây giờ, xu thế mới có thể thay thế offshoring chính là "reshoring"- nôm na là khi các tập đoàn sản xuất hồi hương, đem dây chuyền sản xuất về lại quê nhà, và tận dụng lao động của chính quốc gia mình. Những động lực nào khiến các doanh nghiệp sản xuất lớn muốn "về tắm ao ta"?
Vị thế lung lay của "công xưởng thế giới" Trung Quốc và xung đột Nga-Ukraine
Trang CNBC bình luận, xu hướng hồi hương của nhiều lĩnh vực như dệt may hay sản xuất chíp máy tính phần nào cho thấy các công ty có vẻ đang "quay lưng" lại với quốc gia vốn được mệnh danh là "công xưởng của thế giới"- Trung Quốc. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong những tháng gần đây, đặc biệt là tháng 4 và tháng 5, cho thấy sự sụt giảm đáng kể. Kể từ cuối năm 2022, theo dữ liệu được chia bởi công ty kinh tế vận tải MDS Transmodal, Trung Quốc đã mất chỗ đứng số 1 trong các danh mục tiêu dùng chính, bao gồm quần áo và phụ kiện, giày dép, đồ nội thất và hàng hóa du lịch, đồng thời chứng kiến sự sụt giảm trong thị phần xuất khẩu từ khoáng sản đến công nghệ văn phòng. Thời điểm đó, khi hầu hết các quốc gia trên toàn cầu đã mở cửa trở lại sau đại dịch, thì "chính sách zero Covid của Trung Quốc gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các nhà sản xuất đang tìm kiếm các giải pháp thay thế" theo nhận định của bà Antonella Teodoro, cố vấn cấp cao của MDS Transmodal. Và có vẻ như cú trượt chân của "công xưởng" Trung Quốc vẫn để lại hệ quả đến bây giờ.
Trung Quốc bị mai một sức hấp dẫn đối với các nhà sản xuất nước ngoài sau đại dịch COVID-19
Trong khi đó, xung đột giữa Nga và Ukraine đang tiếp tục làm gián đoạn hoạt động vận chuyển, và điều đó có nghĩa là một số công ty đang cân nhắc lại các phương pháp tìm nguồn cung ứng của họ.
Doanh nghiệp Âu-Mỹ "hồi hương"
Ngay trong lúc tình hình kinh tế chính trị toàn cầu có nhiều biến động, thì chính phủ Mỹ đã gấp rút triển khai chính sách thúc đẩy các ưu đãi cho ngành sản xuất- đặc biệt là trong lĩnh vực máy tính và linh kiện xe điện trong nước. Trong các báo cáo gần đây nhất của một số ngân hàng tại Mỹ, đại diện các ngân hàng ghi nhận xu thế "hồi hương" được nhắc đến rất nhiều lần- Bank of America ghi nhận "reshoring" được các doanh nghiệp Mỹ đề cập với tần suất tăng tới 128% so với cùng kỳ năm ngoái- nhiều hơn cả đề cập tới trí tuệ nhân tạo A.I.
Chíp bán dẫn- ngành sản xuất nhận được nhiều sự quan tâm của các chính phủ châu Âu và Mỹ với tham vọng tự chủ nguồn cung
Một trong những ngành nhận được nhiều ưu đãi của chính phủ Mỹ nhất để "hồi hương" chính là ngành sản xuất chíp bán dẫn. Đầu tháng 8 năm ngoái, Đạo luật CHIPS and Science Act được lưỡng viện thông qua và chứa 52 tỷ đô la hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nhưng nó cũng chỉ rõ rằng các công ty chấp nhận trợ cấp liên bang sẽ bị hạn chế thực hiện bất kỳ "giao dịch quan trọng" nào nhằm mở rộng sản xuất chip ở Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nước ngoài nào khác trong 10 năm. Theo ông theo Martijn Rasser, một thành viên cấp cao và là giám đốc tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, đạo luật này có thể là bước dạo đầu cho việc giám sát kỹ hơn các khoản đầu tư ra nước ngoài của các nhà sản xuất chip.
Đạo luật CHIPS and Science là bước dạo đầu cho việc chính phủ Mỹ sẽ giám sát kỹ hơn hoạt động tại nước ngoài của các công ty Mỹ
Không chỉ Mỹ, mà chính phủ các quốc gia thuộc liên minh châu Âu EU cũng đã công bố gói 43 tỷ euro để thúc đẩy sản xuất chíp trong khối. Ngân hàng Thuỵ Sĩ UBS cho biết, có 78% số giám đốc điều hành cấp cao trong các lĩnh vực khác nhau được ngân hàng này khảo sát có ý định chuyển các bộ phận của chuỗi cung ứng về lại quê hương- hoặc ít nhất là về các quốc gia "gần nhà" hơn.
Tại Vương quốc Anh, 40% các nhà sản xuất được khảo sát bởi nhóm công nghiệp Make UK cho biết họ đã tìm nguồn cung ứng hàng hóa nội địa nhiều hơn trong năm qua và cũng có kế hoạch tương tự cho năm tới. Make UK đã khảo sát 137 công ty vào tháng 1 và tháng 2 vừa rồi.
Các nhà sản xuất thuộc EU cũng bắt đầu tìm kiếm lợi nhuận ở quê nhà và những thị trường sát sườn
Một trong số các ngành sản xuất chứng kiến rõ nhất xu thế "hồi hương" chính là ngành dệt may. Theo ông Bill McRaith, cựu giám đốc chuỗi cung ứng tại PVH, chủ sở hữu của thương hiệu thời trang Tommy Hilfiger thì mô hình sản xuất quần áo tại một quốc gia xa xôi rồi lại đem về quê hương để bán đang gây ra nhiều thiệt hại hơn là lợi nhuận. Chủ doanh nghiệp phải đặt hàng trước vài tháng trời mới có đơn hàng về, và sau đó chưa chắc sản phẩm đã bán chạy như kỳ vọng. Đây là một công thức dẫn tới thua lỗ, đặc biệt là vào thời đại mà thời trang chính là những gì giới trẻ thấy trên Tiktok. Một chiếc áo có khi chỉ sau một đêm đã trở thành hàng "hot"được săn tìm. Nếu không đáp ứng nhu cầu của thị trường ngay lúc đó mà phải chờ nhà máy ở nước ngoài tới vài tháng, thì doanh nghiệp sẽ nắm chắc phần thua trong tay. Ông McRaith cho biết lượng hàng tồn kho của các công ty may mặc thường là 20% đến 25%. Ông này cũng cho rằng giải pháp tốt cho vấn đề này chính là tiếp tục sản xuất một số sản phẩm ở nước ngoài, còn lại thì mua ở các nước láng giềng và 1/3 sản phẩm phải được sản xuất ngay tại quê hương- hoặc thị trường tiêu thụ.
Thị trường lao động hưởng lợi
Theo nhóm vận động hành lang Reshoring Initiative, các công ty Mỹ sẽ tuyển dụng lao động địa phương với con số kỷ lục trong lĩnh vực sản xuất, với khoảng 360.000 việc làm vào năm 2022, tăng 53% so với năm 2021. Các nhà sản xuất thiết bị điện đã công bố nhiều việc làm nhất, với pin xe điện là một trong những sản phẩm hàng đầu, tiếp theo là các nhà sản xuất sản phẩm máy tính bao gồm cả chip.
Nhiều nhà sản xuất còn cho biết, các lợi ích khác của việc sản xuất trong nước bao gồm rủi ro sản phẩm bị sao chép thấp hơn, cũng như kiểm soát chất lượng tốt hơn và tác động lên môi trường nhỏ hơn.
Theo CNBC, Reuters, Bloomberg, The Guardian
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!