Tác phẩm điêu khắc tôn vinh ngành công nghiệp dầu mỏ, nằm ngoài trụ sở Caracas của PDVSA. (Ảnh: Getty Images)
Các quan chức trên bị cáo buộc tham nhũng, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 18 triệu USD. Theo tài liệu điều tra, vụ tham nhũng này liên quan tới các hợp đồng mua 400 bồn vận chuyển nhiên liệu hồi năm 2010, trong đó chỉ có 168 bồn đã được bàn giao, song các thông số kỹ thuật lại không đáp ứng tiêu chuẩn để đưa vào sử dụng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng xác định các hợp đồng mua bán này được ký kết với hai công ty "ma" của Mexico.
Vụ bắt giữ nói trên nằm trong chiến dịch điều tra của cơ quan an ninh Venezuela về các hành vi tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) trong bối cảnh sản lượng dầu mỏ của quốc gia Nam Mỹ này đang suy giảm nghiêm trọng và hiện chỉ còn ở mức 1,4 triệu thùng/ngày.
Thống kê cho thấy kể từ đầu tháng 8 đến nay, cơ quan chức năng Venezuela đã ra quyết định truy tố đối với 90 cán bộ của PDVSA, trong đó có hơn 20 quan chức quản lý cấp cao, kể cả cựu Chủ tịch PDVSA Rafael Ramirez, người đang tị nạn chính trị ở Tây Ban Nha.
Hồi tháng 11/2017, 50 quan chức của PDSVA vướng vào "vòng lao lý" với cáo buộc dính líu tới tham nhũng, 6 người trong số này là quan chức cấp cao của tập đoàn. Những người này bị cáo buộc cố ý làm hóa đơn khống và tăng giá các mặt hàng nhập khẩu. 21 người có dính líu tới gian lận đổi tiền theo tỷ giá do nhà nước quy định để kiếm lời trái phép.
Là quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), dầu khí là ngành kinh tế mũi nhọn của Venezuela, đem lại tới 95% nguồn thu ngoại tệ. Trong bối cảnh nền kinh tế Venezuela đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng do giá dầu thế giới lao dốc, cuộc chiến kinh tế do các thế lực cánh hữu gây ra, cũng như việc tồn tại hệ thống tỷ giá hối đoái phức tạp, nhiều kẻ đã lợi dụng thực trạng này để làm giàu và kiếm lời bất chính.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!