Thực ra cuộc khủng hoảng của vùng đất Catalan không phải bây giờ mới xuất hiện, mà phong trào đòi độc lập của vùng đất này luôn âm ỉ từ thế kỷ 18, khi Tây Ban Nha sáp nhập vùng đất này. Một nền kinh tế vững mạnh và nhất là truyền thống văn hoá độc đáo là những lý do chính để người dân gốc Catalan không tự coi mình là công dân Tây Ban Nha.
Một dấu mốc của phong trào này là năm 1979, Catalan được hưởng quy chế tự trị, có quyền tự chủ tài chính, nhưng với họ chừng đó là chưa đủ.
Từ xa xưa, vùng đất nằm giữa Pháp và Tây Ban Nha là vùng đất có lịch sử, văn hoá, phong tục, ngôn ngữ và ẩm thực rất đặc trưng, khác với truyền thống của Tây Ban Nha. Vùng Catalan có hình tam giác nằm bên bờ Địa Trung Hải, tiếp giáp với nước Pháp, với 7 triệu rưỡi dân. Thủ phủ Catalan là thành phố Barcelona.
Cách đây hơn 300 năm, vua Philip V của Tây Ban Nha đã chiếm Barcelona, sáp nhập vùng Catalan vào Tây Ban Nha. Từ lúc đó, phong trào đòi độc lập lúc mạnh lúc yếu nhưng âm ỉ chưa bao giờ dứt. Năm 1979, Catalan được hưởng quy chế tự trị, có quyền tự chủ tài chính, được quản lý gần như toàn bộ số thuế thu được từ người dân và doanh nghiệp, chỉ phải nộp lại cho chính quyền trung ương mỗi năm 800 triệu Euro chi phí quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng và xây cất đường xá.
Vùng Catalan có nền công nghiệp phát triển bậc nhất so với các vùng khác của Tây Ban Nha, cộng thêm nguồn thu lớn từ du lịch, đóng góp tới 1/5 nền kinh tế quốc gia Tây Ban Nha. Tỷ lệ thất nghiệp tại đây chỉ bằng nửa so với tỷ lệ trung bình cả nước, ngân sách vùng hầu như không thâm hụt, so với mức thâm hụt tới 90% của chính quyền trung ương.
Kinh tế vững mạnh và văn hoá khác biệt là hai lý do chính mà chính quyền vùng Catalan đưa ra để biện minh cho ý định tách khỏi Tây Ban Nha.
Những sự kiện từ nay đến cuối tuần này được coi là có tính chất quyết định đối với cuộc khủng hoảng Catalan. Nhưng dù cho Thượng viện Tây Ban Nha có quyết định ra sao đi nữa, một điều chắc chắn vẫn là cuộc khủng hoảng chưa thể kết thúc nhanh chóng. Tây Ban Nha đang ở tâm điểm của cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ sau khi nền dân chủ được tái lập năm 1975, và chưa thấy lối thoát.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.