Theo cố vấn Nhà trắng Jared Kushner, nếu Saudi Arabia có thể bình thường hóa quan hệ với Israel, thì sẽ có lợi cho nền kinh tế và khả năng phòng vệ của quốc gia Vùng Vịnh này. Ông Kushner cũng cho rằng quyết định này cũng sẽ giúp ích cho người Palestine.
Saudi Arabia, nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab cho đến nay chưa lên tiếng về việc UAE. Israel đã nhất trí hướng tới bình thường hóa quan hệ trong một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian.
Bất chấp những bất đồng trong lịch sử các thế hệ trước, ông Jared Kushner được coi là "kiến trúc sư trưởng" của kế hoạch hòa bình Trung Đông, vốn được Tổng thống Trump đánh giá rất cao, dự đoán rằng thỏa thuận mang tính bước ngoặt mới đây giữa Israel và UAE sẽ là chất xúc tác, mở ra mối quan hệ giữa Israel với các quốc gia Arab khác, trong đó có Saudi Arabia.
Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner. Ảnh: New Yorker
Vì sao Israel và các quốc gia Arab có thể bước qua sự thù địch để tiến tới những thỏa thuận đột phá?
Thực ra không phải là bây giờ Israel và các quốc gia Arab mới nhận ra là mình cần có nhau và chìa cánh tay hòa hoãn. Như với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Israel thực ra đã đặt một cơ quan đại diện của mình tại Abu Dhabi từ năm 2015, nằm trong trụ sở của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế đặt tại đây.
Gần đây, Bahrain cũng đã có cuộc gặp cấp Ngoại trưởng với Israel và cùng Israel tham dự một cuộc họp về an ninh khu vực. Xu thế hòa hoãn với Israel diễn ra trong bối cảnh nhiều nước Arab giờ đây nhận ra rằng nhu cầu đoàn kết giữa các quốc gia Arab như một mặt trận thống nhất, đã không còn cần thiết như xưa nữa. Giờ mỗi nước đang cảm thấy mình cần có những hướng đi riêng, với những bài toán riêng về an ninh và phát triển.
Trách nhiệm phải kề vai với người Palestine trong cuộc đấu tranh vì thế cũng không còn trở thành ưu tiên trong chính sách của nhiều nước Arab. Hòa hoãn với Israel lúc này được cho là sẽ đem lại cho họ nhiều cơ hội hơn trong phát triển, điều đặc biệt cần thiết khi mà nhiều nước Trung Đông đang phải chịu cuộc khủng hoảng kinh tế kép vì COVID-19 và giá dầu hạ. Với các nước Vùng Vịnh như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất hay Bahrain, họ với Israel còn có một đối thủ chung là Iran.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan đạt thỏa thuận tạo bước ngoặt lịch sử trong mối quan hệ giữa hai quốc gia. Ảnh: Reuters
UAE là quốc gia Vùng Vịnh đầu tiên bình thường hóa quan hệ với nhà nước Do thái, bước ngoặt này sẽ đem đến những hiệu ứng gì?
Ông Emile Hokayem - Viện quốc tế nghiên cứu chiến lược, London, Anh: Thỏa thuận này sẽ không ảnh hưởng đến sự ổn định của UAE, nó phản ánh sự thay đổi địa chính trị của khu vực và mang đến nhiều thiện chí cho UAE từ phía Mỹ.
Ông Omar Saif Ghobash - Trợ lý Bộ trưởng Văn hóa và Ngoại giao công chúng UAE: Chúng ta đang ở năm 2020, đã 18 năm trôi qua mà vẫn chưa thấy có kết quả gì từ sáng kiến hòa bình Arab. Chúng tôi tin rằng con đường đúng đắn để tiếp cận các vấn đề hiện nay là thông qua đối thoại và giao tiếp.
Ông Amr Moussa - Cựu Tổng thư ký Liên đoàn Arab: Một hoặc hai nước Arab khác cũng đang có ý định tiếp bước UAE, tôi sẽ không thể nói rõ. Nhưng điều đó xảy ra, cần đảm bảo rằng đó là một thỏa thuận tốt và đáng tôn trọng. Bất kì nước Arab nào tham gia đàm phán trong tương lai cần giữ lập trường vững vàng, vì lịch sử và sự ổn định của khu vực.
Nếu thực sự có thêm các thỏa thuận đột phá nữa, xu thế an ninh khu vực sẽ thay đổi ra sao?
Tòa thị chính thành phố Tel Aviv (Israel) được thắp sáng bằng ánh đèn theo màu cờ của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Bước đi bình thường hóa giữa Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất và Israel được nhiều phía ca ngợi là lịch sử, góp phần củng cố hòa bình và an ninh tại Trung Đông. Nhưng với giới quan sát tại Trung Đông thì không hẳn là như vậy. Một bước đi trong cái vỏ là hòa bình, nhưng nó lại có thể làm gia tăng nguy cơ mâu thuẫn và đối đầu tại Trung Đông.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani mới đây cảnh báo: "Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã chọn một con đường sai lầm tồi tệ. Chúng tôi đã từng nhiều lần phỏng vấn giới học giả chính trị Iran, tìm hiểu quan điểm của họ trong cuộc đối đầu với các nước Vùng Vịnh và Israel. Câu trả lời mà chúng tôi nhận được là nhìn chung Iran không cảm thấy e ngại nhiều sức mạnh của các nước Vùng Vịnh, đứng đầu là Saudi Arabia, nhưng lại tỏ ra khá kiềng nể Israel".
Giờ đây một số nước Vùng Vịnh và Israel hướng về nhau, Iran rõ ràng không thể cảm thấy bình yên. Nó khiến người ta lo ngại Iran có thể sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động các lực lượng thân mình trong khu vực, tại Iraq, Syria, Lebanon hay Yemen. Hoặc cũng có thể Israel và các nước Vùng Vịnh sẽ đẩy mạnh một sức ép như gọng kìm nhằm vào Iran.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!