Trong khi một số quốc gia Arab ca ngợi quyết định bình thường hóa quan hệ UAE - Israel là bước đi lịch sử, một số ý kiến chỉ trích gay gắt cho rằng, đây là hành động bỏ rơi Palestine của một quốc gia Hồi giáo.
Trong phản ứng mới nhất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất để biểu thị sự đoàn kết với người dân Palestine. Trước đó, Palestine đã triệu hồi đại sứ của mình tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất để biểu thị sự phản đối.
Biểu tình phản đối thỏa thuận giữa Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - Israel. (Ảnh: AP)
Ngược lại, 3 quốc gia Arab là Ai Cập, Oman, Bahrain lại lên tiếng ca ngợi, đây là bước đi lịch sử, mở đường cho một nền hòa bình bền vững tại Trung Đông. Trước đó, Ai Cập và Jordan là 2 quốc gia Arab duy nhất có quan hệ ngoại giao với Israel.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Nga, Nhật và Trung Quốc đều đánh giá cao bước đi hòa bình giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Tuy nhiên, với nhiều quốc gia Hồi giáo Trung Đông, việc "chìa cánh tay" tới quốc gia Do Thái Israel không thể là điều dễ chấp nhận. Điều này đang cho thấy một sự rạn nứt không thể hàn gắn giữa các quốc gia Hồi giáo Trung Đông trong vấn đề Palestine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!