Vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut là minh chứng của sự quan liêu, thờ ơ trong quản lý?

Thế giới góc nhìn-Thứ sáu, ngày 07/08/2020 06:08 GMT+7

VTV.vn - Ngày 6/8, Chính phủ Lebanon đã quyết định hình thức quản thúc tại nhà đối với tất cả quan chức phụ trách công tác giám sát kho và an ninh tại cảng Beirut từ năm 2014.

Chính phủ Lebanon cũng đã thành lập một ủy ban điều tra vụ nổ đặc biệt nghiêm trọng ở cảng Beirut cách đây 2 ngày. Ủy ban này có tối đa 4 ngày để đưa ra một báo cáo chi tiết, xác định đối tượng chịu trách nhiệm. 

Ngoại trưởng Lebanon nhấn mạnh, những người chịu trách nhiệm cho "tội sơ suất" gây chết người này sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Cả Thủ tướng và Tổng thống Lebanon đều cam kết sẽ bắt thủ phạm phải chịu trách nhiệm.

Đặt thời hạn chỉ 4 ngày cho ủy ban điều tra cho thấy, giới chức Lebanon đang dành ưu tiên tối đa trong việc khắc phục hậu quả vụ nổ này.

Vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut là minh chứng của sự quan liêu, thờ ơ trong quản lý? - Ảnh 1.

Nhiều tòa nhà bị phá hủy do vụ nổ hôm 4/8. Ảnh: AP

Còn về manh mối nguyên nhân gây nổ, đó là một lô hàng khổng lồ lưu trữ trong nhà kho ở cảng Beirut nhiều năm trời mà không có biện pháp đảm bảo an toàn.

Nguồn gốc 2.750 tấn hóa chất công nghiệp đến cảng Beirut

Theo CNN, vào năm 2013, tàu MV Rhosus thuộc sở hữu của một công ty Nga khởi hành từ Batumi, Grudia trên hành trình tới Mozambique. Con tàu mang theo 2.750 tấn ammoni nitrate, một loại hóa chất công nghiệp thường được sử dụng để làm phân bón và chế tạo thuốc nổ phục vụ mục đích khai thác mỏ.

Con tàu này dừng lại ở Hy Lạp để tiếp nhiên liệu, nhưng do chủ tàu gặp khó khăn về tài chính nên tàu này đã phải vận chuyển thêm hàng hóa, đi vòng tới cảng Beirut. Khi cập cảng Beirut, tàu MV Rhosus đã bị chính quyền cảng địa phương bắt giữ do vi phạm trong việc điều khiển tàu, chưa trả phí tại cảng… Kể từ đó, con tàu không tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut là minh chứng của sự quan liêu, thờ ơ trong quản lý? - Ảnh 2.

Ảnh trước và sau vụ nổ ở cảng Beirut. Ảnh: Roscosmos

Vì sao lượng amoni nitrate - một quả bom trôi nổi - nằm ở đây suốt 6 năm qua mà không mấy ai đoái hoài hay cảnh báo?

Quốc gia bên bờ Địa Trung Hải Lebanon đã phải vật lộn trong cơn khủng hoảng cả về kinh tế lẫn chính trị trong những năm gần đây, một đất nước mà giá thịt tăng tới gấp 3 lần chỉ trong vòng nửa tháng. Thời gian gần đây, nhiều người dân bắt đầu bán đi đồ đạc gia đình để có tiền mua thực phẩm. 

Trong khi đó, ngân sách nhà nước luôn trong tình trạng thâm hụt nặng nề vì kim ngạch xuất khẩu gần như không có gì, nợ công lên đến 150% GDP. Trong bối cảnh như vậy thì một kho amoni nitrate bị bỏ quên tại cảng Beirut cũng là điều có thể hiểu được.

Sau vụ nổ, nhiều phong trào tự phát đã được người dân phát động để thu dọn đường phố, sửa chữa nhà cửa. Người dân tham gia tái thiết sau sự cố là điều nên làm, nhưng đáng nói, nhiều người than phiền rằng chính quyền tham gia hời hợt vào quá trình xử lý, để người dân buộc phải tự mình tổ chức kêu gọi nhau làm chứ không còn cách nào khác cả.

Vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut là minh chứng của sự quan liêu, thờ ơ trong quản lý? - Ảnh 3.

Hiện trường đổ nát sau vụ nổ kép ở cảng Beirut. Ảnh: SCMP

Có ý kiến cho rằng vụ nổ là minh chứng của sự quan liêu, thờ ơ trong quản lý khi các phe phái không quan tâm đến lợi ích chung của quốc gia?

Vụ nổ vừa rồi còn chưa rõ nguyên nhân nhưng chừng ấy tấn amoni nitrate cứ hồn nhiên tồn tại suốt 6 năm ngay giữa khu cảng chiến lược tại Beirut, được cho là đã làm nổi rõ vấn đề của xã hội Lebanon hiện tại. Thể chế chính trị của Lebanon dựa trên sự phân chia quyền lực. Thủ tướng phải là người Hồi giáo Sunni, Tổng thống phải là người của Cơ đốc giáo và Chủ tịch Quốc hội phải là người Hồi giáo Shi'ite.

Đã một thời người dân nơi đây hy vọng, một hệ thống có sự cạnh tranh quyền lực như thế sẽ tạo ra một nền chính trị lành mạnh, các phe phái nỗ lực phấn đấu. Nhưng không hẳn, hóa ra các phe phái chỉ chú trọng vào cuộc tranh giành quyền lực. Cái chung thì bỏ mặc, việc của chúng ta trở thành việc không phải của ai.

Vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut là minh chứng của sự quan liêu, thờ ơ trong quản lý? - Ảnh 4.

Người đàn ông bế một bé gái bị thương rời khỏi hiện trường. Ảnh: AP

Cần nhớ, Lebanon đã có một lịch sử tươi đẹp, từng được xem là "Paris của Trung Đông", là thủ phủ của báo chí nước ngoài thường trú tại khu vực này. Để trở lại với niềm từ hào quá khứ, Lebanon sẽ còn phải làm nhiều việc và cốt lõi nhất có lẽ là làm sao có được một hệ thống chính quyền thống nhất, tạo được sự đồng thuận trong hành động.

Liên Hợp Quốc ngày 5/8 đã bày tỏ sự lo ngại với tình hình "nhiều lớp khủng hoảng" ở đất nước này. Đó là cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính, chính trị, y tế và bây giờ là vụ nổ khủng khiếp giống như bom nguyên tử.

Cuộc sống quá khó khăn, những năm qua, nhiều người Lebanon đã phải rời bỏ quê hương đi tha phương cầu thực khắp nơi. Những người ở lại, họ vẫn tìm thấy niềm vui cuộc sống ở đâu đó. Nhưng vụ nổ phá hỏng một nửa thành phố Beirut này cũng là tai họa mới có thể khiến giấc mơ về cuộc sống bình yên sẽ xa thêm với họ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước