Người nước ngoài hiện chiếm tới hơn 70%, thậm chí 90% dân số tại không ít mảnh đất Vùng Vịnh, đảm nhận hầu như mọi hoạt động của nền kinh tế, từ ngành nghề cơ bản cho tới các vị trí quan trọng. Tuy nhiên, xu thế này lại đang ngày càng bộc lộ những thách thức đối với các nền kinh tế Vùng Vịnh. Trong bối cảnh vị thế của dầu mỏ dần đi xuống và Vùng Vịnh đang nỗ lực chuyển sang nền kinh tế tri thức, sự phụ thuộc vào lao động nhập cư trở thành bài toán nan giải đối với các quốc gia nơi đây.
Thời gian qua, tại Vùng Vịnh, người ta nói nhiều đến việc "giảm phụ thuộc vào dầu mỏ", để mở đường cho một kỷ nguyên phát triển mới. Nhưng Vùng Vịnh cũng đang ngày càng thấm thía một điều, một kỷ nguyên phát triển mới sẽ không thể thực sự đến, nếu họ không giải được một bài toán giảm phụ thuộc khác - giảm phụ thuộc vào lao động nước ngoài.
Báo News Plus chuyên các vấn đề Vùng Vịnh chỉ ra những một thực tế. Sự phụ thuộc quá mức vào lao động nước ngoài đang khiến lực lượng lao động bản địa tại một số quốc gia Vùng Vịnh rơi vào xu thế chỉ hướng vào làm các công việc hành chính, ăn lương nhà nước. Lương và trợ cấp nhà nước trả cho người dân luôn ở mức cao.
Nhưng cũng vì thế người lao động bản địa tại một số quốc gia Vùng Vịnh không còn mấy động lực trau dồi kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, mà đa phần trao lại cho các bộ óc và sức lực của lao động bên ngoài.
Việc sử dụng lao động nhập cư để đáp ứng một số công việc trong nền kinh tế là xu thế không phải xa lạ gì tại các quốc gia có thu nhập cao. Song khi một nền kinh tế mà đa phần đều do người nước ngoài đảm trách, từ việc giản đơn cho tới phức tạp như tại không ít quốc gia Vùng Vịnh, xu thế này đang mang đến nhiều lo lắng.
Bài viết trên trang Pro Capital đã làm các nghiên cứu và cho thấy tỉ lệ người lao động nhảy việc tại Vùng Vịnh luôn ở mức cao, đe dọa tới sự phát triển ổn định của doanh nghiệp. Nguyên nhân chính được cho là do đa phần lao động nước ngoài thường có xu hướng xem công việc của mình là tạm thời, tâm lý gắn bó thấp, nhất là khi các quốc gia Vùng Vịnh hầu như không có chính sách cấp quốc tịch cho người nhập cư.
Thực tế các quốc gia Vùng Vịnh không phải là không nhận ra những thách thức mà họ đang phải đối mặt liên quan đến việc quá phụ thuộc lực lượng lao động nước ngoài. Đa phần các quốc gia Vùng Vịnh thời gian qua đã có các chính sách nhằm thúc đẩy việc làm cho các công dân của mình ở khu vực tư nhân, vốn được xem mới là động lực chính cho sự tăng trưởng kỷ nguyên hậu dầu mỏ.
Nhưng những gì diễn ra đang cho thấy vấn đề hiện nay không dễ gì mà sớm có thể thay đổi. Như tại Bahrain, mới đây Chính phủ nước này đã quyết định bác bỏ đề xuất trước đó của quốc hội, thiết lập hạn ngạch phải dành 50% số việc làm trong ngành y tế cho công dân Bahrain. Đề xuất này được Quốc hội đưa ra nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp của một số nhân viên y tế người Bahrain.
Nhưng theo chính phủ Bahrain, việc làm này có thể làm tổn hại tới khả năng điều trị bệnh nhân của ngành y tế, song song làm cản trở khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Giới chuyên gia y tế cho rằng, bất cứ bước đi nào để tạo cơ hội việc làm cho người dân Bahrain cũng phải đảm đi kèm với những bài kiểm tra và đào tạo, để đảm bảo rằng những người được tuyển dụng có thể thực hiện được công việc của mình đúng ở mức độ cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!