Ngày 20/12, WHO cho biết, biến thể Omicron đang lây lan nhanh hơn biến chủng Delta và gây ra những ca lây nhiễm ở những người đã được tiêm vaccine hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19.
Nhà khoa học trưởng của WHO, Soumya Swaminathan, nói với các nhà báo tại Geneve, nhấn mạnh rằng sẽ là "không khôn ngoan" nếu kết luận từ những bằng chứng ban đầu rằng biến thể Omicron nhẹ hơn những chủng virus SARS-CoV-2 được phát hiện trước đó.
Bà Soumya Swaminathan xác nhận, biến thể này đang thành công trong việc né tránh một số phản ứng miễn dịch. Theo đó, các chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường đang được triển khai ở nhiều quốc gia nên nhắm mục tiêu và ưu tiên những người có hệ miễn dịch kém hơn.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo: "Hiện đã có bằng chứng nhất quán cho thấy, Omicron đang lây lan nhanh hơn đáng kể so với biến thể Delta. Và nhiều khả năng những người được tiêm chủng hoặc phục hồi sau khi mắc COVID-19 có thể bị nhiễm hoặc tái nhiễm".
Nhận xét trên giống với kết quả nghiên cứu do Đại học Imperial College London công bố vào tuần trước, cho thấy nguy cơ tái nhiễm COVID-19 do Omicron cao hơn gấp 5 lần và biến thể này không có dấu hiệu nhẹ hơn so với biến chủng Delta.
Tuy nhiên, các quan chức của WHO cho biết, những hình thức tiêm chủng tạo miễn dịch có thể ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: AP)
Trong khi khả năng bảo vệ của kháng thể khỏi một số chủng virus đã bị suy yếu, vẫn có hy vọng rằng tế bào T, "trụ cột" thứ hai của phản ứng miễn dịch, có thể ngăn ngừa bệnh nặng bằng cách tấn công các tế bào bị nhiễm bệnh trong cơ thể người.
Chuyên gia Abdi Mahamud của WHO nhận định: "Mặc dù lượng kháng thể trung hòa giảm, nhưng hầu như tất cả các phân tích sơ bộ đều cho thấy, khả năng miễn dịch qua trung gian tế bào T vẫn còn nguyên vẹn, đó là những gì chúng ta thực sự cần".
Nhấn mạnh về cách ứng phó với biến thể mới được phát hiện vào tháng 11, bà Swaminathan cho biết: "Tất nhiên là có một thách thức, nhiều kháng thể đơn dòng sẽ không có hiệu quả với Omicron".
Trong ngắn hạn, Tổng Giám đốc WHO cho rằng, các hoạt động lễ hội ở nhiều nơi sẽ dẫn đến "gia tăng số ca bệnh, hệ thống y tế bị quá tải và nhiều ca tử vong hơn", đồng thời kêu gọi mọi người hoãn các cuộc tụ tập.
Ông Tedros nói: "Một sự kiện bị hủy còn hơn một cuộc đời bị hủy".
Nếu không có "chiến lược phối hợp", thế giới sẽ "luôn phải đuổi theo" các biến thể COVID-19
Trước đó, WHO đã đưa ra hy vọng cho một thế giới đang mệt mỏi vì phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới khi nói rằng, năm 2022 sẽ là năm đại dịch khiến hơn 5,6 triệu người trên toàn cầu thiệt mạng kết thúc nhờ các loại vaccine thế hệ thứ hai, thứ ba, sự phát triển hơn nữa của những phương pháp điều trị kháng sinh và biện pháp mới khác.
Ông Tedros cho biết, Trung Quốc, nơi virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019, phải cung cấp dữ liệu và thông tin liên quan đến nguồn gốc của virus này để hỗ trợ việc ứng phó trong tương lai.
Tedros nói: "Chúng ta cần tiếp tục cho đến khi biết được nguồn gốc của virus, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa, nên học hỏi từ những gì đã xảy ra để làm tốt hơn trong tương lai".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!