Trong khi đó, bệnh COVID-19 hoàn toàn mới và chưa có kháng thể để chống lại nó, tuy nhiên dịch bệnh mới này có thể kiểm soát được. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 3/3 cho biết, thống kê mới nhất cho thấy 1.792 trường hợp mắc COVID-19 mới đã được báo cáo bên ngoài Trung Quốc, đưa tổng số người mắc bệnh này lần đầu tiên vượt qua con số 10.000 người. WHO kêu gọi tất cả các nước chuẩn bị thiết bị y tế hỗ trợ hô hấp như: máy thở, bình oxy... để điều trị cho các bệnh nhân nguy kịch.
Trong báo cáo mới nhất, WHO khẳng định liệu pháp oxy là cách "can thiệp điều trị" cơ bản đối với những bệnh nhân nguy kịch. WHO nhấn mạnh, tất cả quốc gia nên phát huy tối đa hiệu quả sử dụng máy đo nhịp tim và nồng độ oxy trong máu, hệ thống hỗ trợ cung cấp dưỡng khí cho bệnh nhân trong giai đoạn nguy kịch.
Sáng 4/3, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố đề xuất một khoản ngân sách lên tới 11,7 nghìn tỷ Won (tương đương 9,8 tỷ USD) để chống dịch COVID-19. Đồng thời, ngân sách trên được dùng để bù đắp các tác động của dịch bệnh đến kinh tế nước này. Đây là khoản ngân sách bổ sung lớn nhất từ trước đến nay được Hàn Quốc đưa ra để phòng chống dịch bệnh. Khoản ngân sách bổ sung mới sẽ được trình lên Quốc hội phê duyệt vào ngày 5/3. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Cơ quan Phòng và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc vào sáng 4/3 đã ghi nhận thêm 516 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, nâng số ca mắc bệnh này trên toàn quốc lên 5.328 người, trong đó có 32 ca tử vong.
Trong khi đó, tại Trung Quốc đại lục đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày 3/3 giảm với 119 ca, ít hơn 6 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Hiện tổng số ca nhiễm bệnh tại Trung Quốc đại lục là 80.270 người và số ca tử vong là 2.981 người.
Tại Nhật Bản, thêm 1 trường hợp nhiễm mới được ghi nhận, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.000 người, trong đó có 12 ca tử vong.
Thêm một số nước châu Âu ghi nhận những ca tử vong đầu tiên do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ngày 3/3, giới chức Tây Ban Nha thông báo về ca tử vong đầu tiên tại nước này do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Cơ quan y tế vùng Valencia của nước này cho biết, một nam giới đã tử vong và kết quả xét nghiệm tử thi cho thấy người này nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại Italy, nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất tại châu Âu, Chính phủ nước này đang cân nhắc thiết lập một "vùng đỏ" cách ly mới gần thành phố Bergamo ở miền Bắc. Tính đến ngày 3/3, tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Italy đã lên đến 2.502 trường hợp và số ca tử vong là 79.
Trong khi đó, tại Pháp, nơi được đánh giá là ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai ở châu Âu sau Italy, Chính phủ nước này đang khẩn trương chuẩn bị ứng phó cho giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng do dịch lây lan trên diện rộng. Khi chuyển sang giai đoạn này, Chính phủ Pháp dự kiến sẽ áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn. Hiện nước này đã ghi nhận 212 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 4 ca tử vong.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!