Đây là lời kêu gọi của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros trong bối cảnh các nước thành viên đang tiến hành vòng đàm phán nước rút tại trụ sở WHO ở Geneva, Thụy Sỹ.
Điểm mấu chốt của các cuộc đàm phán là vấn đề tiếp cận và chia sẻ tài nguyên trong trường hợp xảy ra đại dịch. Các quốc gia đang tranh luận về cách thức chia sẻ thông tin về các mầm bệnh được phát hiện, các sản phẩm y tế như vaccine và phương pháp điều trị, cũng như nguồn lực tài chính để ứng phó với đại dịch.
Nhiều tổ chức phi chính phủ bày tỏ lo ngại rằng các cuộc đàm phán có thể thất bại do những bất đồng sâu sắc giữa các quốc gia. Họ kêu gọi các bên nhanh chóng thu hẹp những khác biệt và đạt được thỏa thuận chung nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe toàn cầu trong tương lai.
Nhà ngoại giao y tế người Hà Lan Roland Driece, đồng chủ trì các cuộc đàm phán, cho biết cuộc thương lượng đang diễn ra theo đúng dự kiến khi hầu hết các quốc gia thành viên đều cho rằng dự thảo mới đã được tinh gọn hơn đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, ông thừa nhận vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết. Ông cho rằng quá trình đàm phán rất tốn thời gian và thời gian là "kẻ thù" lớn nhất.
Trong 2 năm qua, 194 quốc gia thành viên WHO đã bàn thảo một thỏa thuận quốc tế về công tác phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch trong tương lai, song vẫn chưa thống nhất về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine hay giám sát mầm bệnh.
Các nước đặt mục tiêu hoàn chỉnh nội dung thỏa thuận để thông qua tại kỳ họp thường niên Đại hội đồng Y tế thế giới, dự kiến khai mạc ngày 27/5 tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!