WHO: Tự tử là vấn đề y tế công cộng toàn cầu

Thanh Ba (VTV8)-Thứ hai, ngày 16/09/2019 19:42 GMT+7

VTV.vn - WHO cảnh báo tình trạng tự tử đã trở thành vấn đề sức khỏe công cộng toàn cầu, tác động đến mọi đối tượng thuộc mọi độ tuổi, giới tính và ở mọi khu vực trên thế giới.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 40 giây lại có 1 người qua đời vì tự tử bằng cách treo cổ, dùng thuốc độc và súng. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở những người từ 15 - 29 tuổi, chỉ sau tai nạn giao thông. Mỗi năm có gần 800.000 người chết vì tự tử, nhiều hơn số người chết vì chiến tranh hoặc bạo lực. Cá biệt ở một số quốc gia, tỷ lệ tự tử lên tới 30 người trong số 100.000 dân. Trong khi tại các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, tỷ lệ tự tử giữa nam và nữ tương đối cân bằng, ở các nước có thu nhập cao, tỷ lệ tự tử đối với nam giới cao gấp 3 lần phụ nữ.

Đáng buồn nhất là hiện có rất nhiều người trẻ tự tìm đến cái chết bởi không thể đương đầu với áp lực cuộc sống. Cái chết của họ đem đến bi kịch cho gia đình, nỗi đau cho bạn bè, người thân, trong khi tự tử lại hoàn toàn có thể phòng ngừa bởi chính gia đình, bạn bè và người thân thông qua việc gần gũi, sẻ chia, giúp giải tỏa căng thẳng, giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực.

Tại các nước đang phát triển như: Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, nơi lực lượng trẻ đông đảo nhưng thiếu cơ hội việc làm, sự nghèo đói, bạo lực gia đình, áp lực học hành đã khiến nhiều thanh thiếu niên tìm đến cái chết. Trong khi đó, ở một số nước có nền kinh tế phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, tỷ lệ tự tử cũng tương đối cao. 

Tỷ lệ sinh giảm được cho là nguyên nhân gây áp lực tâm lý nặng nề lên những đứa trẻ trong các gia đình ít con. Các phương tiện truyền thông xã hội cũng được xem là có mối liên quan trực tiếp với tỷ lệ tự tử của thanh thiếu niên do những người trẻ thường có xu hướng giao tiếp ảo bằng thiết bị công nghệ thay vì trò chuyện trực tiếp ngoài đời thật.

Tiến sỹ, bác sỹ Lại Đức Trường, chuyên gia Văn phòng WHO Việt Nam, cho biết:

"Giải pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa tự tử cho cộng đồng là phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Khi phát hiện thấy người có biểu hiện như: dọa tự tử, tìm thuốc trừ sâu, thuốc ngủ hoặc lướt web tìm cách tự tử, chúng ta cần tìm cách trò chuyện với người đó. Cần nhớ rằng việc trao đổi về tự tử là bình thường. Đồng thời, chúng ta nên tìm trợ giúp của người khác, nhất là các chuyên gia về lĩnh vực này.

Giải pháp thứ 2 là ngăn ngừa đối tượng có nguy cơ cao tiếp cận với các phương tiện gây tự tử như: thuốc trừ sâu, thuốc ngủ, súng, đạn. Bên cạnh đó, cần tạo ra môi trường giảm yếu tố nguy cơ gây tự tử như: xây dựng và thực thi chính sách kiểm soát rượu bia, giảm nghèo đói, bạo lực, xung đột.

Tất cả giải pháp trên cần hành động liên ngành. Tốt nhất là mỗi quốc gia phải xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động phòng ngừa tự tử. Trong kế hoạch này phải xác định rõ trách nhiệm của mỗi ban, ngành, đoàn thể như: ngành y tế, giáo dục, cộng đồng… và chính quyền các cấp".

Theo WHO, hiện trên thế giới chỉ có 38 nước có chiến lược ngăn ngừa tự tử cấp quốc gia, quá ít so với một vấn đề y tế công cộng toàn cầu nghiêm trọng như vậy. Tình trạng tự tử của người trẻ cũng đang rất đáng báo động ở Việt Nam khi nước ta xếp ở vị trí thứ 13 trong danh sách các quốc gia châu Á có tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử cao nhất vào năm 2016 của WHO, số người tự tử do trầm cảm mỗi năm ở Việt Nam ước tính vào khoảng 40.000 người. Rõ ràng, đã đến lúc cả cộng đồng cần chung tay góp phần giảm thiểu những cái chết hoàn toàn có thể ngăn chặn này.

WHO: Cứ 40 giây trên thế giới lại có một người chết vì tự tử WHO: Cứ 40 giây trên thế giới lại có một người chết vì tự tử

VTV.vn - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: Cứ sau mỗi 40 giây, trên thế giới lại có một người chết vì tự tử.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước