Trong thông báo ngày 10/5, chính quyền Scotland cho biết đã áp dụng các biện pháp giới hạn sự di chuyển của những con bò và động vật khác ra ngoài phạm vi trang trại, cũng như các biện pháp giới hạn đối với những động vật đã tiếp xúc với trường hợp bò bị bệnh nói trên. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra nguồn gốc của bệnh, đồng thời khẳng định không có rủi ro nào đối với sức khỏe con người do trường hợp bò bị bệnh đã được cách ly.
Sheila Voas - Giám đốc thú y của Scotland - cho biết: "Việc phát hiện nhanh trường hợp này là bằng chứng cho thấy hệ thống giám sát của chúng tôi đang hoạt động hiệu quả. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Thú y và Thực vật và các đối tác khác để xác định căn bệnh này đến từ đâu.
Tôi muốn trấn an cả nông dân và công chúng rằng rủi ro liên quan đến trường hợp cá biệt này là rất nhỏ. Nhưng nếu bất kỳ người nông dân nào lo ngại, tôi sẽ kêu gọi họ tìm kiếm lời khuyên từ thú y".
Bệnh bò điên, hay còn gọi là bệnh viêm não thể bọt biển (tiếng Anh là bovine spongiform encephalopathy, viết tắt BSE) thường tấn công hệ thần kinh trung ương của bò và khiến con vật chết. Căn bệnh này được phát hiện lần đầu tiên ở Anh vào cuối những năm 1980, sau đó lan sang các khu vực khác ở châu Âu và tàn phá đàn gia súc cho đến đầu những năm 2000.
Căn bệnh này lên đến đỉnh điểm vào năm 1992 khi có hơn 37.000 trường hợp mắc bệnh nhưng kể từ đó đã giảm rõ rệt do các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, bao gồm lệnh cấm cho động vật nhai lại ăn protein động vật.
Theo Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH), tỷ lệ mắc bệnh bò điên đã giảm rõ rệt trong những năm gần đây và theo ước tính, gần như không có ca bệnh nào được ghi nhận mỗi năm trên toàn thế giới.
Bệnh bò điên xảy ra thông qua việc tiêu thụ thức ăn bị ô nhiễm. Đây là căn bệnh nguy hiểm, nếu con người ăn phải thịt gia súc mắc bệnh thì có thể bị mất dần các nhận thức giác quan, viêm não và trường hợp nặng dẫn đến tử vong.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!