Xung đột Israel - Palestine năm 2021: Nguy cơ "chiến tranh toàn diện"

Trang Phan-Thứ bảy, ngày 15/05/2021 16:14 GMT+7

VTV.vn - Xung đột giữa người Palestine và Israel là vấn đề tồn tại dai dẳng. Tuy nhiên, lần này các hành động leo thang đã diễn ra bất ngờ và ác liệt nhất trong nhiều năm trở lại.

Bạo lực lan rộng từ Dải Gaza sang Bờ Tây

Những ngày này, các hành động bạo lực giữa quân đội Israel và người Palestin đang gia tăng với tốc độ nguy hiểm, từ Dải Gaza lan đến Bờ Tây, đánh dấu sự quay trở lại của "chảo lửa Trung Đông" - một trong những điểm nóng dai dẳng và phức tạp nhất thế giới.

Trong 24h qua, đã có ít nhất 10 người Palestine thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các cuộc đụng độ với quân đội Israel tại khu vực Bờ Tây. Phía Israel đã sử dụng hơi cay, đạn cao su và đạn thật trong khi người Palestine ném bom xăng tự chế.

Xung đột Israel - Palestine năm 2021: Nguy cơ chiến tranh toàn diện - Ảnh 1.

Bạo lực giữa quân đội Israel và người Palestine lan ra khu Bờ Tây ( Ảnh: Getty Images)

Các cuộc tấn công bạo lực giữa Israel và Palestine khởi phát hôm thứ Hai (ngày 10/5), diễn ra sau nhiều tuần căng thẳng giữa Israel và Palestine ở Đông Jerusalem - nơi đang nằm dưới sự kiểm soát của Israel và được phía Palestine coi là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.

Ngòi nổ là một cuộc đụng độ giữa cảnh sát Israel và người Palestine tại một một khu phức hợp trên đỉnh đồi thiêng ở Đông Jerusalem - nơi được cả người Hồi giáo và người Do Thái tôn kính. Lực lượng vũ trang Hamas của Palestin kiểm soát Dải Gaza đã bắn rocket cảnh cáo Israel phải rút lui khỏi địa điểm linh thiêng trên. Hành động này lập tức vấp phải các cuộc không kích trả đũa của Israel xuống các mục tiêu của Hamas tại Dải Gaza.

Xung đột Israel - Palestine năm 2021: Nguy cơ chiến tranh toàn diện - Ảnh 2.

Israel tấn công Dải Gaza bằng các cuộc không kích. (Ảnh: AFP)

Nguy cơ "chiến tranh toàn diện" giữa Hamas và Israel

Ngòi nổ tấn công trả đũa đã được kích hoạt. Cả Israel và phong trào Hamas đều chưa có dấu hiệu dừng bước và bạo lực đang có nguy cơ theo lang. Ngày 13/5, lực lượng vũ trang Hamas của Palestine tại Dải Gaza cho biết đã triển khai một số máy bay vũ trang không người lái, bên cạnh rocket và đạn cối, tấn công vào khu vực miền Nam Israel.

Chiều cùng ngày, phong trào Hamas thông báo đã bắn thêm khoảng 100 quả tên lửa về phía khu vực Beersheba và miền Trung Israel, khiến hệ thống báo động vang lên ở nhiều nơi. Tổng số đạn pháo bắn vào Israel trong những ngày qua đã lên tới hàng nghìn quả, nhằm vào các địa điểm khác nhau trên lãnh thổ Israel, bao gồm cả thủ đô Tel Aviv.

Xung đột Israel - Palestine năm 2021: Nguy cơ chiến tranh toàn diện - Ảnh 3.

Loạt rocket được phóng từ Dải Gaza về phía lãnh thổ Israel ngày 14/5/2021. (Ảnh: AFP)

Đáp trả lại, quân đội Israel thông báo tiến hành cuộc không kích lớn nhất trên toàn Dải Gaza kể từ cuộc xung đột ở Gaza năm 2014, trong đó có nhằm mục tiêu vào nơi ở của các quan chức cấp cao Hamas. Đêm 14/5, Israel đã không kích một ngân hàng được cho là của lực lượng vũ trang Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Xung đột Israel - Palestine năm 2021: Nguy cơ chiến tranh toàn diện - Ảnh 4.

Pháo tự hành của Israel được điều động tới khu vực biên giới với Dải Gaza ngày 13/5/2021. (Ảnh: AFP)

Đến rạng sáng ngày 14/5, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng "các lực lượng bộ binh của Israel đang tấn công vào Dải Gaza", tuy nhiên sau đó đã phủ nhận thông tin trên và nêu nguyên nhân là do vấn đề liên lạc nội bộ gây nhầm lẫn.

Xung đột Israel - Palestine năm 2021: Nguy cơ chiến tranh toàn diện - Ảnh 5.

Binh sĩ Israel hướng nòng pháo tự hành về phía Dải Gaza, từ vị trí đóng chốt ở thành phố Sderot, miền Nam Israel, ngày 13/5/2021. (Ảnh: AFP)

Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas đến nay đã khiến ít nhất 126 người Palestine thiệt mạng ở Dải Gaza (trong đó có 31 trẻ em). Khoảng 950 người Palestin khác bị thương. Phía Israel cũng thông báo có 8 người thiệt mạng kể từ khi giao tranh bắt đầu.

Đặc phái viên Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland cảnh báo, với những động thái trên, hai bên dường như đang hướng tới "một cuộc chiến tranh toàn diện".

Xung đột Israel - Palestine năm 2021: Nguy cơ chiến tranh toàn diện - Ảnh 6.

Khói từ một tòa nhà bị sập sau khi không kích Israel không kích Thành phố Gaza vào ngày 12/5/2021. (Ảnh: AP)

Mồi lửa châm ngòi xung đột

Tranh chấp giữa người Palestine và Israel là vấn đề đã tồn tại dai dẳng. Tuy nhiên, lần này các hành động xung đột đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Xung đột lần này có nguyên nhân trực tiếp từ vụ việc một số người dân Palestine đấu tranh phản đối bị cưỡng chế khỏi khu vực Sheikh Jarrah ở Đông Jerusalem để nhường đất cho các dự án xây dựng khu định cư của người Do Thái, sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài hàng thập kỷ. Một số gia đình Palestine được lệnh rời đi trước ngày 1/8 tới.

Hầu hết cư dân ở Sheikh Jarrah là người Palestine, nhưng một số người Israel đã chuyển đến định cư tại một số tòa nhà của khu vực này, tuyên bố rằng chúng thuộc sở hữu của người Do Thái từ trước cuộc chiến tranh Arab - Israel năm 1948.

Xung đột Israel - Palestine năm 2021: Nguy cơ chiến tranh toàn diện - Ảnh 7.

Một số gia đình người Palestine tại khu Sheikh Jarrah, Đông Jerusalem được lệnh phải rời khỏi nơi mình gắn bó nhiều năm, trước ngày 1/8/2021. (Ảnh: AP)

Bất chấp nhiều cáo buộc của quốc tế cho rằng chính quyền Israel đã có các chính sách phân biệt đối xử nhằm đẩy người Palestine ra khỏi Jerusalem để bảo tồn cộng đồng đa số người Do Thái, Israel bác bỏ những cáo buộc đó và nói rằng tình hình ở Sheikh Jarrah là một cuộc tranh chấp bất động sản tư nhân mà người Palestine đã dùng để kích động bạo lực.

Nhiều người Palestine đã tụ tập, biểu tình bên ngoài các tòa nhà người Do Thái vừa dọn vào ở Sheikh Jarrah, đụng độ xảy ra khiến hàng trăm người bị thương.

Phong trào Hamas đã yêu cầu Israel rút cảnh sát khỏi khu vực Sheikh Jarrah. Và khi tối hậu thư này không được chấp nhận, Hamas đã phóng tên lửa cảnh cáo Israel, châm ngòi cho hành động quân sự quy mô từ phía Israel.

Xung đột Israel - Palestine năm 2021: Nguy cơ chiến tranh toàn diện - Ảnh 8.

Bức ảnh của gia đình Dajani, một trong số các gia đình Palestine phải đối mặt với việc bị trục xuất sắp xảy ra ở khu Sheikh Jarrah. (Ảnh AP)

Việc chính quyền Israel đẩy người Palestine khỏi khu vực sinh sống của họ cũng trùng thời điểm ngày 7/5 là ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng lễ Ramadan. Khi người Palestine đến Đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem để cầu nguyện, đụng độ dữ dội đã xảy ra giữa những người cầu nguyện với lực lượng an ninh Israel khiến một số người Palestine thiệt mạng.

Những căng thẳng cùng lúc đã trở thành mồi lửa châm ngòi cho xung đột kéo dài những ngày qua giữa Hamas và Israel, và hiện không chỉ ở Dải Gaza, xung đột đã lan sang Bờ Tây.

Xung đột Israel - Palestine năm 2021: Nguy cơ chiến tranh toàn diện - Ảnh 9.

Người Palestine vẫy cờ của phong trào Hamas bên ngoài Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa để phản đối hành động của chính quyền Israel. (Ảnh: Reuters)


Xung đột Israel - Palestine năm 2021: Nguy cơ chiến tranh toàn diện - Ảnh 10.

Xe cảnh sát bị đốt cháy tại thành phố Lod, gần Tel Aviv, Israel, ngày 11/5/2021. (Ảnh: AFP)

Quốc tế lên án cuộc xung đột

Trước tình xung đột leo thang ở Trung Đông, ngày 14/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt hành vi bạo lực của Israel đối với người dân Palestine. Trong cuộc điện đàm với Quốc vương Qatar, ông Rouhani kêu gọi các quốc gia Hồi giáo cần hợp tác, và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) cần đóng vai trò tích cực hơn trong vấn đề này vì OIC được thành lập ban đầu để giải quyết vấn đề Palestine.

Cùng ngày, Ai Cập đã đề nghị Israel nhất trí với thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một năm giữa Israel với phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza. Ai Cập hiện đang là một trong những quốc gia tích cực nhất trong nỗ lực làm trung gian hòa giải cho một lệnh ngừng bắn giữa Israel - Hamas. Tuy nhiên, phía Israel cho biết sẽ không nhất trí với lệnh ngừng bắn trước ngày 15/5.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry hôm 13/5 đã kêu gọi chấm dứt sớm các cuộc đụng độ chết người giữa Palestine và Israel. Bộ Ngoại giao Nga thông báo, trong cuộc điện đàm, ngoại trưởng hai nước đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự leo thang căng thẳng nguy hiểm này. Hai bên cũng ủng hộ các nỗ lực phối hợp nhằm tái khởi động cuộc đàm phán trực tiếp giữa Palestine-Israel, trong đó có cả thông qua cơ chế của Bộ tứ Trung Đông (gồm Nga, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ).

Cũng trong ngày 13/5, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết nước này "kiên quyết" bảo vệ các đền thờ Do Thái ở Đức sau khi xảy ra các cuộc biểu tình rải rác ở quốc gia châu Âu này liên quan tới cuộc xung đột leo thang tại Trung Đông. Ngoại trưởng Maas tuyên bố Đức sẽ không khoan nhượng đối với các cuộc tấn công nhằm vào các Đền thờ Do Thái ở Đức và cam kết "an ninh vững chắc" cho các ngôi đền này. Các cuộc biểu tình phản đối Israel cũng xảy ra ở các thành phố như Muenster, Bonn, Hanover, miền Đông nước Đức.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ nhóm họp công khai vào ngày 16/5 để thảo luận về căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine. Cuộc họp sẽ diễn ra lúc 10h00 giờ Mỹ ngày 16/5 (tức 21h00 giờ Việt Nam cùng ngày). Theo các nhà ngoại giao, trong cuộc họp mới nhất diễn ra ngày 12/5, có 14/15 nước ủy viên của HĐBA đã ủng hộ ra tuyên bố chung nhằm kêu gọi các bên giảm leo thang căng thẳng.

Lịch sử căng thẳng giữa Israel và Palestine

Palestin và Israel ngày nay nằm trên một vùng đất có lịch sử lâu đời, là mảnh đất linh thiêng đầy huyền thoại và truyền thuyết, là đất thánh của ba tôn giáo lớn: Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo.

Nhưng đây cũng là mảnh đất của xung đột và nước mắt.

Xung đột Israel - Palestine năm 2021: Nguy cơ chiến tranh toàn diện - Ảnh 11.

Các vùng lãnh thổ của Palestine và Israel (Ảnh: BBC)

Sự chung sống giữa người Arab và người Do thái chưa bao giờ yên ả trên trên mảnh đất này, với những cuộc tranh chấp kéo dài hàng ngàn năm lịch sử. Rồi từ năm 973 trước Công nguyên, Palestin lần lượt bị các vương quốc lân cận xâm chiếm và đến năm 64 trước công nguyên thì bị đế quốc La Mã đô hộ. Trong thời gian này, các cuộc đàn áp của người La Mã đã khiến người Do Thái phải phiêu bạt khắp thế giới.

Xung đột Israel - Palestine năm 2021: Nguy cơ chiến tranh toàn diện - Ảnh 12.

Lực lượng tự vệ người Do Thái năm 1948 (Ảnh: Getty Images)

Cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ nhất kết thúc, Palestin được đặt dưới quyền ủy trị của Anh. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, trước tình trạng người Do Thái phiêu bạt bị Đức Quốc xã đàn áp, Liên hợp quốc quyết định cho người Do Thái được trở về vùng đất Palestine. Nghị quyết 181 của LHQ ngày 29/11/1947 đã chia Palestin thành hai quốc gia: một của người Arab và một của người Do Thái. Quốc gia của người Arab chỉ chiếm 43,5% diện tích lãnh thổ Palestin, mặc dù dân số chiếm 2/3. Còn quốc gia của người Do Thái, với 1/3 dân số thì được kiểm soát 56,5% diện tích của vùng đất này. Và nửa năm sau đó, ngày 14/5/1948, Nhà nước Israel tuyên bố độc lập, với quyền thành viên đầy đủ tại các tổ chức quốc tế gồm cả Liên hợp quốc. Nhưng đối với người Arab Palestin, thì đó lại là ngày Thảm họa vì đã có hơn 60% người dân Palestin bị đuổi ra khỏi vùng lãnh thổ - nơi họ sinh sống từ nhiều thế kỉ. Và từ đó đến tận bây giờ, người Palestin vẫn đi tìm kiếm nhà nước của mình.

Xung đột Israel - Palestine năm 2021: Nguy cơ chiến tranh toàn diện - Ảnh 13.

Cuộc chiến tranh 1967 (Ảnh: Getty Images)

Tuy nhiên, sự phân chia theo nghị quyết 181 của LHQ chưa bao giờ được các nước Arab đồng tình. Và đây là lý do dẫn đến "Cuộc chiến tranh 6 ngày" năm 1967, Israen đã đánh chiếm một vùng đất rộng lớn tại Trung đông, bao gồm cả toàn bộ phần đất của Palestin và Đông Jerusalem.

Tiến trình hòa bình giữa Israen và Palestin đạt kết quả lớn nhất vào năm 1993 với Hiệp định hòa bình Oslo. Tuy nhiên, hiệp định ấy chỉ dẫn đến việc Israen rút khỏi dải Gaza và một phần Bờ Tây. Từ đó đến nay Israel tiếp tục chính sách xây dựng các khu định cư đan xen trong những phần đất của người Palestine, biến cuộc xung đột Trung Đông thành một cuộc tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu đời nhất trong lịch sử thế giới đương đại.

Sau nhiều nỗ lực đàm phán trực tiếp bất thành, vào năm 2011, Palestin đã đệ đơn xin gia nhập Liên hợp quốc với tư cách Nhà nước Palestin theo những đường biên giới năm 1967, với thủ đô là Đông Jerusalem. Một năm sau, tháng 9/2012, Palestin phát động chiến dịch vận động nâng cấp quy chế của mình tại Liên hợp quốc, từ "thực thể quan sát viên" lên "nhà nước quan sát viên". Tuy nhiên, mơ ước thành lập một nhà nước Palestine độc lập vẫn luôn xa vời.

Các nỗ lực thúc đẩy một giải pháp hòa bình toàn diện và bền vững cho cuộc xung đột Israel-Palestine trên cơ sở hai nhà nước cùng tồn tại cho tới nay vẫn chưa đạt kết quả, do thiếu các nỗ lực quốc tế và sự thiếu quyết tâm vì tính toán lợi ích của các bên liên quan.

Vì thế, với các biện pháp của Israel đẩy mạnh xây dựng các khu định cư Do Thái tại những vùng đất nước này chiếm đóng từ năm 1967, trong khi các tay súng Palestine vẫn tiến hành các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu Do Thái, điểm nóng Trung Đông này sẽ khó hạ nhiệt và sẽ bùng lên bất cứ lúc nào, như đợt leo thang căng thẳng khó có giải pháp như hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước