Xung đột Nga - Ukraine: Trật tự thế giới có thể bị đảo lộn?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 23/03/2022 06:15 GMT+7

VTV.vn - Xung đột Nga - Ukraine như lời cảnh tỉnh về việc các nước giải quyết bất đồng, xung đột lợi ích trên chiến trường thay vì bàn đàm phán sẽ dẫn đến mất kiểm soát tình hình.

Đã 4 tuần kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2/2022. Trên chiến trường, giao tranh vẫn diễn ra.ác liệt. Các nước phương Tây siết chặt trừng phạt kinh tế đối với Nga song song với viện trợ quân sự cho Ukraine.

Từ khi chiến sự nổ ra, gần 4 triệu người đã rời khỏi Ukraine. Kinh tế toàn cầu bắt đầu chịu tác động bởi cuộc xung đột. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc đối đầu giữa Nga - Ukraine đang và sẽ làm thay đổi trật tự thế giới cũng như sự ổn định quốc tế đã vận hành hàng chục năm qua.

Tọa đàm: Xung đột và đổ vỡ

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine

Ngày 24/2/2022, Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine. Lực lượng đã chống trả quyết liệt. Cả hai phía đều chịu nhiều thương vong nhưng con số cụ thể không được xác thực.

Về phía Nga, Bộ Quốc phòng nước này xác nhận đã sử dụng tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa Iskander trong khi lực lượng tấn công trên bộ chủ lực là xe tăng T-72B3, bệ phóng tên lửa Grad, Smerch và Uragan... Ukraine còn cáo buộc Nga sử dụng bom chùm nhưng điện Kremlin đã bác bỏ.

Xung đột Nga - Ukraine: Trật tự thế giới có thể bị đảo lộn? - Ảnh 2.

Dàn xe tăng T-72B3 trong cuộc tập trận tại trường bắn Kadamovskiy ở Rostov, miền Nam nước Nga (Ảnh: AP)

Các nước phương Tây đã chuyển nhiều vũ khí cho Ukraine, bao gồm máy bay không người lái Bayraktar, máy bay không người lái cảm tử Switchblade, tên lửa phòng không Starstreak, tên lửa phòng không di động Stinger, tên lửa chống tăng tầm trung Javelin, vũ khí chống tăng thế hệ kế tiếp, súng trường, súng máy, súng bắn tỉa và nhiều loại đạn pháo... Tuy nhiên, các nước phương Tây vẫn tránh can thiệp sâu hơn.

Bên cạnh những trận đánh ác liệt tại đô thị, Nga và Ukraine đã tiến hành 4 vòng đàm phán. Hơn 4 triệu người đã sơ tán khỏi Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt. Họ tạm lánh nạn ở các nước láng giềng như Ba Lan, Hungary, Slovakia, Romania, Belarus... Trong khi đó, khoảng 7 triệu người được cho là đang đi sơ tán trong nước.

Cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine có khoảng 7 nghìn người, hầu hết đã sinh sống tại quốc gia này trong nhiều năm. Khi chiến sự nổ ra, hầu hết bà con đã lánh nạn sang các nước láng giềng. Đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các chuyến bay đưa gần 1.400 người Việt Nam và gia đình của họ có nguyện vọng được trở về nước an toàn.

Đàm phán Nga - Ukraine và lập trường của mỗi bên

Cho tới nay, Nga và Ukraine đã trải qua 4 vòng đàm phán. Trong vòng đàm phán mới nhất, hai bên tập trung vào các vấn đề hòa bình, ngừng bắn và rút quân ngay lập tức cùng các đảm bảo về hai bên.

Về phía Nga, theo ông Vladimir Medinsky - Cố vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin và cũng là Trưởng đoàn đàm phán của Nga, Moscow sẽ ngưng ngay lập tức chiến dịch quân sự của họ tại Ukraine dựa trên 4 điều kiện:

- Nếu lực lượng Ukraine ngừng phản kích.

- Nếu Kiev chấp nhận vị thế trung lập và phi hạt nhân.

- Nếu Crimea được thừa nhận là lãnh thổ của Nga.

- Nếu hai vùng lãnh thổ ly khai Lugansk và Donetsk được Ukraine công nhận là các quốc gia độc lập.

Về phía Ukraine, ông Mykhailo Podolyak - Cố vấn Tổng thống Ukraine Zelensky - khẳng định, việc Nga rút quân ngay lập tức là một trong những điểm chủ chốt của thỏa thuận hòa bình, đồng thời nước này muốn có ít nhất 1 quốc gia hạt nhân phương Tây tham gia vào các cuộc đàm phán, 1 văn bản ràng buộc pháp lý về cơ chế đảm bảo an ninh. Đổi lại, Kiev sẵn sàng thảo luận về quy chế trung lập quân sự.

Sự trung lập của Ukraine được cho là một trong những yếu tố then chốt, có thể giúp giải quyết tình hình hiện nay.

Các chuyên gia nói gì về xung đột Nga - Ukraine?

Lúc này, cả Nga và Ukraine đều đang thận trọng xem xét từng điều kiện mà hai bên giữ kín nội dung cụ thể. Tuy nhiên, trên chiến trường, đặc biệt là ở các đô thị lớn, xung đột diễn ra ác liệt với những vũ khí tối tân được sử dụng.

Xung đột Nga - Ukraine: Trật tự thế giới có thể bị đảo lộn? - Ảnh 3.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Ảnh: Reuters)

Ông Triệu Lập Kiên - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cho rằng: "Vũ khí của Mỹ có mang lại sự ổn định và an ninh cho Ukraine không hay nó sẽ gây ra nhiều thương vong dân sự hơn? Dân thường Ukraine cần thức ăn và túi ngủ hơn hay là súng máy và đạn cối?".

Xung đột Nga - Ukraine: Trật tự thế giới có thể bị đảo lộn? - Ảnh 4.

Bà Nina Potarska (Ảnh: Commons)

"Chúng tôi chỉ nhìn thấy lợi ích của những người kiếm được tiền trong cuộc chiến này. Họ thậm chí còn cung cấp các khoản vay. Cuộc xung đột này không chỉ là giữa người Ukraine và Nga, đây là một cuộc xung đột giữa Nga và Mỹ" - bà Nina Potarska thuộc Liên đoàn Phụ nữ quốc tế vì Hòa bình và Tự do nhận định.

Xung đột Nga - Ukraine: Trật tự thế giới có thể bị đảo lộn? - Ảnh 5.

Nghị sĩ Diane Abbott (Ảnh: Getty)

Bà Diane Abbott - Nghị sĩ Anh - cho rằng: "NATO là một thế lực hạt nhân và Nga cũng vậy. Chúng ta cần giảm leo thang và đối thoại chứ không phải quân sự hóa và đe dọa chiến tranh".

Bản chất xung đột Nga - Ukraine từ góc độ địa lý và lịch sử

Để tránh một cuộc chiến tranh kéo dài, không chỉ là việc hai bên ngừng tiếng súng hay các nước phương Tây ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine. Nếu nhìn vào căn nguyên sâu xa của cuộc xung đột này, có thể thấy rõ nó bắt nguồn từ những xung đột về lợi ích chính trị, những lợi ích sống còn mà các bên không dễ nhượng bộ.

Xung đột Nga - Ukraine: Trật tự thế giới có thể bị đảo lộn? - Ảnh 6.

Nhìn vào vị trí địa chiến lược mà Ukraine nắm giữ, có thể thấy rõ, quốc gia này nằm trong vành đai tiếp giáp và là vùng đệm tự nhiên giữa Nga và các nước phương Tây. Với Nga, Ukraine là quốc gia có những gắn bó chặt chẽ về lịch sử. Đây cũng là nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ lớn nhất ngoài nước Nga, có dân tộc thiểu số Nga lớn nhất bên ngoài nước Nga. Ukraine còn là cửa ngõ để Nga tiếp cận, đảm bảo các lợi ích ngoài Biển Đen, duy trì ổn định hành lang bảo vệ vành đai ngoài biên giới cùng Belarus và Gruzia.

Ukraine luôn nằm trong toan tính của các nước Liên minh châu Âu muốn kết nạp, thể hiện một châu Âu thống nhất, tạo thế đối trọng với Nga. Trong khi đó, về mặt quân sự, Ukraine cũng có vị trí đặc biệt khi nằm ngay sát hành lang phía Đông của NATO, nơi đặt các căn cứ của NATO tại Ba Lan, Litva và Romania.

Cùng với đó, cả Nga và phương Tây đều có lợi ích về kinh tế tại Ukraine khi đây là quốc gia có đường ống dẫn khí chính từ Yamal tới châu Âu chạy qua.

Với vị trí địa chính trị này, bản thân Ukraine luôn nằm trong trung tâm cạnh tranh giữa các nước lớn, phải đứng trước một quyết định khó khăn là lựa chọn giữa Nga và phương Tây. Xung đột luôn chực chờ bùng phát mỗi khi cán cân không thăng bằng.

Từ năm 1997 đến nay, 14 quốc gia phía Đông châu Âu, trong đó gồm nhiều nước từng thuộc khối Hiệp ước Warszawa, đều đã gia nhập NATO và EU. Một loạt các căn cứ quân sự, vũ khí, khí tài của phương Tây được thiết đặt sát Nga. Những quốc gia vùng đệm giữa Nga với phương Tây như Gruzia, Ukraine, Moldova trở thành những chốt chặn cuối cùng ngăn NATO phủ kín lực lượng tại sườn phía Tây nước Nga. Vì vậy, dù bất kỳ quốc gia nào trong 3 nước này trở thành thành viên NATO cũng có thể là mồi lửa cho một cuộc chiến tranh.

Nga đã khẳng định nhiều lần rằng, việc NATO kết nạp Ukraine là một lằn ranh đỏ không được phép bước qua.

Các nước EU và NATO nhiều lần hứa hẹn với Ukraine rằng, một ngày nào đó, Ukraine sẽ có cơ hội gia nhập liên minh, thắp lên niềm hy vọng tràn trề ở Kiev. Trong suốt hơn 20 năm, kể từ năm 1997 khi Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma ký Hiến chương về quan hệ đối tác đặc biệt giữa NATO và Ukraine, cho đến nay, vấn đề tư cách thành viên NATO của Ukraine luôn vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Nga.

Tuy nhiên, Ukraine vẫn không từ bỏ giấc mộng NATO. Năm 2019, quyết tâm gia nhập NATO thậm chí được đưa vào hiến pháp Ukraine. Trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Zelensky từ tháng 5/2019 đến nay, quan hệ giữa Nga và Ukraine trở nên căng thẳng. Giờ đây, Nga đã đánh mất sự kiên nhẫn chiến lược và súng đã nổ.

Xung đột Nga - Ukraine: Trật tự thế giới có thể bị đảo lộn? - Ảnh 7.

Giáo sư Mearsheimer (Ảnh: London School of Economics)

"Nga chắc chắn không muốn một lá chắn của phương Tây chình ình trước ngưỡng cửa. Điều này, xét theo quan điểm của Nga, là hoàn toàn hợp lý. Tôi không hiểu tại sao rất nhiều người ở phương Tây không chịu hiểu điều đơn giản này" - Giáo sư Mearsheimer, Nhà nghiên cứu chính trị quốc tế tại Đại học Chicago (Mỹ), nhận định.

Theo Giáo sư Mearsheimer, việc phương Tây hiểu sai lợi ích của Nga là một trong các nguyên nhân khiến xung đột leo thang.

Có những đánh giá rằng, phương Tây đã xem nhẹ những cảnh báo của Nga từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 về việc bảo vệ lằn ranh đỏ chiến lược.

Ông Klaus Ernst - Chủ tịch Ủy ban Hạ viện Đức về Khí hậu và Năng lượng - cho rằng: "Nga chắc chắn có lợi ích an ninh của riêng mình. Việc NATO mở rộng về phía Đông là không khôn ngoan và chỉ vì lợi ích của bản thân. Rõ ràng điều này đã khiến Nga lo ngại về an ninh của mình".

"Việc Nga tăng cường quân đội ở biên giới Ukraine không phải là điểm khởi đầu của sự leo thang hiện tại. Nhìn xa hơn về phía Đông, phương Tây cũng sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để đẩy lợi ích của Nga ra khỏi Ukraine" - cựu Nghị sĩ Đức Christine Buchholz cho biết.

Năm 2014, khi đánh giá vấn đề Ukraine, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã nhấn mạnh, nếu Ukraine muốn tồn tại và phát triển phồn thịnh thì tuyệt đối không thể trở thành tiền đồn của bất cứ bên nào chống lại bên kia mà phải đóng vai trò cầu nối. Vị trí địa lý đã trao cho Ukraine sứ mệnh là vùng đệm chiến lược giữa Nga và phương Tây. Cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay là một minh chứng điển hình cho việc không thể xem nhẹ yếu tố địa chính trị trong ván cờ chiến lược của mỗi quốc gia.

Nga quan ngại về xung đột gia tăng tại miền Đông Ukraine Nga quan ngại về xung đột gia tăng tại miền Đông Ukraine Ukraine rút quân giai đoạn cuối tại vùng xung đột miền Đông Ukraine rút quân giai đoạn cuối tại vùng xung đột miền Đông LHQ sẵn sàng giúp giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine LHQ sẵn sàng giúp giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước