Chiến sự giằng co giữa Nga và Ukraine, phương Tây không muốn lún sâu vào xung đột quân sự

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 13/03/2022 10:01 GMT+7

VTV.vn - Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã bước sang tuần thứ ba mà chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Các cuộc đàm phán hòa bình vẫn diễn ra nhưng kết quả khá hạn chế.

Ba cuộc hòa đàm đã diễn ra mà chưa đạt được đột phá, trừ việc hai bên mở hành lang nhân đạo cho người dân sơ tán. Chiến tranh kinh tế giữa Nga và phương Tây tiếp tục leo thang chưa biết đâu là điểm dừng. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đưa cấu trúc an ninh châu Âu và trật tự thế giới bước sang một trang mới.

Chiến sự giằng co giữa Nga và Ukraine

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã bước sang tuần thứ ba mà chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Mỹ cũng như EU tiếp tục đưa ra những đòn trừng phạt Nga, đồng thời làm rúng động thị trường thế giới. Cuộc đối đầu này rồi sẽ đi đến đâu. Đến khi nào thì điện Kremlin thấy mục đích của chiến dịch quân sự đã hoàn tất? Đó là một câu hỏi lớn rất khó trả lời. Nhưng có một điều cần nhìn xa hơn những diễn biến chiến sự, đó là những hậu quả và tác động của chiến dịch quân sự này tới an ninh, sự ổn định của cả khu vực châu Âu. Nói cách khác, các quốc gia ở châu Âu sẽ phải thay đổi chính sách an ninh chiến lược trong một thế cờ đã rất khác trước.

Nửa tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tình hình trên thực địa vẫn là sự giằng co. Lực lượng Nga tiếp tục phá hủy các cơ sở quân sự của Ukraine để thực hiện mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine.

Ông Igor Konashenkov - Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "Tổng cộng 2.911 cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine đã bị phá hủy, trong đó có 97 máy bay, 107 máy bay không người lái, 141 hệ thống phòng thủ tên lửa phòng không".

Chiến sự giằng co giữa Nga và Ukraine, phương Tây không muốn lún sâu vào xung đột quân sự - Ảnh 1.

Người dân Ukraine lên xe buýt rời Kiev ngày 24/2. Ảnh: AP

Về phía Ukraine, quân đội nước này tuyên bố đã bắn rơi tổng cộng 52 máy bay chiến đấu và 69 máy bay trực thăng của Nga trong vòng 12 ngày từ 24/2 đến 7-3. Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Ukraine cho biết, nước này chịu thiệt hại khoảng 10 tỷ USD về cơ sở hạ tầng. Ukraine nói rằng 11.000 quân Nga đã thiệt mạng, trong khi Nga trước đó xác nhận khoảng 500 binh sĩ nước này tử trận. Không bên nào đưa ra con số thương vong của lực lượng Ukraine.

Trên thực địa, những hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies chụp cho thấy đoàn xe quân sự dài 64 km Nga gần thủ đô Kiev đã phân tán vào các khu rừng và được triển khai thành từng nhóm nhỏ. Lực lượng Nga cách thủ đô Kiev 17 km về phía Tây Bắc. Trước sự kêu gọi của cộng đồng quốc tế, Nga và Ukraine đã thống nhất tạm ngừng bắn để mở hành lang nhân đạo ở 5 thành phố như: Kiev, Chernigov, Sumy, Kharkov và Mariupol. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn liên tục bị vi phạm trước sự đổ lỗi của các bên.

Ông Dmytro Kuleba - Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine thông báo: "Ukraine và Nga đã đề cập tới một lệnh ngừng bắn 24 giờ để giải quyết những vấn đề nhân đạo cấp bách nhất, nhưng chúng tôi đã không đạt được tiến triển về vấn đề này".

Trong quá trình tiến quân, Nga tuyên bố lực lượng nước này đã thu thập được chứng cứ cho thấy chính quyền Kiev đang tìm cách xóa dấu vết về sự tồn tại của chương trình vũ khí sinh học ở Ukraine mà theo Nga là do Mỹ tài trợ. Nga cũng đã đề nghị HĐBA họp về nghi vấn chương trình sinh học của Mỹ tại Ukraine.

Bà Maria Zakharova - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói: "Chính quyền Mỹ có nghĩa vụ để giải thích với cộng đồng quốc tế một cách chính thức về các chương trình ở Ukraine".

Phản ứng trước tuyên bố này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố, cáo buộc của Nga là sai sự thật, còn Kiev thì cũng đe dọa đáp trả.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky: "Không có vũ khí hóa học hay bất kỳ vũ khí hủy diệt hàng loạt nào được phát triển tại Ukraine. Nếu anh làm điều gì đó tương tự chống lại chúng tôi, anh sẽ nhận được phản ứng trừng phạt nghiêm khắc nhất".

Trong lúc này, dòng người từ Ukraine vẫn đổ sang các nước láng giềng. Liên hợp quốc cho biết đã có hơn 2 triệu người người từ Ukraine đi lánh nạn, con số lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến thứ Hai.

Bế tắc đàm phán Nga - Ukraine

Chiến sự giằng co giữa Nga và Ukraine, phương Tây không muốn lún sâu vào xung đột quân sự - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (trái) gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (phải) trước cuộc gặp ba bên với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/3/2022. (Ảnh: AP)

Giữa những thông tin hỗn độn về chiến sự thì cuộc đối thoại giữa Ngoại trưởng Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một điểm sáng. Sau cuộc gặp, tuyên bố của các bên đưa ra đã mềm dẻo hơn, nhưng những mâu thuẫn cốt lõi thì vẫn còn nguyên vẹn.

Từ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, Nga và Ukraine đã trải qua 3 vòng đàm phán tại Belarus và một cuộc hội đàm cấp Ngoại trưởng tại Thổ Nhĩ Kỳ, song đều không có bước đột phá nào. Các điều kiện và đề xuất từ cả hai phía đưa ra đều khiến đối phương không dễ chấp nhận.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky: "Vấn đề không đơn giản là chỉ cần chấp nhận các điều kiện đó, đó là một tối hậu thư khác từ phía Nga và chúng tôi không chuẩn bị cho các tối hậu thư. Nhưng chúng tôi có giải pháp khả thi cho ba điều kiện then chốt này, điều cần làm là Tổng thống Putin phải bắt đầu đàm phán, bắt đầu cuộc đối thoại".

Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin: "Không loại trừ khả năng sẽ có cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelenskiy. Nhưng trước tiên, các phái đoàn và bộ trưởng của hai nước cần đặt nền móng bằng cách tiến hành đàm phán để cuộc gặp của hai Tổng thống có thể đạt những kết quả thực chất. Phía Nga đã bày tỏ rõ lập trường của mình. Phía Ukraine đã tiếp nhận các đề xuất rất cụ thể của chúng tôi, chúng tôi đang chờ đợi hồi đáp từ phía họ.

Trong một tuyên bố hiếm hoi kể từ đầu chiến dịch quân sự, Tổng thống Nga Putin cũng cho rằng cánh cửa đàm phán chưa khép lại và đang có triển vọng. "Các cuộc đàm phán với Ukraine hiện đang diễn ra gần như hàng ngày. Các nhà đàm phán của chúng tôi cho biết, đang có một số chuyển biến tích cực".

Các nhà phân tích nhận định khía cạnh nhân đạo là điểm sáng duy nhất trong triển vọng đàm phán giữa Nga và Ukraine, khi các vấn đề khác đều lâm vào bế tắc. Đây có thể là chìa khóa để hai bên đi đến một điểm chung. Điều này đòi hỏi cả Nga và Ukraine thể hiện quyết tâm chính trị để tìm kiếm thỏa thuận mà cả hai bên chấp nhận được.

Phương Tây không muốn lún sâu vào xung đột quân sự Nga - Ukraine

Chiến sự giằng co giữa Nga và Ukraine, phương Tây không muốn lún sâu vào xung đột quân sự - Ảnh 3.

Ukraine trông chờ các nước khác đảm bảo an ninh cho mình, nhưng kể từ đầu chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đến nay, không ít lần Tổng thống Ukraine Zelensky lên tiếng than phiền về việc Ukraine đang chiến đấu một mình. Còn Mỹ và NATO thì cũng nhấn mạnh họ không phải là một phần của xung đột. Tuần qua, những tranh cãi giữa Mỹ và Ba Lan về việc gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine đã cho thấy không dễ gì kéo phương Tây vào cuộc đối đầu quân sự này, nhất là với mục đích bảo vệ an ninh cho Ukraine.

Kể từ đầu xung đột, sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev chủ yếu là viện trợ vũ khí phòng thủ, hàng hóa nhân đạo và gây sức ép kinh tế lên Nga với hy vọng Nga chùn bước.

Thế nhưng, Ukraine muốn một sự can sự lớn hơn thế. Nước này hối thúc NATO thiết lập vùng cấm bay để bảo vệ nước này khỏi các đợt không kích của Nga. Một hành động mà NATO đã từ chối thẳng thừng.

Ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký NATO nhấn mạnh: "Chúng tôi, với tư cách là các đồng minh trong NATO, có trách nhiệm trong việc ngăn chặn cuộc chiến này leo thang bên ngoài lãnh thổ Ukraine. Chúng tôi không phải là một phần của cuộc xung đột này".

Để thực thi vùng cấm bay, NATO sẽ phải triển khai máy bay chiến đấu đến Ukraine và phải sẵn sàng bắn hạ những máy bay của Nga xâm phạm. Điều đó là điều châu Âu muốn tránh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky : "Sáng nay chúng tôi đơn độc bảo vệ đất nước của mình, giống như ngày hôm qua. Các lực lượng hùng mạnh nhất trên thế giới quan sát từ xa. Các lệnh trừng phạt ngày hôm qua có thuyết phục được Nga không? Chúng tôi nhìn thấy trên bầu trời của mình và cả trên mặt đất và thấy rằng chúng là không đủ".

Chiến sự giằng co giữa Nga và Ukraine, phương Tây không muốn lún sâu vào xung đột quân sự - Ảnh 4.

Ba Lan - thay vì chuyển máy bay tới Ukraine theo lời kêu gọi của Kiev, đã đề nghị đưa máy bay chiến đấu MiG-29 của mình tới căn cứ của NATO ở Đức.

Đúng là như vậy, Mỹ và châu Âu đang đứng ngoài quan sát cuộc đối đầu. Ngay cả việc viện trợ vũ khí tấn công cho Ukraine cũng rất dè dặt. Như Ba Lan - thay vì chuyển máy bay tới Ukraine theo lời kêu gọi của Kiev, đã đề nghị đưa máy bay chiến đấu MiG-29 của mình tới căn cứ của NATO ở Đức. Đổi lại, Ba Lan sẽ nhận lại tiêm kích F-16 từ Mỹ. Quyền quyết định có chuyển các máy bay MiG 29 đến Ukraine hay không, cũng như chuyển bằng cách nào thuộc về Mỹ. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc bác bỏ đề xuất này, cho rằng có thể làm gia tăng căng thẳng giữa NATO với Nga.

Ông John Kirby - Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ: "Cộng đồng tình báo đánh giá, việc chuyển giao máy bay MiG-29 cho Ukraine sẽ bị hiểu nhầm là hành động gây leo thang căng thẳng và có thể khiến Nga đưa ra những phản ứng đáng kể làm gia tăng nguy cơ leo thang quân sự với NATO".

Bộ Quốc phòng Nga từng cảnh báo rằng, ngay cả những quốc gia cung cấp sân bay cho Ukraine, chứ chưa nói đến việc cung cấp máy bay chiến đấu, để hỗ trợ Ukraine tấn công Nga, sẽ được coi là can dự vào cuộc xung đột và có thể đối mặt với sự đáp trả mạnh mẽ từ Nga.

Hiện tại, những gì mà Ukraine trông đợi từ EU không như nước này kỳ vọng. Chưa vào được NATO, Ukraine ngỏ ý muốn gia nhập EU. Nhưng EU cho biết quá trình này mất nhiều thời gian và cũng không muốn kết nạp một thành viên còn đang chiến tranh.

Bước chuyển mình lịch sử của các nước châu Âu

Soi chiếu vào những diễn biến từ cuộc đối đầu Nga - Ukraine hiện nay, mỗi quốc gia có thể rút ra những bài học hay những sự thích ứng cho riêng mình. Về khu vực châu Âu, khi xung đột xảy ra không phải ở nơi xa xôi mà nó xảy ra giữa lòng châu Âu đã khiến châu lục này có sự chuyển mình mạnh mẽ về chiến lược. Điều đó có thể thấy trong Hội nghị thượng đỉnh châu Âu bất thường tại Versailles, Pháp đã kết thúc vào đêm qua theo giờ Việt Nam. Lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU cùng thống nhất đưa ra tuyên bố chung Versailles, một văn kiện quan trọng ghi nhận những chuyển động mạnh mẽ của châu Âu trước các vấn đề cấp bách liên quan tình hình tại Ukraine, cũng như định hướng chính sách mới cho châu Âu trong tương lai.

Chiến sự giằng co giữa Nga và Ukraine, phương Tây không muốn lún sâu vào xung đột quân sự - Ảnh 5.

Tổng thống Ukraine Zelensky lên tiếng than phiền về việc Ukraine đang chiến đấu một mình.

Tuyên bố Versailles gồm 27 điều khoản, xoay quanh 3 trụ cột là tăng cường năng lực quốc phòng, độc lập về năng lượng và củng cố kinh tế. Xuyên suốt trong các trụ cột này là quan điểm tăng cường quyền tự chủ chiến lược của châu Âu, một sáng kiến được Pháp thúc đẩy từ nhiều năm nay.

Nhiều lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Hà Lan từng hoài nghi sáng kiến này song đến nay đã thừa nhận châu Âu phải tăng cường quyền tự chủ chiến lược, nhất là về an ninh quốc phòng dựa trên nền tảng tự chủ được vấn đề năng lượng.

Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu: Đầu tiên là phải giải đáp được thách thức về năng lượng dù đây chẳng phải là vấn đề mới với châu Âu. Về an ninh, quốc phòng, Hội nghị lần này đã thông qua sáng kiến đầu tư chung với chiến lược hoạt động cụ thể giúp nâng cao năng lực các cơ sở công nghiệp quốc phòng của châu Âu.

Ông Emmanuel Macron - Tổng thống Pháp: Tự chủ được nguồn cung chất bán dẫn và các nguyên liệu thô quan trọng là vấn đề nằm trong chương trình nghị sự được chúng tôi ưu tiên đầu tư trong những tháng tới giúp châu Âu độc lập, có chủ quyền hơn.

Đây không phải lần đầu tiên quyền tự chủ chiến lược được các nhà lãnh đạo châu Âu nhắc đến, ưu tiên cao nhất là tự chủ về an ninh quốc phòng mà giải pháp là thành lập quân đội của EU; ưu tiên tự chủ chiến lược về kinh tế là chấm dứt phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga. Cả 2 vấn đề này đang có thêm ủng hộ của nhiều quốc gia thành viên EU khi căng thẳng ở Ukraine chưa có hồi kết. Tuy nhiên, châu Âu có thể đối mặt với nhiều thách thức khi hiện thực hóa những ưu tiên này.

Cho đến nay, Mỹ và các nước phương Tây vẫn thận trọng để không biến cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine thành cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và phương Tây. Nhưng về tác động lâu dài, chiến dịch quân sự này đã đưa trật tự quốc tế sang một trang mới. Trật tự thế giới đơn cực với Mỹ và phương Tây là trung tâm đang bị thách thức. Đối đầu với Nga càng quyết liệt hơn, chưa biết đâu là giới hạn. Và các nước sẽ phải tính toán lại trong những bài toán khó khăn về đảm bảo an ninh quốc gia và không gian chiến lược, cũng như sự tự chủ để đứng vững trên đôi chân của mình cả về kinh tế lẫn quân sự.

Còn về lối thoát cho tình hình hiện nay. Sẽ được tìm ra nếu Nga và Ukraine đối thoại trên cơ sở những lợi ích của chính mình, thay vì để những nước bên ngoài có thể khai thác và lợi dụng tình hình cho những tính toán vì lợi ích của riêng họ.

Nga ngăn chặn viện trợ vũ khí cho Ukraine Nga ngăn chặn viện trợ vũ khí cho Ukraine Nga nêu điều kiện chấm dứt chiến sự ở Ukraine Nga nêu điều kiện chấm dứt chiến sự ở Ukraine EU công bố đợt trừng phạt thứ 4 nhằm vào Moscow, Nga - Ukraine đạt tiến triển trong hòa đàm EU công bố đợt trừng phạt thứ 4 nhằm vào Moscow, Nga - Ukraine đạt tiến triển trong hòa đàm

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước