Xung đột ở Nagorny-Karabakh và cuộc chiến chưa có hồi kết giữa Armenia và Azerbaijan

TS. Vũ Thụy Trang-Thứ sáu, ngày 02/10/2020 06:45 GMT+7

VTV.vn - Xung đột vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan bùng phát tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh, gây thương vong cho quân đội của cả hai nước.

Từ tháng 7/2020 xung đột bắt đầu leo thang ở Nagorny-Karabakh - khu vực nằm trong lãnh thổ của Azerbaijan ở vùng Nam Caucasus và tái bùng phát ở khu vực này khi quân đội Armenia và Azerbaijan bắt đầu pháo kích vào các vị trí của nhau trên biên giới ngày 27/9/2020. Các bên tiến hành các cuộc tấn công sử dụng vũ khí hạng nặng gây thương vong cho quân đội của cả hai nước.

Cho đến thời điểm hiện tại, hai bên không ngừng đổ lỗi cho nhau về việc khơi mào cho xung đột lần này. Mỗi bên đều có lập trường, quan điểm riêng về cuộc xung đột. Các con số thiệt hại về người, tài sản, các trang thiết bị quân sự của mỗi bên không ngừng gia tăng. 

Theo trang tin kommersant.ru (Nga) đưa tin vào ngày 2/10/2020, sau 6 ngày chiến sự ở Nagorno-Karabakh, Armenia tuyên bố sẵn sàng bắt đầu đàm phán về một hiệp định đình chiến, nhưng Ankara và Baku phản đối.

Xung đột ở Nagorny-Karabakh và cuộc chiến chưa có hồi kết giữa Armenia và Azerbaijan - Ảnh 1.

Giao tranh tại Nagorny-Karabakh (Ảnh: AP)

Quan điểm một số nước đối với cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh

Ngay khi xung đột tái diễn, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi Armenia và Azerbaijan ngừng ngay lập tức các hành động thù địch và quay trở lại đàm phán. Cộng đồng quốc tế cũng có những phản ứng kịp thời trước cuộc xung đột.

Đại diện của Nhóm đồng chủ tịch Minsk của OSCE - Nga, Pháp và Mỹ - đã yêu cầu chấm dứt các hành động thù địch trong khu vực và kêu gọi các bên bắt đầu đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn mà không đặt ra điều kiện tiên quyết.

Bà Elena Suponina, cố vấn của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga, cho biết: "Việc Mỹ, Pháp và Nga sẵn sàng hành động cùng nhau mang lại hy vọng rất lớn rằng các hành động thù địch có thể dừng lại. Hiện giờ sẽ không thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất của cuộc xung đột Nagorno-Karabakh nhưng vẫn có cơ hội chuyển những gì đang xảy ra từ bình diện quân sự sang bình diện chính trị"

Lập trường của Nga:

Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Nga đánh mất sự hiện diện trực tiếp của mình tại khu vực Nam Caucasus. Khu vực này là vùng đệm giữa bờ biển Đen và biển Caspi, tiếp giáp với Trung Á. Ý nghĩa địa chính trị của nó là rất lớn, đặc biệt đối với nước Nga. Và đối với phương Tây, khu vực này là cửa ngõ đi vào các khu vực phía nam của Nga. Do đó, sự hiện diện và ảnh hưởng của phương Tây đối với khu vực cũng như việc các  nước cộng hòa tiến lại gần với phương Tây có thể được xem như là một mối đe dọa đáng kể cho Nga. 

Nga đã luôn luôn cố gắng để tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực, ngăn khu vực này biến thành một mắt xích dưới sự chỉ đạo của phương Tây. Tại thời điểm này, Nga đã có được một vị trí vững chắc ở vùng Caucasus ở ba điểm: một là phần phía đông của bờ Biển Đen, tức là Abkhazia, tiếp đó là các chân đồi phía nam của dãy núi Caucasus, đó là Nam Ossetia, và thứ ba - ngọn núi Karabakh nơi có sự hiện diện đồng minh của Nga hiện nay là Armenia. Sự có mặt của Nga ở cả ba điểm chốt quan trọng hoàn toàn có thể làm trung hòa ảnh hưởng của phương Tây trong khu vực. Do đó, có thể nói rằng, sự kiểm soát được sự ổn định ở Karabakh sẽ đáp ứng các lợi ích của Nga.

Xung đột tại khu vực xảy ra khiến Nga không khỏi lo lắng, bởi lẽ, bất kì một chiến dịch quân sự được kích hoạt, giao tranh ở điểm nóng này có thể nhanh chóng leo thang, vượt khỏi tầm kiểm soát với sự tham gia của nhiều bên, do đó có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường và lan tràn trên quy mô lớn. Nếu trong trường hợp cuộc xung đột này diễn tiến thành một cuộc chiến tranh toàn diện, Nga sẽ bị liên đới, trước tiên là an ninh khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời mở đường cho sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài, chắc chắn sẽ động chạm đến lợi ích của Nga.

Nga có mối quan hệ tốt đẹp với cả hai nước Armenia và Azerbaijan. Armenia là thành viên của Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể, đồng minh chiến lược của Nga. Dù vấn đề Nagorno-Karabakh của Armenia không nằm trong những thỏa thuận của liên minh Nga - Armenia, Nga cũng không thể đứng ngoài cuộc, vì Nga đang có hai căn cứ quân sự tại nước này. Tuy nhiên, nếu Nga viện trợ hay giúp đỡ Armenia sẽ khiến Azerbaijan tức giận và như vậy, quan hệ Nga - Azerbaijan vốn có những bất đồng tiềm tàng, sẽ càng trở nên căng thẳng, thậm chí gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Nga nếu Azerbaijan hủy bỏ các hợp đồng mua bán vũ khí với Nga. Mặt khác, quan hệ Nga - Azerbaizan lúc căng lúc dịu rất khó để Nga kiểm soát bởi bên cạnh tuyên bố là đối tác chiến lược với Nga, song Azerbaijan vẫn tiếp tục củng cố quan hệ với quốc gia thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, thúc đẩy quan hệ với các nước châu Âu cũng như đề cao vai trò của Mỹ với tư cách là nhà đầu tư cũng như nhà cung cấp tài chính quan trọng cho nền kinh tế nước này. Bởi vậy, Nga phải nỗ lực để tránh một xung đột vũ trang nổ ra giữa hai nước.

Ngay sau khi giao tranh nổ ra, phía Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và nối lại tiến trình hòa bình theo tuyên bố của Chủ tịch các nước đồng chủ tịch Nhóm Minsk của OSCE ngày 1/10/2020. Tổng thống Vladimir Putin nói rằng cần phải chấm dứt các hành động thù địch và tránh leo thang thêm xung đột. Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan nhấn mạnh sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn sớm, đồng thời cũng tiến hành điện đàm với người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov. "Chúng tôi kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức và bắt đầu các cuộc đàm phán để ổn định tình hình", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố. Ông Lavrov cũng thảo luận về tình hình ở Karabakh với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mavlut Cavusolgu.

Lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ:

Cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh có thể đánh giá ở hai cấp độ, một là động chạm trực tiếp đến lợi ích của hai nước là Armenia và Azerbaijan, nhưng ở cấp độ khác, sẽ phân hóa sự liên minh, liên kết giữa hai nước này với các nước bên ngoài. Azerbaijan sẽ trông cậy vào Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Armenia sẽ trông ngóng vào nước Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ có chung biên giới với Armenia, nhưng nhiều lần tuyên bố sẽ không thiết lập "quan hệ nghiêm túc" với Armenia nếu không giải quyết xung đột với Azerbaijan về vùng Karabakh. Để ủng hộ Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa hoàn toàn tuyến biên giới chung với Armenia, cản trở không nhỏ những mối quan hệ thương mại và kinh tế của Armenia với bên ngoài. Hiệp định Đối tác Chiến lược và Tương trợ lẫn nhau giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan có điều khoản quy định, mỗi bên sẽ hỗ trợ và sử dụng mọi công cụ có thể trong trường hợp bên kia bị tấn công hay xâm lược. Bên cạnh đó, các chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO, đã tham gia tích cực trong việc hiện đại hóa và củng cố lực lượng vũ trang của Cộng hòa Azerbaijan. 

Thổ Nhĩ Kỳ là nước gần gũi với Azerbaijan về mặt ngôn ngữ, đang ngày càng định vị mình như một trong những đồng minh đầu tiên của nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này. Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự ủng hộ Azerbaijan trong cuộc xung đột. Thư ký báo chí của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin nói rằng Ankara ủng hộ Baku và lên án Yerevan vi phạm lệnh ngừng bắn.

Lập trường của Mỹ và EU:

Mỹ chắc chắn không muốn những căng thẳng mới với Nga vì vấn đề Nagorny-Karabakh, bởi vấn đề Ucraina và Syria đã làm cho quan hệ Nga - Mỹ chạm đáy kể từ sau chiến tranh lạnh. Nảy sinh thêm những bất đồng giữa hai cường quốc sẽ chỉ làm mất đi khả năng hàn gắn quan hệ song phương mà thôi. Tuy nhiên, Mỹ vẫn trông ngóng vào các hành động của Nga ở khu vực. Chỉ cần Nga thất bại trong chiến lược tại đây, quan hệ đồng minh Nga - Armenia bị phá vỡ, Mỹ sẽ có cơ hội tiến sát hơn đến khu vực và thâu tóm các mối quan hệ của Nga, ảnh hưởng của Mỹ nhờ đó mà được tăng cường. Còn EU đang tích cực điều phối đưa khí đốt tự nhiên của Azerbaijan qua hành lang khí đốt phía Nam chuyển tới châu Âu, không muốn hỗ trợ bên nào kích động xung đột quân sự trong khu vực khiến an ninh năng lượng của EU bị phá vỡ. 

Cả Mỹ và EU đều kêu gọi tất cả các bên phải chấm dứt tình trạng chiến tranh ngay lập tức. Vào ngày 1/10, Hội đồng châu Âu đã kêu gọi ngừng ngay lập tức các hành vi thù địch và kêu gọi các bên tiếp tục ngừng bắn lâu dài và giải quyết hòa bình xung đột.

TS. Vũ Thụy Trang - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga và SNG - Viện nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước