Xung đột tại Dải Gaza khiến khoảng 4.000 người thiệt mạng

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 18/10/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Theo con số thống kê chưa chính thức, xung đột đã khiến khoảng 4.000 người của cả hai bên thiệt mạng, hơn 13.000 người bị thương, 1,7 triệu người phải sống tị nạn.

Đáng lo ngại là tình hình đang diễn biến phức tạp khi xung đột có nguy cơ lan rộng từ 1 cuộc tấn công tổng lực của Israel vào Gaza hay một mặt trận mới giữa Israel và Hezbollah tại Lebanon - nguy cơ đẩy khu vực vào một cuộc chiến tranh quy mô lớn.

Nguy cơ xung đột lan rộng tại Gaza

Israel tấn công các mục tiêu của lực lượng Hezbollah ở Lebanon ngay trong đêm qua đẩy căng thẳng tại khu vực biên giới lên cao và lo ngại khu vực này sẽ trở thành mặt trận thứ hai đối với Israel bên cạnh cuộc xung đột với lực lượng Hamas, mặc dù trước đó Israel bày tỏ không muốn chiến tranh với lực lượng Hezbollah. Trong diễn biến mới nhất, Israel cho biết đã tiêu diệt 4 cá nhân vượt hàng rào biên giới Lebanon để đặt thiết bị nổ.

Ông Mustafa Barghouti - Tổng thư ký Sáng kiến Quốc gia Palestine: "Israel đang tiến hành một trò chơi rất nguy hiểm và có thể mở ra mặt trận thứ hai ở phía bắc và Israel có thể rơi vào một cuộc chiến với Hezbollah và với Lebanon. Đó là một khả năng rất thực tế".

Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã tiếp tục lên tiếng cảnh báo nguy cơ xung đột lan rộng tại khu vực Trung Đông. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo về nguy cơ xung đột leo thang ở Trung Đông, bày tỏ lo ngại về nguy cơ tham gia xung đột của các lực lượng ủy nhiệm.

Xung đột tại Dải Gaza khiến khoảng 4.000 người thiệt mạng - Ảnh 1.

Trong khi đó, kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar đưa tin, Ngoại trưởng Iran cũng cảnh báo nguy cơ leo thang xung đột trong khu vực nếu Israel "không chấm dứt hành động chống lại người Palestine tại Dải Gaza". Iran thậm chí cảnh báo sẽ tiến hành "hành động phủ đầu" nhằm vào Israel - động thái có thể khiến xung đột lan rộng ra khắp khu vực.

Bà Nomi Bar-yaacov - Nghiên cứu viên, Chương trình An ninh Quốc tế, Viện Nghiên cứu Chatham House: "Rủi ro chính là một cuộc chiến tranh khu vực lớn hơn, một thảm họa nhân đạo, thảm họa chính trị lớn".

Liên đoàn Arab và Liên minh châu Phi thì nhận định kế hoạch tấn công trên bộ vào Dải Gaza của Israel có thể dẫn đến một cuộc diệt chủng ở quy mô chưa từng có và kêu gọi Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ngăn chặn thảm họa trước khi quá muộn.

Theo các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hiện tại, để triển khai một chiến dịch trên bộ và leo thang xung đột với Hezbollah, Israel sẽ phải tính toán thêm nhiều yếu tố, không chỉ là về tương quan lực lượng mà còn về các phản ứng quốc tế và các kế hoạch hòa giải khu vực mà Israel đang theo đuổi. Khi vẫn chưa bên nào chịu xuống thang trong xung đột, nguy cơ lan rộng cuộc chiến vẫn đang hiện hữu.

Xung đột tại Dải Gaza khiến khoảng 4.000 người thiệt mạng - Ảnh 2.

Tăng cường  ngăn xung đột lan rộng

Trước những lo ngại về xung đột lan rộng, cộng đồng quốc tế đang đẩy nhanh các nỗ lực ngoại giao để tìm kiếm các giải pháp hạ nhiệt.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ có chuyến công du Trung Đông trong ngày 18/10 để tìm kiếm các giải pháp hạ nhiệt xung đột.

Theo chương trình, ông Joe Biden sẽ tới có các cuộc gặp với lãnh đạo Israel, Jordani, Ai Cập và Palestine. 

Ông Jake Sullivan - Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng: "Chúng tôi nhận thấy nguy cơ leo thang thực sự ở biên giới phía bắc, đó là lý do tại sao Tổng thống Biden đã rất rõ ràng và mạnh mẽ khi nói rằng không có quốc gia và nhóm nào được tìm cách lợi dụng tình hình này để phục vụ lợi ích hoặc làm leo thang căng thẳng. Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình".

Ngay trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cũng đã có chuyến ngoại giao con thoi tại Trung Đông, tiếp xúc lãnh đạo nhiều nước để thảo luận tình hình, nỗ lực kêu gọi các bên kiềm chế, ngồi vào bàn đàm phán. "Điều tôi nghe được từ hầu hết mọi đối tác là sự quyết tâm, quan điểm chung rằng chúng ta phải làm mọi thứ có thể để đảm bảo xung đột này không lan sang nơi khác. Một quan điểm chung để bảo vệ sinh mạng vô tội, hỗ trợ cho những người Palestine ở Gaza đang cần. Và chúng tôi đang nỗ lực hết sức để giải quyết vấn đề đó".  

Xung đột tại Dải Gaza khiến khoảng 4.000 người thiệt mạng - Ảnh 3.

Cùng với Mỹ, Trung Quốc cho biết cũng sẽ cử đặc phái viên về vấn đề Trung đông Trạch Tuyển tới khu vực để phối hợp với các bên nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn, bảo vệ dân thường, xoa dịu tình hình và thúc đẩy đàm phán hòa bình. Nhật Bản cũng dự định sẽ cử đặc phái viên tới khu vực.

Ông Trạch Tuyển - Đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề Trung Đông: "Trung Quốc đã liên lạc và phối hợp với tất cả các bên liên quan kể từ khi bắt đầu xung đột Palestine - Israel. Trong những ngày gần đây, tôi đã có cuộc điện đàm với người đứng đầu Bộ Ngoại giao Palestine, Israel, Ai Cập, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông, Đại diện đặc biệt của EU về tiến trình hòa bình Trung Đông... Tất cả các bên liên quan hy vọng thúc đẩy lệnh ngừng bắn và chấm dứt bạo lực, lên án các hành động gây tổn thương cho dân thường, kêu gọi tránh thảm họa nhân đạo và mong chờ nối lại tiến trình hòa bình ở Trung Đông".

Trong khi đó, nhiều nước như Nga, Saudi Arabia, Liên minh châu Âu, Tổ chức hợp tác Thượng Hải, tổ chức Hợp tác Hồi giáo đều liên tiếp thực hiện các nỗ lực ngoại giao song và đa phương để kêu gọi các bên liên quan chấm dứt xung đột, ổn định tình hình, nhấn mạnh phản đối các hoạt động bạo lực nhằm vào dân thường và mở hành lang nhân đạo.

Xung đột tại Dải Gaza khiến khoảng 4.000 người thiệt mạng - Ảnh 4.

Ai Cập cho biết sẽ đăng cai tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào ngày 21/10 tới để thảo luận về tình hình leo thang ở Gaza với sự phối hợp của các đối tác khu vực và quốc tế.

Trước những nỗ lực ngoại giao từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các yêu cầu về nhân đạo, Israel đã đồng ý cung cấp nước trở lại cho Gaza, một nhượng bộ từ Tel Aviv sau hơn một tuần phong tỏa gắt gao. Dù vậy, giới phân tích cảnh báo các nỗ lực này sẽ không thể ngăn được chiến dịch tấn công trên bộ của Israel vào Dải Gaza.

Nhiều chuyên gia nhận định, một kế hoạch hòa bình cho xung đột sẽ cần rất nhiều thời gian, nỗ lực và chưa khả thi trong tương lai gần. Thậm chí, cuộc chiến Israel và Hamas có thể chỉ là khởi đầu cho sự bùng nổ của "thùng thuốc súng" Trung Đông, chỉ có sự vào cuộc của cộng đồng quốc tế cùng những động thái xuống thang của chính những người trong cuộc mới có thể cứu vãn một thảm họa nhân đạo đang hiện hữu tại khu vực.

Thế giới sẽ phải tiếp tục theo dõi sát sao những động thái mới nhất của tất cả các bên, đặc biệt là chiến dịch tấn công trên bộ của Israel khi mà cho đến nay, đây vẫn là mồi lửa lớn nhất có thể thổi bùng xung đột khu vực một khi được châm ngòi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước